Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO

08/11/2006 00:37 GMT+7

Sau 11 năm ròng rã qua 15 vòng đàm phán, hôm qua 7/11 tại Geneva (Thụy Sĩ), Việt Nam đã chính thức bước vào ngôi nhà chung của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) - thành viên thứ 150 của tổ chức này. PV Thanh Niên tường trình từ Geneva sự kiện trọng đại này

Việt Nam là ngôi sao đang lên của WTO

Đúng 11h ngày 7/11 (giờ Thụy Sĩ, tức 17h chiều giờ Việt Nam), lễ kết nạp Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO bắt đầu. Sau tiếng gõ búa của ngài Eirik Glenne, Chủ tịch Đại hội đồng WTO, phiên họp đặc biệt mang tính lịch sử này đối với Việt Nam chính thức diễn ra.

Khác với một phiên họp bình thường, hôm nay có mặt toàn bộ các thành viên của WTO, từ hàng ghế quan sát viên, phái đoàn Việt Nam được bố trí một dãy bàn đầu vị trí rất trang trọng. Phái đoàn Việt Nam dẫn đầu là Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, Đại sứ Ngô Quang Xuân và các thành viên đoàn đàm phán. 

Mở đầu bài phát biểu, Đại sứ Eirik Glenne, Chủ tịch Đại hội đồng WTO và cũng là Chủ tịch Ban Công tác về gia nhập WTO của Việt Nam đã điểm lại quá trình gia nhập WTO trong 11 năm qua. Sau đó, lần lượt các đại biểu của WTO như Na Uy, Thụy Sĩ, Banglades, Canada, New Zealand, Cuba... đều đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam và nhiệt liệt chúc mừng nhân dân Việt Nam. Các phát biểu đều bày tỏ lời chúc mừng nồng nhiệt với Việt Nam nhân dịp Việt Nam trở thành thành viên chính thức thứ 150 của WTO, đánh giá cao một quốc gia với năng lực và tiềm năng kinh tế lớn, và tiềm năng lớn không chỉ trong công nghiệp, nông nghiệp mà cả trong lĩnh vực văn hóa. Việc Việt Nam gia nhập WTO sẽ tăng cường vai trò của khu vực châu Á trong WTO. Đại biểu Cuba chúc mừng VN đã trải qua nhiều khó khăn để gia nhập WTO: “Tham gia WTO, Việt Nam sẽ đóng góp vào thành tựu của các nước đang phát triển. Chúng tôi rất vui mừng vì Việt Nam đã phát triển kinh tế, đạt tốc độ tăng trưởng thuộc hạng cao nhất thế giới và không từ bỏ bất cứ một cơ hội phát triển nào. Cuba hy vọng với sự tham gia của VN, những vòng đàm phán Doha sẽ có được những thành công đáng mong đợi”.      

Tiếp đó, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã có bài phát biểu: "Tôi rất vinh dự thay mặt Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam tham dự phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng WTO hôm nay và chứng kiến lễ ký Nghị định thư về việc Việt Nam gia nhập WTO. Đây là một sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đánh dấu Việt Nam từ nay tham gia một cách bình đẳng vào thể chế thương mại toàn cầu. Sự kiện này thể hiện tình cảm nồng hậu mà cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam, đặc biệt là sự đánh giá cao đối với thành quả mà nhân dân Việt Nam đạt được trong công cuộc đổi mới toàn diện về kinh tế-xã

Tại cuộc họp báo, ông Pascal Lamy đã ca ngợi nỗ lực của VN. Ông cho rằng gia nhập WTO sẽ sớm đưa lại lợi ích to lớn cho VN. Ông Pascal Lamy cho rằng cái lợi trước mắt khi VN gia nhập WTO là VN có thể mở rộng quy mô trao đổi thương mại, được bảo vệ cạnh tranh một cách công bằng bởi các định chế của WTO. Ông tin rằng vào WTO, VN sẽ tiếp tục công cuộc cải cách và phát triển kinh tế. VN sẽ trở thành một trong những nền kinh tế lớn trên thế giới vì quy mô của nó, và theo ông thực tế VN đã là nền kinh tế quan trọng với dân số hơn 80 triệu dân. Quy mô thương mại VN được ông Lamy đánh giá hiện nay là đứng khoảng 51 trên toàn cầu.
hội và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nhằm mục đích: "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", cũng như những đóng góp của Việt Nam vào xu thế hợp tác vì hòa bình và phát triển trên thế giới. Tôi xin thay mặt Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam gửi lời cảm ơn chân thành đến ông Pascal Lamy, Tổng giám đốc WTO; ông Eirik Glenne, Chủ tịch Đại hội đồng WTO và Chủ tịch Ban Công tác về gia nhập WTO của Việt Nam; Ban thư ký WTO, đặc biệt là ông Arif Hussain, Vụ trưởng Vụ Gia nhập và các cộng sự của ông, các thành viên Ban Công tác về thiện chí, sự ủng hộ và hỗ trợ nhiệt tình dành cho Việt Nam trong các chặng đường đàm phán vừa qua. Chúng tôi hy vọng việc trở thành thành viên WTO sẽ mở ra cơ hội mới cho Việt Nam mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, tranh thủ công nghệ để phát triển. Với thị trường bao gồm 85 triệu dân, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn thuộc loại cao nhất thế giới trong nhiều năm liên tiếp, một đất nước thanh bình và luôn ổn định, một điểm du lịch tươi đẹp với những người dân hiền hòa và mến khách, tôi tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là một thị trường hấp dẫn, điểm đến tin cậy cho mọi nhà đầu tư. Tôi cũng chia sẻ ý kiến của nhiều bạn bè cho rằng, gia nhập WTO là lợi ích của Việt Nam cũng như của chính WTO. Về phần mình, chúng tôi sẽ nghiêm chỉnh thực hiện các cam kết của một thành viên, đồng thời sẽ tích cực đóng góp vào các công việc chung của tổ chức...".

