Phù thủy xứ Lang Biang tái xuất

29/08/2006 21:57 GMT+7

Viết chuyện phù thủy có dễ không? Có người nói là dễ, bởi vì nó hoang đường. Viết về sinh hoạt thường ngày của trẻ thơ, nếu anh không phản ánh một cách chân thực, anh sẽ bị bạn đọc "tẩy chay". Sở dĩ Kính vạn hoa của Nguyễn Nhật Ánh hấp dẫn bạn đọc bởi vì anh đã nói "trúng phóc" tâm lý của các em: từ chuyện học, chuyện chơi, đến chuyện ăn, chuyện ngủ, cả chuyện nghịch ngợm, chuyện phá phách...

Còn chuyện phù thủy là chuyện tưởng tượng. Vậy thì có thể "bịa" bao nhiêu tập chả được. Cũng như người làm phim Bao Thanh Thiên xử án. Có bao nhiêu vụ án thì sẽ có bấy nhiêu tập phim. Mà "án" thì Bao Thanh Thiên xử cả đời cũng không thể nào hết được (!). Nói như vậy có nghĩa là Chuyện xứ Lang Biang sẽ không có hồi kết thúc sao? Không hẳn thế! Theo tôi, kể chuyện phù thủy thật khó. Phù thủy có phép tàng hình, biến hóa khôn lường, anh phải thật tỉnh táo mới có thể theo kịp được "nó". Hơn nữa, dẫu là phù thủy thì công năng cũng không phải là vô biên. Thần thông đến như Tôn Ngộ Không cũng chỉ có tới 72 phép biến hóa. Vậy thì phải viết làm sao cho khỏi nhàm chán,


Một cảnh trong phim Kính vạn hoa - chuyển thể từ tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh - ảnh: T.F.S

để bạn đọc không phải thắc mắc và ngán ngẩm là phép tàng hình này đã xem ngày hôm qua rồi. Hơn nữa, cái đích cuối cùng của chuyện phù thủy, là đằng sau những thứ hoang đường ấy, anh phải đem đến cho bạn đọc được cái gì.

Truyện cổ tích cũng hoang đường, nhưng luôn luôn hấp dẫn người đọc, bởi cổ tích đã "chiếu rọi ánh sáng vào một thế giới khác", đó là thế giới của ước mơ để con người ta hoàn toàn có thể tin vào một xã hội công bằng, một cuộc sống tràn đầy tình thương yêu và lòng nhân ái. Vậy thì sự hoang đường của chuyện phù thủy cũng phải xuất phát từ cơ sở hiện thực, và đích cuối cùng của nó, cũng như bất cứ một tác phẩm nghệ thuật chân chính nào, cũng phải đem đến cho người đọc một giá trị nhân văn.

Sự tưởng tượng của Nguyễn Nhật Ánh được dựa trên nền tảng vững chắc - đó là tâm lý trẻ thơ. Với Chuyện xứ Lang Biang, anh đã chạm đúng vào một trong những đặc điểm nổi bật

Ngày 4/9 tới đây, tập truyện Báu vật ở lâu đài K'Rahlan (Chuyện xứ Lang Biang 4) của  nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sẽ được NXB Kim Đồng phát hành trước sự nôn nóng chờ đợi của trẻ em suốt mùa hè. Cùng với Harry Potter của J.Rowling, Chuyện xứ Lang Biang là một trong hai tác phẩm về đề tài phù thủy được các bạn đọc nhỏ tuổi Việt Nam yêu thích và chờ đợi nhất trong thời gian qua. Báu vật ở lâu đài K'Rahlan là tập cuối của bộ truyện dày hơn 3.000 trang này, ở lần xuất bản đầu tiên sẽ in thành 8 tập mỏng (tập 21 - tập 28) trước khi phát hành tập dày, khổ lớn.
nhất của trẻ thơ, đó là tính tò mò, thích phiêu lưu mạo hiểm, thích khám phá. Có lẽ trẻ thơ ở Mỹ, ở Anh, ở Nhật Bản, ở đâu cũng thế. Sự phiêu lưu mạo hiểm của chúng bất chấp mọi rào cản. Chẳng thế mà Tom Sawyer (Mark Twain) đã có những cuộc phiêu lưu thật liều lĩnh để săn tìm kho báu; Dim (Stevenson) cũng có chuyến đi nguy hiểm nhưng thật tuyệt vời ra Đảo giấu vàng; Oliver Twist (Charles Dickens) đã bỏ cửa hàng đóng áo quan để chạy trốn đến Luân Đôn...

Vậy thì ở Việt Nam, Nguyễn Nhật Ánh để cho hai chú bé Kăply và Nguyên dám bí mật lên đồi phù thủy - nơi mà bất cứ ai dám "liều lĩnh mò lên ngọn đồi đều rớt hết ráo xuống vực", mà đó lại là cái vực "sâu không đáy" để khám phá sự bí ẩn bao trùm hàng ngàn năm nay đối với người làng Ke thì cũng không có gì là lạ. Chẳng phải là người lớn chúng ta, những nhà khoa học hẳn hoi cũng đang trên hành trình khám phá những bí ẩn của cuộc sống đó sao? Văn học cho trẻ em, bên cạnh những tác phẩm phản ánh cuộc sống sinh hoạt thường ngày của các em, cũng rất cần có thêm những tác phẩm kiểu này.

Với 20 tập Chuyện xứ Lang Biang đã ra mắt bạn đọc, trong đó có ba sự kiện lớn mà Nguyễn Nhật Ánh đã kể: Pho tượng của Baltalon, Biến cố ở trường Đămri và Chủ nhân núi Lưng Chừng, ít nhất anh cũng đã làm được một điều kỳ diệu, đó là đem đến cho các bạn đọc trẻ thơ sự thú vị và niềm vui háo hức mong chờ những tập tiếp theo của bộ sách.

TS Lã Thị Bắc Lý (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.