Ông "Hai lúa" đi quảng bá trí tuệ Việt

13/02/2007 10:48 GMT+7

Hai lúa" lại chế tạo máy bay, không chỉ một chiếc mà đến hai chiếc! Đón xe đi Tây Ninh để diện kiến ông nông dân này, tôi thấy ai cũng biết về anh bởi có người nói rằng anh là ông nông dân nổi tiếng nhất Việt Nam. Thế nhưng ít người biết rằng danh tiếng của anh đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam và vang tận nước Úc xa xôi.

Ông "Hai lúa" lại chế tạo máy bay!

 

 

 

Cách đây khoảng 4 năm, ngày 3.2.2003, dư luận vừa bị "sốc" vừa thú vị khi ông "Hai lúa" Trần Quốc Hải (ngụ tại ấp 2, xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) cho bay "thử nghiệm" chiếc máy bay trực thăng đầu tay của mình và cũng là chiếc máy bay đầu tiên mang nhãn hiệu "made in Việt Nam". Trong suy nghĩ của nhiều người, anh là đại diện cho trí tuệ sáng tạo tuyệt vời của con người Việt Nam chịu thương chịu khó. Nghe anh Hải kể về quá trình làm chiếc máy bay này thì quả là dày công.

Anh phải mò mẫm nghiên cứu sách vở, internet trong suốt 7 năm trời để tìm hiểu về nguyên lý khí động học, về sức gió và nguyên lý vận hành máy bay. Rồi anh lân la đến các viện bảo tàng để tìm hiểu cấu tạo của các máy bay trực thăng thuở sơ khai... Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót nếu như nhắc đến anh Hải mà không nói đến anh Lê Văn Danh, người bạn tri kỷ và là người sẵn sàng bỏ tiền túi ra để anh Hải thực hiện giấc mơ. Ước mơ này xuất phát từ thực tế tại quê anh là bà con nông dân còn sử dụng các phương tiện quá thô sơ để chăm sóc sản phẩm nông nghiệp, vừa mất thời gian mà năng suất lại không cao. 


Anh Hải (bìa phải) chụp hình lưu niệm tại triển lãm. Bên cạnh là đạo diễn Việt Linh

Tuy nhiên, sau đó anh Hải bị "sốc" khá nặng bởi đứa con tinh thần của mình chỉ cất cánh lên khỏi mặt đất 2m được vài phút thì đã bị cơ quan chức năng "vịn", rồi bị xếp vào ga-ra luôn cho tới nay. Dù vậy lúc này, tên tuổi "Hai lúa" Trần Quốc Hải đã nổi như cồn và được loan đi khắp nơi. Nhiều chuyên gia đến tham quan và cũng có nhiều lời không phục. Họ cho rằng dự án của anh "không khả thi", "không có gì mới"... Anh Hải chỉ biết im lặng nhưng tự hứa với lòng là sẽ có dịp trả lời họ. Anh Hải thú thực là lúc đó rất buồn và tự ái vì chiếc máy bay không được phép cất cánh. Tuy nhiên sau đó, rất nhiều người đã động viên anh không nên bỏ cuộc.

Nhiều cơ quan báo chí cũng đã lên tiếng kêu gọi nên tạo điều kiện cho trí tuệ của anh được phát huy. Điều này đã tạo cho anh một động lực mới, thôi thúc anh sáng tạo. Và chiếc máy bay thứ hai đã ra đời vào khoảng cuối năm 2005. So với chiếc máy bay ban đầu phải chế tạo trong vòng 7 năm thì chiếc thứ hai này anh chỉ chế tạo trong vòng... 6 tháng. Chiếc thứ hai này cũng có nhiều điểm mới so với chiếc ban đầu như: sức nâng mạnh hơn, máy hoạt động bằng... dầu chứ không phải bằng xăng. Và khi chiếc máy bay thứ hai chế tạo xong, anh Hải gọi điện mời mấy ông kỹ sư từng tuyên bố "hùng hồn" đến xem nhưng chẳng thấy vị nào đến.

"Vì sao anh lại đam mê chế tạo máy bay?" - chúng tôi hỏi. Anh cười khì: "Thì cứ coi như tôi mê máy bay cũng như người ta mê cây kiểng vậy đi. Nhưng rõ ràng là giờ này "cây kiểng" của tôi đã mang lại hiệu quả. Tôi vừa được nhiều người biết đến, được làm quen với rất nhiều anh em báo chí và làm quen với bạn bè năm châu".

Đi Úc quảng bá cho trí tuệ Việt

Ngày 29.11.2006 vừa qua, anh Hải được Ban tổ chức triển lãm nghệ thuật đương đại châu Á - Thái Bình Dương (tổ chức tại bang Queensland, Úc) mời sang để dự buổi chiếu ra mắt bộ phim nói về việc chế tạo máy bay của anh, trong đó anh là "vai chính" của bộ phim. Số là sau khi báo chí thông tin về chiếc máy bay "Hai lúa", đã có rất nhiều chuyên gia nước ngoài đến nhà anh để xem tận mắt chiếc máy bay thú vị trên.

