Ảo thuật gia Tony Quang: “Mong ảo thuật không bị coi là diễn... ké !”

20/07/2006 22:11 GMT+7

Tony Quang tên thật là Huỳnh Hữu Quang, sinh năm 1935 tại Tân An (Long An). 10 tuổi, Quang được một người anh đưa sang Pháp học nhưng học chữ thì ít mà mê Tony Jaccoulott biểu diễn ảo thuật thì nhiều nên bị ông anh "trục xuất" trả về quê nhà. Tuy thế, không có cách gì ngăn cản được niềm đam mê ảo thuật trong Quang, cậu mày mò thực hiện và sướng "tê người" mỗi khi thành công một tiết mục nhỏ. Hẳn nhiên, những cô cậu học trò cùng lớp đều "lác mắt" mỗi khi Quang cao hứng biểu diễn những "độc chiêu"... Và rồi ảo thuật như một mối lương duyên vận vào con người anh suốt mấy chục năm qua...

Năm 1954, lần đầu tiên Quang chính thức biểu diễn trên sân khấu với nghệ danh Tony Quang (gắn tên thần tượng Tony Jaccoulott trước tên mình) và ngày 26.4.1969 tại rạp Quốc Thanh - lần đầu tiên ở Việt Nam có một tiết mục ảo thuật lớn phân mình cô gái làm 3 khúc do Tony Quang thực hiện. Từ thành công này, Tony Quang đã chú tâm nghiên cứu các tiết mục lớn từ tài liệu nước ngoài (mỗi tháng anh đều nhận được tài liệu ảo thuật từ nước ngoài gửi về), cải biên lại cho phù hợp với môi trường, con người Việt Nam, tạo nên những tiết mục mới lạ như: Cô gái và quả tạ, Kiếm xuyên người, Người xuyên qua bụng, Lưỡi cưa máy cưa đôi cô gái, Người ngồi trên ghế bay, Thôi miên... Tháng 4.2000, Tony Quang được tổ chức IBM (International Brotherhood of Magicians) tại New York (Hoa Kỳ) kết nạp làm thành viên chính thức. Như vậy, anh là người Việt Nam đầu tiên là thành viên của IBM.

* Anh nghĩ sao về ảo thuật Việt Nam hiện nay ?


Tiết mục cưa người bằng cưa máy

- Từ ngày môn ảo thuật được Bộ Văn hóa - Thông tin mời dự Liên hoan Xiếc toàn quốc diễn ra ở Hà Nội năm 2002 (tiết mục của tôi đoạt được huy chương bạc, là huy chương cao nhất của môn ảo thuật) thì anh em trong giới mới hồ hởi hành nghề bởi thấy được sự quan tâm của Nhà nước. TP.HCM cũng được mệnh danh là cái nôi ảo thuật của cả nước, hiện đang có khá nhiều tài năng trẻ đang dần dần khẳng định mình. Tuy nhiên, so với các lĩnh vực nghệ thuật khác thì ảo thuật vẫn chưa có một vị trí tương xứng. Giới ảo thuật của chúng tôi rất mong có được một sân khấu riêng biệt để biểu diễn để không còn cảnh thường xuyên diễn... ké trong các chương trình ca nhạc tạp kỹ. Phải nói thật, nhiều khi rất đau lòng, chẳng hạn các đạo cụ đã sẵn sàng để ra sân khấu biểu diễn thì bị "ách" lại nhường chỗ cho các "ngôi sao" hát trước để họ kịp chạy sô. Ảo thuật bị coi là tiết mục đệm, lót đường... Một điều đáng nói nữa là cần phải tách bạch hẳn ra: xiếc là xiếc, ảo thuật là ảo thuật - không nên gộp chung bởi mỗi môn đều có những đặc thù riêng...

* Hơn nửa thế kỷ lăn lộn với nghề, tại sao anh chưa được nhận danh hiệu NSƯT?

- Nói không phải kể công, nhưng ngay từ ngày mới giải phóng chính tôi là người đi gặp gỡ từng anh em nghệ sĩ, vận động họ hoạt động nghệ thuật trở lại trong Đoàn nghệ thuật Hương Miền Nam mà tôi là một trong những người thành lập. Lúc đó tôi có tặng cho Ty Sân khấu (nay là Sở Văn hóa - Thông tin) một xe du lịch và luôn sử dụng 2 xe cam-nhông của mình để chuyên chở nghệ sĩ. Sau đó tôi lập Đoàn nghệ thuật tạp kỹ Bắc Nam, đi đầu trong phong trào lưu diễn phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, các khu kinh tế mới... vậy mà sau hơn 50 năm lao động nghệ thuật tôi vẫn chưa được xét tặng danh hiệu NSƯT, dù năm 2005 tôi có nộp hồ sơ tại Sở Văn hóa - Thông tin TP.HCM, nhưng sau đó được trả lời (từ anh Phó đoàn xiếc TP.HCM): "Hồ sơ của anh không được xét vì không có 2 HCV !". Tôi rất bức xúc vì từ trước đến nay ảo thuật chưa từng có mặt trong các cuộc thi, chỉ đến năm 2002 thì mới tổ chức "Liên hoan xiếc" - chúng tôi chỉ... thi ké, và tôi là người đầu tiên trong giới ảo thuật đạt được HCB là huy chương cao nhất mang tầm vóc quốc gia. Vậy thì lấy đâu ra 2 HCV? Ngoài ra, Giấy chứng nhận thành viên IBM mang tính quốc tế lại không được tính vào tiêu chuẩn.

* Anh có thu nhận đệ tử không?

- Nhiều lắm! Không nhớ hết nhưng gần như 70% số nghệ sĩ ảo thuật trẻ chuyên và không chuyên là học trò của tôi. Nhiều người chỉ học dăm ba món để biểu diễn chơi, trong đó có 3 ông là tổng giám đốc hoặc phó tổng giám đốc. Thậm chí có một vị linh mục.

*  Được biết chị Lan Đài là người bạn diễn và là bạn đời của anh. Anh có thể tiết lộ chút ít về "nhân vật đặc biệt" này ?

- Chỉ nói một chút thôi nhé. Tôi gặp Lan Đài năm cô ấy 16 tuổi (năm 1968), thấy "hạp nhãn" và hạp tính nên chúng tôi đến với nhau. Tôi huấn luyện cho cô ấy thành người trợ thủ đắc lực của mình. Tất cả những tiết mục của tôi sẽ không bao giờ thành công nếu không có cô ấy. Chúng tôi đã cùng đồng hành với nhau trong suốt ngần ấy thời gian và sẽ vẫn "kề vai, sát cánh" nếu không muốn bị... bỏ đói !

Hà Đình Nguyên (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.