Cuộc săn lùng tài sản Saddam Hussein

02/01/2007 22:00 GMT+7

Các quan chức Mỹ và Iraq đang tăng cường điều tra những nghi vấn rằng cựu Tổng thống Saddam Hussein đã tuồn hàng chục tỉ USD ra khỏi Iraq và để trong các tài khoản ngân hàng bí mật ở nước ngoài.

Theo Báo Guardian (Anh), các nhà điều tra Mỹ và Iraq đang muốn thẩm vấn những thành viên trong gia đình của Saddam Hussein về những khoản tiền thất lạc trong gia sản mà họ cho là bất hợp pháp của nhân vật quyền lực một thời này.

Theo các tài liệu chính thức được công bố cho một ủy ban của Quốc hội Mỹ, các quan chức thuộc Cục Điều tra Liên bang (FBI), Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ đặc biệt muốn tìm 4,3 tỉ USD. Đây là khoản lợi nhuận được cho là bất hợp pháp mà chính quyền Iraq bị cáo buộc thu được trong giai đoạn 2000-2003 từ thỏa thuận thương mại với Syria, một thỏa thuận nằm ngoài chương trình đổi dầu lấy lương thực của LHQ. Các quan chức ngoại giao và tài chính Mỹ cho rằng Syria đã không giải thích thỏa đáng việc có được hơn 500 triệu USD lợi nhuận từ dầu thô của Iraq. Các nguồn tin cho biết khoản tiền mặt nói trên, tại Ngân hàng trung ương Syria, được trả cho các thương nhân Syria sau khi Tổng thống Saddam bị lật đổ. Giới chức Syria bác bỏ các cáo buộc này, nói rằng những chuyến thăm của các quan chức Mỹ đến Damascus vào mùa thu năm 2003 đã không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về số tiền mặt bị thất lạc ngoài 300 triệu USD đã bị phong tỏa.

LHQ đã trừng phạt kinh tế đối với Iraq vào năm 1990 sau khi Tổng thống Saddam cho quân tấn công Kuwait. Chương trình đổi dầu lấy lương thực được đưa ra vào tháng 12.1996 nhằm giảm nhẹ tác động của các biện pháp trừng phạt đối với người dân Iraq. Chương trình trên, được HĐBA gồm 15 thành viên cho phép chính quyền Saddam bán dầu và dùng tiền thu được để mua hàng hóa dân sự.

Trong một báo cáo nộp lên CIA hồi năm ngoái, Charles Duelfer, cựu thanh sát viên vũ khí của LHQ, ước tính Saddam đã thu được 10,9 tỉ USD "bằng các phương thức phi pháp" từ năm 1990 đến năm 2003. Ông này cũng bị nghi là đã giấu tiền mặt trong các tài khoản ở Thụy Sĩ, Nhật Bản, Đức và các nước khác, cũng như đã đầu tư vào đá quý, kim cương mua từ Đông Á.

Ngay trước khi xảy ra cuộc chiến Iraq năm 2003, 1,7 tỉ USD - trong các tài khoản được mở ở Mỹ dưới danh nghĩa Chính phủ Iraq, Ngân hàng trung ương Iraq, cơ quan tiếp thị dầu mỏ nhà nước, các ngân hàng Rafidain và Rasheed - đã bị tịch thu. Ngân hàng trung ương Anh phong tỏa 400 triệu bảng (hơn 786 triệu USD) của Iraq tại các ngân hàng xứ sương mù. Thêm 495 triệu USD tài sản không được biết đến trước đó được giữ trong các tài khoản ở Li-băng. Ngay khi bị bắt, có tin Saddam đã cho các nhà điều tra Mỹ biết nơi ông tuồn hàng tỉ USD từ ngân khố Iraq ra nước ngoài. Iyad Allawi, khi đó còn là thành viên Hội đồng Điều hành Iraq, cho biết Chính phủ Iraq đang truy tìm 23 tỉ bảng Anh (khoảng 45 tỉ USD). Theo Allawi, số tiền này đã được gửi ở nước ngoài "dưới danh nghĩa của các công ty ma".

Barzan al-Takriti, người em cùng cha khác mẹ của Saddam, bị bắt giữ vào tháng 4.2003. Người này là nguồn tin chủ chốt cho các nhà điều tra tài chính ở Mỹ và Iraq bởi họ tin rằng các thành viên thân cận trong gia đình Saddam có thể đang nắm giữ "chìa khóa". Barzan bắt đầu quản lý danh mục đầu tư hải ngoại của Saddam sau khi chuyển sang Geneva vào năm 1983 để làm đại sứ tại Thụy Sĩ. Raghad, con gái của Saddam, đang sống ở Jordan nhưng không được phép tham gia các hoạt động chính trị. Quốc vương Abdullah của Jordan cho Raghad và em cô là Rana tị nạn vì lý do nhân đạo. Raghad bị Chính phủ Iraq hiện nay cáo buộc dùng hàng triệu USD tiền thu được một cách phi pháp của Saddam để tài trợ cho lực lượng nổi dậy ở Iraq. Vợ cả của Saddam, bà Sajidah, cũng đang chịu những cáo buộc tương tự.

T.Q

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.