Soi vào quá khứ để nhận ra mình

30/08/2006 00:04 GMT+7

Hôm nay, 300 thanh niên đại diện cho thanh niên 12 tỉnh thành thuộc các tỉnh nam miền Trung và Tây Nguyên cùng thanh niên quân khu 5, được tổ chức bởi Hội LHTN VN, sẽ có cuộc hành hương về Đức Phổ (Quảng Ngãi), lên tới "ngọn núi Đặng Thùy Trâm" để thắp những nén hương tưởng niệm người nữ bác sĩ - anh hùng nay đã trở thành biểu tượng của tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

4 ngôi nhà tình nghĩa cho cái xóm nhỏ đồng bào dân tộc dưới chân núi giáp giới Ba Tơ và Đức Phổ cũng sẽ được dựng lên bằng tiền đóng góp của thanh niên miền Trung và Tây Nguyên. Tổ chức cho thanh niên cuộc hành hương này là một việc làm có ích nếu nó đi vào thực chất, chứ không phải chỉ là cuộc "diễu hành theo phong trào". Có nhiều cách để thanh niên hôm nay nhìn nhận về quá khứ oanh liệt nhưng đầy gian lao, thậm chí cay đắng của những thế hệ đi trước.

Đọc Nhật ký Đặng Thùy Trâm là một trong những cách rất tốt để thanh niên bây giờ "cộng thông" với thanh niên 40 năm trước: "Ngồi lại nghe chị nói gì trong đất/Cùng cây giang cây dẻ của ngày xưa/Chiếc hầm cũ đau như tròng mắt/Nhìn vào ta thăm thẳm, bơ vơ/" (Thơ Nguyễn Khoa Điềm). Đó là tâm trạng của một nhà thơ chống Mỹ cùng thế hệ với chị Thùy Trâm khi lên tới đỉnh dốc nơi quân thù sát hại chị. Có thể tâm trạng của những thanh niên hôm nay sẽ khác, bởi họ chưa sinh ra thời thế hệ chị Trâm hay anh Điềm vào chiến trường. Nhưng "rừng dù khác những giấc mơ không khác", có bao điều người thanh niên hôm nay sẽ xúc động và suy nghĩ khi thành tâm đến với những hy sinh của thế hệ trước. Và quan trọng hơn, khi soi mình vào những hy sinh vô tư, những tâm hồn trong sáng, những cuộc đời hiến dâng không tính toán cho đất nước như thế, thanh niên hôm nay sẽ tự rút ra cho mình những gì cần cho mình, cho thế hệ mình. Để không hề hổ thẹn với những thế hệ cha anh mình.

Mỗi thời đại cần những "mẫu người thanh niên lý tưởng" khác nhau, dù cái gốc cái lõi là giống nhau. Bây giờ không còn chiến tranh, thì những phấn đấu, những vượt khó vươn lên của thanh niên cũng khác. Tôi đã gặp rất nhiều thanh niên tự chọn cho mình một cách đóng góp thầm lặng cho đất nước: đó là làm tốt công việc bình thường của mình, không làm điều gì đáng xấu hổ cho gia đình mình, biết đâu là cái xấu đâu là cái tốt để từ chối cái xấu dù nó khoác những bộ "trang phục" mỹ miều tới đâu, và vươn tới cái tốt dù trong nhất thời hành động ấy có mang lại bất lợi cho mình.

Khi thầy Đỗ Việt Khoa dám một mình đứng lên tố cáo những tiêu cực trong thi cử, hay nữ sinh viên Vân Anh dám đơn thương độc mã đưa hành động bất chính của thầy dạy mình ra ánh sáng công luận, giúp Bộ giáo dục - Đào tạo nhanh chóng loại bỏ những "con sâu" trong ngành mình, thì đó có thể là những việc tốt "phải trả giá". Nhưng thà phải trả giá mà làm việc tốt, mà sống trung thực với mình, với bạn bè mình, với xã hội, còn hơn là "mackeno" để ấm thân mình, thu lợi về mình trong khi cái xấu, cái ác mặc sức hoành hành.

Sinh thời, chị Thùy Trâm đã không ít lần, qua "nhật ký" của mình, bày tỏ một thái độ sống trung thực, thẳng thắn, hết mình vì đồng đội vì nhân dân, nhưng không hề "xí xóa" bỏ qua cho những hành động hay suy nghĩ của chính những đồng đội của mình mà chị biết là thiếu trung thực, ngại hy sinh gian khổ và thường "lên gân" trong những trường hợp không cần thiết để chứng tỏ cá nhân mình. Những kẻ như thế, dù có sống qua cuộc chiến tranh, thì cũng khó thành người tốt, thành những công dân gương mẫu. Thực tế đã chứng minh những suy nghĩ từ ngày ấy của chị Trâm là đúng. Yêu đất nước yêu nhân dân một cách thật thà, sống trung thực ngay thẳng đúng với lương tâm mình và làm tốt nhất công việc của mình không so đo, có lẽ chị Thùy Trâm cũng chỉ dám tâm sự và kỳ vọng ở thế hệ thanh niên bây giờ từng ấy điều chị từng đau đáu lúc sống trong những cánh rừng, ngọn núi mà các bạn thanh niên hôm nay sẽ đến viếng thăm.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.