Nghĩ trong ngày khai trường

05/09/2006 00:10 GMT+7

Hôm nay, học sinh trong toàn quốc chính thức bước vào năm học mới. Khai giảng là quy trình lặp lại từng năm, nhưng không phải "đến hẹn lại lên" mà có thể, và phải, mỗi năm có những nét mới mẻ khác. Năm học này, Bộ Giáo dục với tân Bộ trưởng của mình đã chính thức phát động phong trào "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục". Nói tắt, đó là quyết tâm "chống tiêu cực trong giáo dục".

Đã có những ý kiến cho rằng với giáo dục VN bây giờ, "chống tiêu cực" chỉ là một khía cạnh cần, nhưng chưa đủ. Muốn thay đổi tận căn cốt một nền giáo dục có những dấu hiệu xơ cứng, bảo thủ và từ nhiều năm nay đã "tự mình trói mình" trước những phát triển vũ bão của giáo dục toàn thế giới, thì quan trọng nhất là phải "xây" - xây một tư duy mới, một triết lý mới tương thích với phát triển về giáo dục của thế giới. Bắt đầu là xây một mẫu hình mới về người thầy - từ người truyền thụ kiến thức một cách thụ động - thành người "nhóm lửa, thắp lửa", ngọn lửa của niềm say mê tri thức, ngọn lửa của trí tuệ và khát khao sáng tạo. Xây một mẫu hình mới về người học trò: người biết mình đi học để được gì, và để làm gì. "Ở Ấn Độ, giới trẻ dành toàn bộ độ tuổi 20 cho việc học tập, ai cũng muốn tự vươn lên trong học tập và điều này được cha mẹ và các công ty tích cực khuyến khích". (Trích Thế giới phẳng của Thomas Friedman - trang 47 - NXB Trẻ). Công cuộc xây dựng lớn lao ấy lại bắt đầu từ một việc cụ thể: làm sao để học sinh thích học cả trong lớp và ngoài lớp, và làm sao để thầy thích dạy, không chỉ trên bục giảng. Đã qua rồi thời người thầy có thể chịu muôn vàn khổ cực trong đời sống để nhiệt tình và hết mình dạy học trò: sự cố gắng quá sức ấy chỉ trong những hoàn cảnh đặc biệt, khi đất nước có chiến tranh. Bây giờ, một người thầy lương thiện có tâm và có trí với học trò phải nhận được mức thù lao xứng đáng của xã hội để sống và nuôi gia đình. Nhưng "thù lao" ấy chỉ đến khi người thầy lao động hết mình vì sự nghiệp vun trồng kiến thức cho học trò, chứ không đến từ những "đường ngang lối tắt" nào khác. Quan hệ thầy-trò trong giáo dục là một quan hệ đặc biệt, nó không phải là "quan hệ bán-mua" lạnh lùng của kinh tế thị trường, dù bây giờ ở ta thầy vẫn phải dạy thêm và trò vẫn phải học thêm. Nhưng sẽ tới lúc chuyện "dạy thêm học thêm" này tự nguyện chấm dứt, không phải bằng những chỉ thị cấm đoán, bằng thanh tra kiểm tra, mà bằng mức sống của người thầy được nâng lên một cách xứng đáng, bằng cách dạy và học trên lớp thực sự có chất lượng tri thức, bằng cách học không phải vì những áp lực thi cử, bằng niềm say mê với kiến thức và quyết tâm chuẩn bị hành trang tri thức cho mình để vào đời. Nhưng muốn xây mẫu hình người thầy và người học trò mới thì không thể quên việc xây lại cái cầu nối giữa họå - đó là sách giáo khoa. Lâu nay, với tất cả những nặng nề, quá tải, vừa thiếu vừa thừa của nội dung, với những bất cập của hình thức diễn đạt, sách-giáo-khoa-pháp-lệnh của ta đã xiển dương một lối học còn "trên tài" cả lối học tầm chương trích cú ngày xưa mà chúng ta đã cực lực bác bỏ. Học phổ thông không phải nhằm mục đích thu thập, cập nhật kiến thức toàn thế giới - điều không bao giờ làm được - mà là cho học trò hình dung những đường nét đầu tiên, những đường nét cơ sở của "túi khôn nhân loại", trong đó có "túi khôn" của đất nước mình, dân tộc mình. Và trao cho học trò những chiếc chìa khóa đầu tiên để "mở" dần những cánh cửa khác nhau của "túi khôn" vĩ đại ấy. Học trò sẽ tự quyết định cho mình sẽ mở "cánh cửa" nào, sẽ đi vào đâu trên con đường vô tận của việc thu nhận kiến thức. Họ sẽ tự tay "câu" những "con cá tri thức" khi được trao "chiếc cần câu". Dù chỉ là một "con cá nhỏ", nhưng khi học trò tự "câu" được, nó sẽ còn lại với họ. Còn những "khúc cá bự" mà học trò được "đưa tận miệng" trong khi họ không có "khả năng... ăn", không thể tiếp nhận, thì cũng vô ích. Chúng ta đã và đang có không ít những học trò "sáng lớp 8 chiều lớp 1" chính vì các em đã không được "học câu" để tự tay mình câu dù một con "cá lòng tong kiến thức" trong khi không thể nào "nuốt" nổi những "khúc cá bự kiến thức" mà thầy cô và... sách giáo khoa ép mình phải "ăn". Đó chẳng phải là sự lãng phí lớn nhất, là tiêu cực lớn nhất trong ngành giáo dục của ta sao ? Hãy "nói không với tiêu cực" bắt đầu từ đó, bằng sự thay đổi rốt ráo cách dạy và cách học để nền giáo dục của chúng ta không "khác thường" so với thế giới.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.