Để có một kỳ thi tốt nghiệp PTTH nghiêm túc

12/03/2007 23:37 GMT+7

Bài báo: Sẽ có một mùa thi nghiêm túc, nếu.... của tác giả Trần Hữu Tá đăng trên Báo Thanh Niên số 58 ra ngày 27.2.2007 đã nêu lên được "nỗi lo" của nhiều người và đó là những nỗi lo có thật. Xin nêu thêm một thí dụ nữa: Một anh bạn ba năm qua đều đi làm chủ tịch hội đồng coi thi tốt nghiệp THPT đã kể lại:

Trường X nơi anh coi thi, có bờ tường xây bằng đá xanh và gạch cao hơn 2,5m phía trên chạy mấy đường dây thép gai có cọc chống đỡ rất chắc chắn cao khoảng 0,7m nữa. Bên ngoài bờ tường phần lớn có ao hoặc mương nước sâu phải vượt qua mới tiếp cận được với bờ tường. Thế mà đến giờ thi toán thì số người "đại thí" rất đông và mặc dầu lực lượng bảo vệ hoạt động khá tích cực nhưng chỉ một lát sau những người đứng phía trong bờ tường đã nhiều hơn người đứng ngoài!... Và tất nhiên việc ngăn chặn ném bài là không thể được và đành phải chấp nhận.

Theo chúng tôi được biết thì cho đến nay phần lớn các giáo viên THPT đều nhận thức được sự quyết tâm của Bộ và của các Sở Giáo dục và Đào tạo, đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên theo nhận xét của nhiều người thì phần lớn phụ huynh học sinh nhất là ở nông thôn chưa "chuyển động" được mấy, thậm chí có người cũng không quan tâm và cho rằng "rồi đâu cũng vào đấy" nên lo là có cơ sở.

Một điều cần nói thêm là đối với các môn thi tự luận nếu mỗi phòng thi chỉ có một đề (hoặc hai đề chọn một) như trước đây và giáo viên coi thi không làm kiên quyết, thanh tra không nghiêm ngặt thì một số em khá giỏi giải được sẽ lan ra cả phòng. Trường hợp này thường đến khi chấm bài giám khảo mới phát hiện được, nhưng vì "thương" đồng nghiệp phần lớn người chấm thi cũng dễ cho qua và không muốn sinh sự làm hại người khác! Có lẽ từ nay đến khi bỏ kỳ thi đại học cao đẳng thì việc chuyển đổi bài chấm giữa các tỉnh thành là cần thiết.

Rồi một vấn đề nữa chúng ta cũng phải lường trước. Theo nhiều giáo viên nếu thi thật nghiêm túc thì nhiều trường nhất là ở nông thôn tỷ lệ tốt nghiệp có thể chỉ đạt 20 - 30%, các lớp bán công, dân lập, bổ túc văn hóa tỷ lệ còn thấp hơn nữa. Ở nhiều địa phương, một số lượng lớn học sinh THPT sẽ trượt tốt nghiệp! Bộ sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào? Có ý kiến cho rằng rồi sẽ phải tổ chức thi lại kỳ hai.

Mà thi kỳ hai thì tâm lý chung của người coi thi và chấm thi thường cho là thi vét nên cũng không muốn làm căng; dư luận xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng không quan tâm lắm..., cuối cùng tỷ lệ tốt nghiệp kỳ hai rất dễ được đẩy lên cao và số học sinh yếu kém "đậu oan" sẽ chiếm tỷ lệ không nhỏ!

Vậy là kỳ một làm thật, kỳ hai buông lỏng như trước đây thì sẽ không giải quyết được vấn đề gì? Cứ công bố công khai tỷ lệ tốt nghiệp kỳ một và kỳ hai (nếu có) của các tỉnh thành thì tự các con số sẽ nói lên tất cả. Hy vọng rằng những chuyện tương tự như trước đây sẽ không xảy ra: kỳ hai nếu có cũng sẽ là một kỳ thi nghiêm túc.

Chúng tôi rất tin tưởng vào những gì mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang làm nhưng cũng muốn được nghe ý kiến của Bộ về những vấn đề này, khi mà kỳ thi tốt nghiệp THPT đang đến gần.

Nguyễn Tâm Cẩn (xóm 3, xã Liên Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.