Hàng trăm cán bộ tại Gia Lai mạo danh “quân nhân” để thi bổ túc

03/11/2006 21:40 GMT+7

* “Danh sách đen” có nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt của sở, huyện Hàng trăm cán bộ, công chức dân sự, kể cả quan chức từ tỉnh đến huyện, xã chưa có bằng tốt nghiệp THPT đã "phù phép" hồ sơ, "biến" mình thành "quân nhân" để dự thi tốt nghiệp bổ túc THPT tại trường Thiếu sinh quân dân tộc Quân khu 5 (TSQDT QK5) liên tục trong nhiều năm qua.

Vụ đổ bể ở hội đồng thi tốt nghiệp bổ túc THPT tại Trường TSQDT QK5  (Gia Lai) khiến 825 học viên dân sự maÅo danh "quân nhân" của tỉnh Gia Lai được nhà trường tạo điều kiện dự thi đã bị Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) lật tẩy chỉ cách ngày thi một tuần. Sau đó, trung tuần tháng 10.2006, Viện Kiểm sát quân sự Quân khu 5 đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với 3 sĩ quan gồm: trung tá Bùi Duy Dinh, giáo viên trường TSQDT QK5; trung úy Nguyễn Quang Tuấn, nhân viên quân lực Phòng tham mưu Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai và trung úy Vũ Quang Thiều, nhân viên quân lực Bộ Chỉ huy biên phòng Gia Lai về tội danh: lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Theo một cán bộ điều tra thì cơ quan chức năng đang khẩn trương làm rõ những đối tượng khác đang trong tầm nghi vấn liên quan đến việc "chạy bằng" động trời này.

Ông Huỳnh Thế Mạnh - Phó giám đốc Sở Nội vụ Gia Lai, Trưởng đoàn thanh tra cho biết: bước đầu đã xác định được hơn 570 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các cơ quan trên địa bàn tỉnh Gia Lai và đối tượng học viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp "mạo danh" “quân nhân” để thi lấy bằng tốt nghiệp bổ túc THPT tại Trường TSQDT QK5. Nếu có điều kiện để kiểm tra, xác minh, chắc chắn "danh sách đen" sẽ nhiều hơn.

Theo kết quả điều tra bước đầu, đội ngũ giáo viên đang đứng đầu danh sách với hơn 500 nhà giáo maÅo danh "quân nhân" dự thi bổ túc THPT tại Trường TSQDT QK5. Nhờ có tấm bằng tốt nghiệp bổ túc này, hơn 200 giáo viên hiện đang theo học các khóa đại học tại chức, từ xa. Cơn lốc "chạy bằng" như vết dầu loang từ huyện gần cho đến địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh Gia Lai cuốn theo hàng trăm giáo viên lao vào vòng xoáy gian lận thi cử. Liệu ngành giáo dục Gia Lai sẽ thực hiện cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" ra sao đây khi không ít người trong cuộc lại mang trên mình những tì vết tiêu cực?

Đáng chú ý trong số cán bộ, công chức gian lận hồ sơ thi cử nói trên, có nhiều vị là lãnh đạo chủ chốt đứng đầu của một số huyện, ban ngành trong tỉnh Gia Lai như: bà Trần Thị Nhiên - Phó chủ tịch UBND huyện Kông Chro; ông Nguyễn Văn Chức, Chánh văn phòng Trung tâm xúc tiến đầu tư - thương mại Gia Lai (liên quan đến vụ Muốn vào biên chế phải đưa tiền... rẹt rẹt (!?) đầy tai tiếng mà Báo Thanh Niên đã có bài phản ánh). Năm 2004, ông Chức đã đội lốt "quân nhân" để dự thi tốt nghiệp bổ túc THPT. Nhờ "tấm thẻ bài" này, ông hoàn tất hồ sơ hợp lệ tiếp tục theo học lớp Đại học Luật kinh tế từ xa tại Trung tâm GDTX của tỉnh. Một trường hợp đặc biệt khác: ông Lâm Thế Tổng, Bí thư huyện Chư Pah (Gia Lai) không đến trường học bổ túc THPT ngày nào vẫn nghiễm nhiên có được "hồ sơ hợp lệ" để dự thi tốt nghiệp tại Trường TSQDT QK5 (kỳ thi năm 2003)!

Ông Huỳnh Thế Mạnh cho biết thêm: Có dấu hiệu nhiều thí sinh làm học bạ giả để dự thi tốt nghiệp bổ túc THPT ở Trường TSQDT QK5. Tuy nhiên, vì thời gian thanh tra quá ngắn (15 ngày) nên đoàn thanh tra chưa kịp kiểm tra học bạ của những học viên là dân sự dự thi tốt nghiệp bổ túc THPT tại trường TSQDT QK5. Đoàn đang kiến nghị lên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai gia hạn thêm thời gian thanh tra để làm sáng tỏ vụ việc. Song điều chưa ai nhắc đến trong vụ thanh tra này là vì sao nhiều người lại phải mượn danh quân nhân để đi thi bổ túc tại đây? Thi dễ đậu - tại vì sao?

T.Tr

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.