Sau phát biểu của Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm, lễ ký kết Nghị định thư về việc gia nhập WTO của Việt Nam bắt đầu. Bộ trưởng Trương Đình Tuyển thay mặt Chính phủ Việt Nam đã chính thức ký kết văn kiện này cùng với Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy dưới sự chứng kiến của Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm. Tại cuộc họp báo sau đó, Tổng giám đốc Pascal Lamy đã đánh giá Việt Nam là ngôi sao đang lên của WTO.

Công bố các tài liệu cam kết của Việt Nam với WTO

Chiều 7/11, cùng thời điểm với lễ kết nạp Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO tại Geneva (Thụy Sĩ), Bộ Thương mại cũng đã chính thức công bố toàn văn cam kết của Việt Nam với WTO. Bộ văn kiện này đã được Ban Công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO thông qua vào ngày 26/10/2006 vừa qua. Toàn bộ nội dung các cam kết của Việt Nam với WTO bao gồm: Báo cáo của Ban Công tác; Biểu cam kết về hàng hóa;  Biểu cam kết về dịch vụ. Các doanh nghiệp, đối tượng quan tâm có thể tham khảo hoặc tải về từ trang web của Bộ Thương mại (www.mot.gov.vn) bản tiếng Anh. Riêng bản tiếng Việt, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính, Bộ Thương mại tổ chức họp báo và công bố toàn văn các cam kết về thuế quan, dịch vụ, các cam kết đa phương bằng tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng trước ngày 15/11/2006. (T.Q.H)

Chủ tịch Đại hội đồng WTO, ông Eirik Glenne: Tôi khâm phục công việc các bạn đã làm

Ngay sau lễ kết nạp Việt Nam vào WTO, Chủ tịch Đại hội đồng WTO, cũng là Chủ tịch Ban Công tác Việt Nam gia nhập WTO, ông Eirik Glenne đã có cuộc trao đổi ngắn với PV Báo Thanh Niên:

* Giờ phút trọng đại này, ông muốn gửi đến nhân dân VN điều gì?

- Xin chào mừng các bạn đến với chúng tôi, Tổ chức Thương mại thế giới lớn nhất toàn cầu, kể cả các bạn nữa là 150 thành viên. Như bạn đã thấy đấy, tôi không thể nói gì nhiều hơn, bạn bè trong Đại hội đồng dường như đã chúc mừng các bạn trong suốt cả buổi sáng hôm nay. Đó là một dấu hiệu rất lạc quan cho các bạn. Một ngày rất trọng đại cho đất nước các bạn, cho nhân dân các bạn.

* Ông có nghĩ đây là thời điểm tốt để Việt Nam gia nhập WTO và cũng có phải là một thời điểm tốt cho WTO trong bối cảnh tổ chức này đang gặp một số khó khăn?

- Đúng như vậy. Đây là thời điểm quan trọng cho cả hai bên, bởi vì WTO là một tổ chức thương mại toàn cầu, và Việt Nam ngày nay không thể đứng ngoài một thể chế như vậy mãi được. Đây cũng là một thời điểm khó khăn cho vòng đàm phán Doha, việc Việt Nam gia nhập WTO  mang lại niềm tin vào tổ chức này. Tôi nghĩ Việt Nam gia nhập WTO vào thời điểm này không những tốt cho Việt Nam mà cả cho WTO.


Đoàn chính phủ VN chụp ảnh chung với Tổng giám đốc WTO - Ảnh K.Tùng

* Ông đánh giá thế nào về kỹ năng đàm phán của phía Việt Nam?

- Phải nói thật là tôi rất ấn tượng với kỹ năng đàm phán của các bạn. Các bạn có một đội ngũ đàm phán rất tốt, trẻ trung, am hiểu vấn đề, và đạt chất lượng rất cao. Trong suốt thời gian làm việc với các bạn, tôi đã học hỏi được rất nhiều, và tôi thật sự tôn trọng tố chất đàm phán của các bạn.

* Đâu là thời điểm đáng nhớ nhất trong các cuộc đàm phán với Việt Nam?

- Thời điểm đáng nhớ nhất đối với tôi là 5h17 phút ngày 18/10, lúc Ban Công tác gia nhập WTO của Việt Nam do tôi là chủ tịch thông qua không chính thức hồ sơ gia nhập WTO của Việt Nam. Từ thời điểm đó, tôi biết rằng không còn con đường nào có thể ngăn cản các bạn đến với WTO nữa. Tôi nói thật là tôi rất vui mừng và cảm thấy hãnh diện vì đã hoàn thành được một nhiệm vụ lớn và vinh quang.

* Xin cảm ơn ông!

(Xuân Danh thực hiện tại trụ sở WTO ở Geneva)

Xuân Danh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.