Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Chủ tịch HĐBT Ý Romano Prodi và hội kiến Giáo hoàng Benedict XVI

26/01/2007 00:10 GMT+7

Ngày 25.1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thủ đô Roma, bắt đầu chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ý, theo lời mời của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Romano Prodi. Ngay sau lễ đón, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Ý Romano Prodi.

Tại cuộc hội đàm, hai bên đã thông báo cho nhau tình hình của mỗi nước, trao đổi ý kiến sâu rộng về hợp tác song phương Việt Nam - Ý và một số vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng tiến hành chuyến thăm đầu tiên tại Cộng hòa Ý kể từ khi nhậm chức tháng 7.2006; cảm ơn sự đón tiếp trọng thị và nồng nhiệt mà Chủ tịch Prodi và Chính phủ Ý dành cho Thủ tướng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.

Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tích cực của quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua, đặc biệt là trao đổi thương mại hai chiều lần đầu tiên vượt trên 1 tỉ USD trong năm 2006, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 800 triệu USD với nhiều mặt hàng tăng mạnh như thủy sản, dệt may, cà phê và cao su. Ý là nước đứng thứ 9 trong Liên minh châu u (EU) và đứng thứ 31 trong số các quốc gia trên thế giới về mức đầu tư tại Việt Nam với 22 dự án, với tổng trị giá 55,9 triệu USD, thuộc các lĩnh vực giày da, xây dựng, thiết bị vệ sinh, bình nóng lạnh, chế biến thép...

Thủ tướng nhấn mạnh trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Ý và mong muốn các doanh nghiệp và nhà đầu tư Ý sẽ tăng cường hoạt động trong công cuộc hiện đại hóa và công nghiệp hóa của Việt Nam. Thủ tướng cũng đánh giá cao sự giúp đỡ và hỗ trợ của Ý dành cho Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đề nghị hai nước tăng cường hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực du lịch, lao động và đào tạo nghề.

Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chân thành cảm ơn nhân dân Ý về sự ủng hộ quý báu dành cho Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh vì độc lập dân tộc và thống nhất đất nước trước đây cũng như cho công cuộc đổi mới ngày nay; cảm ơn Ý đã ủng hộ Việt Nam trong quá trình gia nhập WTO; đồng thời đề nghị Ý tiếp tục tích cực ủng hộ Việt Nam là ứng cử viên chức Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ khóa 2008-2009.

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Ý Romano Prodi nhắc lại những kỷ niệm tốt đẹp trong chuyến thăm Việt Nam của ông nhân dịp dự Hội nghị cấp cao Á - u (ASEM 5), nhiệt liệt hoan nghênh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiến hành chuyến thăm Cộng hòa Ý. Chủ tịch Prodi bày tỏ lòng khâm phục đối với dân tộc Việt Nam anh hùng, đánh giá cao những thành tựu to lớn mà Việt Nam đạt được trong công cuộc đổi mới, và việc Việt Nam trở thành thành viên của WTO.

Chủ tịch Romano Prodi bày tỏ vui mừng trước những kết quả hợp tác tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước, khẳng định Ý coi trọng vị trí và vai trò của Việt Nam tại Đông Nam Á, mong muốn Việt Nam là cầu nối giúp tăng cường sự hiện diện của Ý tại khu vực này. Chủ tịch cho rằng tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn rất lớn và nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế - thương mại song phương; khẳng định sẽ khuyến khích các tập đoàn kinh tế lớn của Ý tăng cường thâm nhập thị trường Việt Nam, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các dự án hợp tác phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và du lịch.

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Romano Prodi khẳng định Ý nhất trí những đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là hai bên sớm họp ủy ban hỗn hợp nhằm đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Giáo hoàng Benedict XVI - Ảnh: TTXVN

Ngày 25.1, tại Tòa thánh Vatican, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyến Tấn Dũng đã hội kiến với Giáo hoàng Benedict XVI và hội đàm với Thủ tướng Vatican, Hồng y Tarcisio Bertone. Đây là cuộc gặp lần đầu tiên giữa Thủ tướng Chính phủ Việt Nam với Giáo hoàng và Thủ tướng Vatican. Cuộc gặp này thể hiện thiện chí và mong muốn của Việt Nam và Tòa thánh Vatican nhằm tăng cường đối thoại và hiểu biết lẫn nhau.

Tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thông báo những thành tựu to lớn, có ý nghĩa rất quan trọng của Việt Nam trên các lĩnh vực sau 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Đảng Cộng sản và Nhà nước CHXHCN Việt Nam luôn tôn trọng quyền dân chủ, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, được quy định trong pháp luật Việt Nam và được nhất quán thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi trên thực tế cho việc thăng tiến đời sống tôn giáo, coi đây là một nhân tố quan trọng bảo đảm đoàn kết dân tộc. Ở Việt Nam, cộng đồng những người Công giáo là một cộng đồng năng động, kính Chúa, yêu nước và có những đóng góp tích cực cho việc xây dựng và phát triển đất nước. Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ với Tòa thánh Vatican. Hai bên đã có các cuộc gặp hằng năm để trao đổi ý kiến về những vấn đề liên quan đến Giáo hội Công giáo Việt Nam và những vấn đề khác mà hai bên cùng quan tâm. Những cuộc gặp gỡ đó đã mang lại kết quả tích cực, giúp hai bên ngày càng hiểu biết lẫn nhau.

Chính phủ Việt Nam chủ trương tiếp tục quá trình đối thoại trực tiếp với Tòa thánh Vatican trên cơ sở những nguyên tắc đã được hai bên thỏa thuận là tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Việt Nam mong muốn Tòa thánh Vatican có tiếng nói khích lệ cộng đồng Công giáo Việt Nam luôn luôn gắn bó với đất nước và dân tộc, làm nền tảng cho sự phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican.

Giáo hoàng và Thủ tướng Vatican cảm ơn và đánh giá cao chính sách và thực tế tình hình tự do tôn giáo của Việt Nam, cho đây là hình mẫu về tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Thủ tướng Vatican đề nghị thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Vatican và Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận ý kiến của Thủ tướng Vatican về việc thiết lập quan hệ ngoại giao và đề nghị giao cho cơ quan ngoại giao hai bên thảo luận cụ thể về vấn đề này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, chu đáo của Giáo hoàng và Thủ tướng Vatican và bày tỏ tin tưởng rằng, với thiện chí và quyết tâm của cả hai bên, quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican sẽ tiếp tục phát triển phù hợp với mong muốn của cả hai bên.

Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.