Đời sống văn hóa, giải trí của lao động nhập cư Đà Nẵng chưa được quan tâm

26/08/2006 17:41 GMT+7

Chỉ với thu nhập tròm trèm 900 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/tháng lại phải tự lo cái ăn, cái ở trong điều kiện 60% là lao động nhập cư, quả là khó khăn rất lớn. Chưa kể đến một số công nhân còn phải gói ghém để có tiền gửi về cho gia đình ở quê. Việc mưu sinh hằng ngày vốn đã khó khăn nên nhu cầu về văn hóa-giải trí của các công nhân như là một thứ rất xa xỉ.

Trời đã nhá nhem tối nhưng Thu và Hiệp (làm ở trong KCN, KCX Đà Nẵng) không hề sốt ruột khi hai cô bạn cùng phòng Hoa và Mỹ Dinh vẫn chưa về, mặc dù đã 18h50. Hai cô công nhân chỉ vừa qua tuổi đôi mươi này cũng chỉ mới trở về căn phòng trọ trước đó chừng 15 phút.

Vào lúc cơn mưa nặng hạt nhất, người sũng nước, Hoa và Mỹ Dinh lê những bước chân nặng nhọc vào căn phòng chừng 12m2 mà cả 4 cùng thuê trọ tại Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu). Ngoài Thu, cả 3 cô gái còn lại dường như đã để lại cái sức sống tuổi mười tám đôi mươi của mình trong các nhà máy, xí nghiệp mà họ đã và sẽ tiếp tục bị vắt những giọt mồ hôi để đổi lấy khoản lương còm cõi chưa đến 1 triệu đồng mỗi tháng.

Tiền, đã là trở lực “đầu tiên” nhưng giờ giấc làm việc cũng hạn chế tối đa điều kiện giải trí, vui chơi của các lao động nhập cư. Đặng Thị Xuân Thu, 24 tuổi, công nhân Công ty TNHH Keyhinge Toys cười buồn khi được hỏi về những buổi tối rảnh rỗi của mình: ”Cả bốn đứa chỉ có mỗi chiếc xe đạp cà tàng, đi làm đến 18h mới tan ca nên khi đi bộ về đến phòng trọ cũng đã mất 30 phút. Đó là chưa kể đến thời gian để đi chợ, nấu nướng, ăn tối. Loay hoay thì cũng đến 20h30. Vậy là cứ nằm nhà…cho chắc”.

Ở phòng bên cạnh của Thu, hôm tôi đến mặc dù đã 19h30 mà cô bạn cùng phòng chưa về nên Nguyễn Thị Hoa (đến từ Tuyên Hóa, Quảng Bình) vẫn phải chờ cơm tối. Nói như tự an ủi, Hoa cho biết: ”Con gái cũng chẳng nên ra đường nhiều. Nhưng thật ra, bọn em cũng chỉ biết đi lòng vòng rồi về lại phòng trọ…”.

Thật tình cờ khi Huỳnh Thị Bích Danh (nhà ở Bình Lãnh, Thăng Bình, Quảng Nam) và Lê Thị Truyền (quê Quế Minh, Quế Sơn, Quảng Nam) sau khi tốt nghiệp lớp Dược sĩ Trung cấp ở trường Cao đẳng Trung học Kỹ thuật Y tế TW2 đều xin vào làm công nhân Công ty Liên doanh Điện tử Việt Hoa. Mặc dù được ăn một buổi tại công ty, không phải đóng góp kinh tế cho gia đình mà còn được gia đình hỗ trợ… gạo ăn hằng tháng nhưng với cả Danh và Truyền, mức thu nhập 850 nghìn đồng/người/tháng cũng chẳng là bao, so với nhu cầu.

Những tưởng các cô công nhân nhập cư đang ở trọ tại Hòa Khánh Bắc vất vả nhất, thế nhưng, những cô bạn đồng lứa của họ đang làm việc tại các doanh nghiệp thuộc KCN An Đồn hay các doanh nghiệp khác trên địa bàn quận Sơn Trà còn khó khăn bội phần. M.P -công nhân của Công ty TNHH Quốc Bảo - bộc bạch: ”Ngoài một buổi ăn tại công ty, bọn em phải tự lo hai bữa còn lại của mỗi ngày. Thời gian làm việc căng thẳng nên việc không nấu nướng là thường xuyên. Vậy là, cứ cơm bụi mà ăn. Rồi còn tiền nhà và các chi phí khác nên muốn đi chơi, cũng đành chịu!”.