Trong số đó có một đạo diễn Việt kiều là anh Lê Quang Đỉnh đã ngỏ ý làm một bộ phim về quá trình làm chiếc máy bay của anh để tham dự triển lãm trên. Được sự đồng ý của anh Hải, sau đó đạo diễn Đỉnh đã có 4 ngày bấm máy. Anh Hải thật sự bất ngờ khi hay tin bộ phim của đạo diễn Việt kiều Lê Quang Đỉnh được chọn làm tác phẩm "đinh" của triển lãm cùng với 2 tác phẩm khác của Trung Quốc và chủ nhà Úc. Chưa hết, sau đó anh Hải muốn "té ngửa" khi Ban tổ chức triển lãm mời anh sang Úc để dự buổi chiếu ra mắt bộ phim về anh. Dù vậy, anh cũng thu xếp hành trang và sang Úc đúng hẹn.

Chúng tôi đến nhà anh Hải khi anh vừa từ Úc về. Trông anh vẫn còn mệt nhưng hỏi đến chuyến đi, anh hồ hởi ngay: "Chuyến đi rất thành công", dù vậy bản thân anh cũng gặp không ít chuyện buồn cười. Bước lên máy bay, ngoài giấy tờ tùy thân anh chỉ có duy nhất tờ... sơ yếu lý lịch! Bởi trước đó để thuận tiện cho anh Hải đi lại, đại diện của chủ nhà Úc đã có công văn đến các cơ quan hữu trách xin ưu tiên cho anh trong mọi thủ tục.

Khi máy bay đưa anh đến Úc, cảnh sát tình nghi một nhóm người vận chuyển ma túy đã yêu cầu tất cả phải mở hành lý ra để kiểm tra và anh cũng không là ngoại lệ. Anh Hải cũng hơi hoang mang nhưng sau khi đổ hành lý anh Hải ra, nhân viên an ninh thấy toàn sách viết về máy bay nên hỏi: "Anh là phi công à?”. Với vốn ngoại ngữ hạn chế, anh Hải loay hoay và đưa cho anh nhân viên này tờ giấy mời của Ban tổ chức triển lãm. Anh chàng này mặt đang đằng đằng sát khí bỗng chuyển "tông", "sorry" rối rít rồi xếp hành lý ngăn nắp lại cho anh và ân cần dẫn anh ra đến cửa sân bay, nơi mà Ban tổ chức triển lãm đang đứng chờ sẵn...


Ngoài 2 dự án chế tạo máy bay, anh Hải cũng còn ấp ủ khoảng 10 dự án khác, trong đó có những cái vừa nghe qua đã thấy "sốc" như: Máy bay cánh thẳng bay 3.000 km không cần tiếp nhiên liệu, xe vượt mọi địa hình (khi trên đường bộ là xe nhưng nếu gặp sông hồ thì trở thành thuyền máy)...

Bộ phim nói về quá trình chế tạo chiếc máy bay của anh không ngờ được dư luận tại Úc đặc biệt quan tâm mà ngay cả anh Hải và Ban tổ chức cũng không ngờ tới. Lịch chiếu phim tại rạp của viện bảo tàng lẽ ra chỉ công chiếu 3 tháng để phục vụ công chúng nhưng Ban tổ chức đã quyết định kéo dài đến 6 tháng. Chưa hết, đại diện của hai nước đến tham dự triển lãm là Mỹ và Israel cũng đã mua lại bản quyền của bộ phim này để mang về nước phục vụ công chúng. Ngay sau đó, thông qua phiên dịch, anh Hải đã có buổi giao lưu với những người tham dự triển lãm.

Nhiều người tỏ ra rất hào hứng với sản phẩm thú vị của anh và đặt rất nhiều câu hỏi cho anh. Có người hỏi vì sao anh lại có thể chế tạo một chiếc máy bay trong điều kiện khó khăn về nhiều mặt như thế, anh trả lời: "Mặc dù chúng tôi còn nhiều khó khăn nhưng điều đó không ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo". Thậm chí những người có thẩm quyền tại bảo tàng đặt vấn đề mua lại chiếc máy bay trên; những người này nói rằng bộ phim về anh chế tạo chiếc máy bay là rất hay nhưng nếu có chiếc máy bay luôn để triển lãm thì tuyệt vời hơn. Anh Hải chưa hứa hẹn gì vì chiếc máy bay đó do anh và anh Danh cùng làm vì vậy muốn quyết định chuyện này, anh Hải phải chờ ý kiến của anh Danh.

Khi chia tay chúng tôi, trời đã xế chiều, anh Hải lấy xe hơi đưa chúng tôi từ nhà anh ra tận thị xã Tây Ninh. Anh hồ hởi: "Có đi mới biết rằng người Việt Nam mình không hề thua ai".

M.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.