Thời trang VN: Bao giờ tiếp cận thị trường thế giới?

02/08/2006 22:06 GMT+7

VN không chỉ có áo dài mà còn rất nhiều mặt hàng liên quan đến thời trang, nhưng tại sao chúng ta chỉ được bạn bè quốc tế nhắc đến với hai chữ áo dài?", đó là một trong những ý kiến thắc mắc của nhiều người khi đề cập đến vấn đề thời trang trong nước tiếp cận thị trường thế giới...

Tại sao chỉ có áo dài đi... Tây?

Có thể nói, sở dĩ áo dài được bạn bè thế giới và người Việt sinh sống tại hải ngoại quan tâm là nhờ vào những chuyến "xuất ngoại" mang tính giao lưu văn hóa. Nhiều ánh mắt ngưỡng mộ của người xem ở khắp các khu vực thuộc châu u, châu Mỹ, Úc... đã dành cho tà áo dài. Nhưng có một điều đáng tiếc là những cuộc trình diễn mang tính giao lưu văn hóa ấy cũng chỉ diễn ra trong phạm vi nhỏ và không được nhiều khán giả là dân thường thưởng thức. Có lẽ cũng vì mang tính giao lưu văn hóa nên mục đích chỉ để phục vụ cộng đồng hoặc khách mời là quan chức các nước chứ không phải để quảng bá thương hiệu.

Bên cạnh đó, áo dài VN gần đây còn được biết đến nhờ vào một số người đẹp trong nước tham gia thi sắc đẹp thế giới. Tuy nhiên, thành tích mà người đẹp VN mang về cũng còn quá khiêm tốn nên chiếc áo dài vẫn chưa tạo nên nhiều điểm nhấn. Nói như vậy song ở thị trường châu Á, còn nhớ 2 năm trước đây, áo dài VN từng làm mưa làm gió trên thị trường Nhật Bản và gần như trở thành "mốt" của người Nhật trong suốt một thời gian dài. Đây là điều thật ngạc nhiên và thú vị cho nền thời trang nước nhà. Nhiều nhà thiết kế áo dài như Sỹ Hoàng, Liên Hương, Võ Việt Chung, Việt Hùng, Thuận Việt... trở nên "đắt show" nhờ vào "mối" đặt hàng liên tục từ phía đối tác Nhật. Nhà thiết kế Thuận Việt, dù còn rất trẻ vào thời điểm ấy cũng nhận được mỗi hợp đồng đặt hàng hằng tháng lên đến 200 bộ (giá gần 1 triệu đồng/bộ)å. Nguyên nhân áo dài "đổ bộ" đến Nhật là do một số đài truyền hình Nhật Bản sang nước ta làm phim phóng sự về tà áo dài rồi phát sóng liên tục trên các kênh truyền hình của họ. Nhưng áo dài cũng chỉ mang tính thời trang vào một thời điểm nào đó.


Phụ nữ Nhật Bản trong trang phục áo dài Thuận Việt (Ảnh: C.T.V)

Ngoài áo dài, một số mẫu thiết kế về thời trang các dân tộc từng được mang đến xứ người biểu diễn. Song với khán giả nước ngoài thì trang phục dân tộc chỉ dừng lại để thưởng thức và ngắm nhìn chứ không thể gọi là thời trang áp dụng vào đời thường. Tại sao thời trang trong nước lâu nay chỉ được biết đến với tà áo dài là câu hỏi khiến nhiều người trăn trở. Bởi có một thực tế là không ít nhà thiết kế trẻ bây giờ đã làm nên nhiều bộ sưu tập, nhiều mẫu thiết kế mà nếu làm một cuộc so sánh thì cũng không thua kém các mẫu thời trang thế giới. Tony Quang - một Việt kiều Mỹ khi chứng kiến 30 mẫu thiết kế của Nguyễn Công Trí biểu diễn trong Duyên dáng Việt Nam 15 đã thốt lên: "Đẹp quá, lạ quá và sang trọng nữa. Tại sao các bạn không thử quảng bá thương hiệu thời trang của mình ra nước ngoài qua những mẫu thiết kế như thế này! Tôi còn biết nhiều mẫu thiết kế của Lê Minh Khoa, Kiều Việt Liên, Ngô Thái Uyên cũng rất đẹp và lạ". Vậy mà, nhắc đến thời trang VN thì trong trí nhớ bạn bè quốc tế dường như chỉ tồn tại mỗi áo dài!

Quá khó khăn trong khâu tiếp thị!

Nhà thiết kế Việt Hùng tỏ ra bức xúc khi nói về con đường đưa thời trang trong nước ra thế giới. Theo anh, chúng ta không chỉ có áo dài mà còn áo cưới, áo quần thời trang trẻ, đồ được làm thủ công... nhưng có một điều là chúng ra rất khó khăn trong việc đưa sản phẩm của mình ra nước ngoài. Việt Hùng nhấn mạnh, bản thân anh mỗi lần "xuất" hàng đi nước ngoài đều phải cậy nhờ một công ty khác chuyên lo việc này chứ bản thân không thể làm. Lý do là nếu nhúng vào khâu giấy tờ, một cá nhân như anh sẽ rất nhiêu khê để có thể hoàn thành.


Trang phục áo dài Việt Nam


Có thể thấy khó khăn về mặt pháp lý ít nhiều làm "chùn chân" nhà thiết kế khi họ muốn tung sản phẩm của mình đến một đất nước nào đó. Ngoài ra, có dịp tiếp xúc với các nhà thiết kế tên tuổi mới hiểu thêm họ có chung một bức xúc: "Sản phẩm của chúng tôi không được tạo cơ hội ra nước ngoài hay ít ra cũng được tham gia nhiều hội chợ thời trang mang tính quốc tế. Đây là một thiệt thòi rất lớn cho ngành thời trang nước nhà nói chung và nhà thiết kế nói riêng". Từ những bức xúc trên, thiết nghĩ việc tạo điều kiện cho các nhà thiết kế tiếp thị sản phẩm của mình đến thị trường thế giới cần được các cơ quan chức năng quan tâm nhiều hơn. Có như vậy thì thương hiệu "made in Vietnam" sẽ ngày càng lọt vào tầm ngắm của nhiều bạn bè trên thế giới.

D.L

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.