Thậm chí, các căn phòng trọ của công nhân lao động đang làm việc tại KCN An Đồn và các doanh nghiệp ở Sơn Trà cũng tồi tàn hơn hẳn những căn phòng trọ mà chúng tôi từng đến tại Liên Chiểu. Cũng với diện tích chừng hơn 10m2 nhưng hầu hết các phòng trọ, đa phần ở các phường Thọ Quang, Phước Mỹ, đều thấp lè tè nên ẩm thấp vào mùa mưa nhưng mùa nắng thì ngột ngạt không tưởng. Cho nên, các công nhân trọ tại đây đều xanh xao, gầy guộc đến nao lòng!

Không giấu được những e ngại khi nhìn về tương lai của các công nhân lao động nhập cư, bà Đàm Thị Thanh Xuân - Chủ tịch công đoàn (CĐ) các KCN và CX cho biết: "Trong số gần 200 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trong các KCN với 40 nghìn công nhân lao động (CNLĐ), chỉ có 38 DN với 17 nghìn LĐ là có tổ chức CĐ. Tuy các tổ chức CĐ cơ sở vẫn tổ chức các hoạt động VH-TT nhưng tất cả chỉ diễn ra vào các dịp lễ và cũng không thể thu hút được 100% CNLĐ tham gia! Cho nên, CNLĐ ở các DN chưa thành lập tổ chức CĐ càng hiếm hoi có được cơ hội cải thiện đời sống tinh thần. Đồng thời, hầu hết các địa phương mà CN nhập cư đang trọ cũng không có các điểm sinh hoạt văn hóa để giúp cuộc sống của người LĐ nhập cư bớt đi sự tẻ nhạt…".

Không có điều kiện giao tiếp cùng xã hội, những CNLĐ nhập cư này sẽ khó có thể có được những kiến thức, hiểu biết về những thay đổi trong đời sống xã hội. Thậm chí, không ít nữ CN trong số đó đang đứng trước nguy cơ trở thành “các cô gái ở nông trường” khi cơ hội để họ tìm được một tình yêu gần như bằng không!

Những cô CN đang cư ngụ tại phường Hòa Khánh Bắc, đang có những may mắn hơn khi Đoàn phường đã tổ chức được hai đợt sinh hoạt giao lưu chủ đề: ”Giao lưu Thanh niên nhà trọ”. Chủ tịch UBND phường Nguyễn Hữu Tịnh phân tích: ”Cho đến năm 2005, phường Hòa Khánh Bắc có gần 10 nghìn CNLĐ và 5 nghìn HS-SV đến tạm trú tại khoảng 1 nghìn nhà trọ. Xuất phát từ thực tế, lãnh đạo phường đã giao nhiệm vụ và được Đoàn Thanh niên tham mưu tổ chức giao lưu, sinh hoạt giữa địa phương và số thanh niên đang thuê nhà trọ. Do những khó khăn khách quan nên chúng tôi chỉ mới tổ chức được 2 buổi giao lưu tại Đa Phước 1 và Đa Phước 2 trong khi toàn phường có đến 61 tổ dân phố và 14 khu dân cư. Trong đó, khó khăn lớn nhất là kinh phí tổ chức với chừng trên dưới 1,5 triệu đồng cho mỗi buổi giao lưu…”.

Anh Phan Văn Đại - Bí thư Đoàn phường - cũng không giấu những băn khoăn: ”Ngoài sinh hoạt văn nghệ, giao lưu tặng quà, các bạn thanh niên nhà trọ còn được thông báo về tình hình địa phương, được cung cấp những thông tin liên quan đến sức khỏe sinh sản, HIV/AIDS. Cái khó của phường nói chung vẫn là kinh phí cũng như chúng tôi chưa nhận được sự hỗ trợ, chỉ đạo của các cấp, các ngành… để có thể đổi mới các buổi giao lưu. Hơn thế nữa, để giúp các bạn thanh niên nhà trọ có được một cuộc sống tinh thần phong phú hơn…”.

Dường như, đó là một tín hiệu đáng mừng khi “hướng mở” để cuộc sống tinh thần của lao động nhập cư không còn nghèo nàn, đơn điệu. Thậm chí, anh Đại còn đang ao ước thành lập các Chi hội LHTN với hội viên là những CNLĐ nhập cư còn khá trẻ trên địa bàn. Dĩ nhiên, vẫn rất cần sự đóng góp của tổ chức CĐ các cấp, của Thành Đoàn khi mô hình ấy hoàn toàn có thể phát triển đều khắp…

Bảo An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.