Trường bán trú tại TP.HCM: Nhu cầu cao nhưng khó đáp ứng

28/09/2006 22:56 GMT+7

Trường học thực hiện theo mô hình bán trú thực sự khá lý tưởng đối với cuộc sống hiện nay ở các thành phố lớn, khi mà nhiều gia đình cả bố lẫn mẹ đều phải đi làm cả ngày.

Theo thống kê tại TP.HCM, hệ thống trường công lập chỉ có bậc mầm non thực hiện bán trú được trên 90%, bậc tiểu học, THCS xấp xỉ 63% nhưng đối với bậc THPT thì mô hình này mới chỉ được thực hiện tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.

Nhu cầu nhiều...

Thạc sĩ Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học của Sở thì lý giải: "Đa số các trường tiểu học đều xây dựng theo mô hình dạy một buổi. Do vậy mà khi chuyển sang dạy 2 buổi và bán trú tất nhiên sẽ dẫn đến việc thiếu phòng học". Còn đối với bậc THPT thì một vị lãnh đạo Sở cho biết: "Đến phòng học còn chưa đủ chứ tính gì đến bán trú".

Từ những tỷ lệ phần trăm trên dĩ nhiên kéo theo hệ quả tất yếu là nhu cầu của phụ huynh học sinh là rất lớn nhưng có trường không đáp ứng được hoặc chỉ đáp ứng được một phần. Dạo quanh một số trường đang thực hiện mô hình bán trú trên địa bàn TP.HCM thì có thể thấy hầu hết bán trú có nghĩa là thực hiện 3 trong 1: phòng học - phòng ăn - phòng ngủ đều là một phòng. Để có đủ diện tích sử dụng nhiều trường đã tận dụng tối đa từ sân trường cho đến hành lang, lối đi... Do vậy mà vào giờ ăn trưa, chúng tôi bắt gặp không ít gương mặt học trò nhễ nhại mồ hôi trong khu vực ăn uống nóng nực và chật chội. Ăn là vậy, còn ngủ thì nếu như ở bậc mầm non trẻ được nằm nệm thì đa số các trường tiểu học, học sinh đều ngủ trưa bằng chiếu, còn ở THCS thì học sinh lại nằm trên bàn học...

Trường THCS An Phú (P.An Phú, Q.2) cũng trong tình trạng tương tự. Bình quân mỗi lớp chỉ 44 HS, tuy nhiên ở những lớp có HS bán trú, sĩ số "nhảy vọt" lên tới 57-58 HS. Thầy Nguyễn Phú Phi, hiệu trưởng cho biết: "Nói thực, chúng tôi cũng không muốn ở trong tình trạng bất đắc dĩ này, và việc phải quản lý những lớp học đông như hiện nay là đang đặt lên vai các thầy cô trách nhiệm nặng nề hơn nhiều. Nhưng nếu như chúng tôi không tiếp nhận thì số lượng học sinh bán trú ấy sẽ đi về đâu bởi cả quận mới chỉ có một trường THCS này có lớp bán trú"!

... nhưng không có tiền để đầu tư

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT cho biết: "Những khó khăn này các trường đều biết nhưng lực bất tòng tâm. Muốn thay đổi cũng không có điều kiện". Để lý giải, chúng tôi đã đi tìm văn bản số 1457 (năm 2000) của UBND TP.HCM về việc cho phép thực hiện các khoản thu trong ngành giáo dục thì được biết những khung giá này không khác khung giá trong hướng dẫn số 1299 ban hành năm 1998. Tức là tính cho đến thời điểm này đã gần 10 năm, trên thị trường trải qua biết bao biến động về giá thì mức thu vẫn không hề được thay đổi. Theo tính toán của các hiệu trưởng thì với số tiền này trường phải sử dụng hết sức tiết kiệm đối với mỗi khoản chi. Điều đó đồng nghĩa với việc các em cứ phải nằm chiếu, nằm bàn và ăn ở hành lang. Một phụ huynh là bác sĩ lo lắng: việc nằm đất lâu ngày ảnh hưởng rất lớn đến phổi và đường hô hấp của trẻ.

Cũng theo thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh thì: "Nhiều năm gần đây, dịch bệnh xảy ra liên tục, ảnh hưởng lớn đến vấn đề sức khỏe của trẻ, do vậy vệ sinh môi trường cần được tăng cường. Thế nhưng trong năm học trước, bậc mầm non có đưa vào hướng dẫn năm học là các trường nên thỏa thuận với phụ huynh để tăng tiền vệ sinh bán trú lên 10.000đ/tháng. Cho đến khi có văn bản quy định mức thu như cũ thì các trường đã không thực hiện được việc này".

Hiện tại, tùy vào địa bàn ngoại thành hay nội thành và từng bậc học mà mức thu được quy định như sau: tổ chức phục vụ và quản lý bán trú là 20.000 - 30.000đ/tháng, tiền vệ sinh bán trú: 3.000 - 5.000đ/tháng, cơ sở vật chất phục vụ bán trú là 50.000 - 150.000đ/năm...

Thế nhưng trong thực tế có một số trường tiểu học và THCS đã thỏa thuận để tăng mức thu phục vụ và quản lý bán trú lên gấp 2 lần mà vẫn được sự đồng thuận vì đa số phụ huynh đều nhận thấy sự cần thiết phải thay đổi trong chất lượng. Còn về phía các trường, hiệu trưởng cho biết dù không có phản ứng của phụ huynh nhưng họ vẫn muốn khi tăng khoản thu này được "quang minh chính đại" tức là có quy định rõ ràng của thành phố. Bên cạnh đó, hệ thống dân lập, tư thục không bị ràng buộc ở khung giá do UBND thành phố quy định, đa số các trường này đều gộp chung vào tiền ăn và mức thu thì dao động từ 300.000 - 800.000đ/tháng. Từ mức thu có phần đảm bảo này nên vấn đề lớp bán trú được đầu tư tương đối chất lượng. Chẳng hạn như Trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký để phục vụ nghỉ trưa cho học sinh, mỗi tầng lầu nhà trường đều bố trí và sử dụng khu vực riêng, khu vực nhà ăn được bố trí ở khu vực cao nhất, không khí thoáng đảm bảo vệ sinh môi trường... Hay như Trường DL Ngô Thời Nhiệm hoạt động trên diện tích lớn trên địa bàn Q.9 chú trọng đầu tư chất lượng cho bán trú và nội trú. Trường có nhiều loại phòng với đầy đủ trang thiết bị hiện đại để đáp ứng tốt các nhu cầu của học sinh.

Mới đây, Sở GD-ĐT đã đưa về các ngành học phiếu điền đề xuất của mình để chuẩn bị cho hội thảo bàn về kiến nghị tăng học phí. Quả thật, việc tăng học phí sẽ ảnh hưởng đến kinh tế không ít gia đình nhưng nếu như điều đó ảnh hưởng đến sự phát triển trí lực thì nên có sự thay đổi. Vì vậy để đảm bảo cho học sinh có được môi trường học tập chất lượng, đến lúc cần có sự đồng thuận từ 3 phía gia đình, nhà trường và tổ chức xã hội.

Bích Thanh - Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.