Quy định về tuổi nghỉ hưu vẫn chưa thay đổi

22/11/2006 00:20 GMT+7

* Cho phép tư nhân lập ngân hàng mô Ngày 21/11, Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại Hội trường Ba Đình, sau hơn 1 tuần gián đoạn do việc tổ chức Hội nghị APEC, để thông qua 6 dự án luật: Luật Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật Bình đẳng giới; Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động; Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người; Luật Dạy nghề và Luật Thể dục - Thể thao.

Cuối cùng thì vấn đề tuổi nghỉ hưu của lao động nữ đã không được quy định trong Luật Bình đẳng giới như mong muốn của nhiều đại biểu Quốc hội. Trong các phiên thảo luận về Dự luật Bình đẳng giới trước đây, tuổi nghỉ hưu của lao động nữ là vấn đề gây tranh cãi nhất. Rất nhiều đại biểu đề nghị cần phải bình đẳng ngay cả trong quy định về tuổi nghỉ hưu; quy định cho nữ được nghỉ hưu sớm 5 năm (55 tuổi) được coi là sự ưu tiên nhưng thực tế lại không ưu tiên vì nhiều người nghỉ sớm 5 năm lại chưa đủ năm công tác để được tính lương hưu hay nghỉ sớm 5 năm so với nam giới còn ảnh hưởng đến công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ...

Cũng có ý kiến đề nghị tuổi nghỉ hưu không nên quy định "cứng" mà phải dựa trên tiêu chí về ngành, nghề do Chính phủ quy định cụ thể. Nhưng sáng 21/11, 72,9% các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Bình đẳng giới mà không đề cập đến vấn đề nhạy cảm này. Bởi vì trước đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình rằng đây là vấn đề nhạy cảm có nhiều ý kiến khác nhau lại liên quan đến quyền lợi của hàng triệu người lao động nên phải tiếp tục nghiên cứu, khảo sát. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin rút nội dung này ra khỏi Luật Bình đẳng giới. Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu cho biết, vấn đề tuổi nghỉ hưu và hưởng chế độ hưu trí sắp tới sẽ được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân trước khi có một sửa đổi cơ bản. Như vậy, quy định về tuổi nghỉ hưu vẫn theo Bộ luật Lao động.

Luật Đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động đã được đa số các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua với những chỉnh sửa không đáng kể so với dự thảo trình các phiên họp trước, mặc dù cũng còn nhiều ý kiến băn khoăn về việc tại sao doanh nghiệp Việt Nam không trực tiếp ký hợp đồng với chủ sử dụng lao động nước ngoài mà lại phải thông qua môi giới; hay như đề nghị quy định cụ thể về phí môi giới cho từng vùng, lãnh thổ mà người lao động phải chịu...

Luật Thể dục - thể thao đã được 79% đại biểu tán thành thông qua mà không có quy định nào về tổ chức cá cược trong lĩnh vực này. Ngay sau khi luật được thông qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục - Thể thao Nguyễn Danh Thái cho biết: cá cược là vấn đề quá nhạy cảm, cần phải được xem xét chặt chẽ và cần sự đồng thuận cao của toàn xã hội. Theo ông Thái, tới đây ủy ban này sẽ xây dựng một nghị định về cá cược trong thể thao để trình Chính phủ thông qua.

Mặc dù bị nhiều đại biểu phản đối trong phiên họp ngày 26/10, nhưng ngày 21/11, quy định cho phép tư nhân được thành lập ngân hàng mô vẫn được Quốc hội thông qua cùng với Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người (78,2% phiếu thuận). Theo quy định, ngân hàng mô hoạt động không nhằm mục đích thương mại.

Ngày 22/11 Quốc hội tiếp tục chương trình thông qua 5 dự án luật khác.

Tuyết Nhung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.