Đà Nẵng: Đào tạo lái xe ô tô - cầu vượt quá cung

20/07/2006 17:26 GMT+7

Mua hồ sơ học lái xe ô tô như mua thực phẩm thời bao cấp! “Mua hồ sơ học lái xe ô tô mà chẳng khác đi mua thực phẩm thời bao cấp khi phải đi từ lúc 5 giờ sáng. Đến giờ phát hành hồ sơ, học viên (HV) phải chen lấn, xô đẩy, giành giật, thậm chí có HV trèo cả lên tường mới mua được bộ hồ sơ...

... Có Trung tâm chỉ cho số lượng người vào bên trong đúng với số lượng hồ sơ phát hành rồi đóng sập cửa lại. Những người ở ngoài tiu nghĩu ra về đợi khoá sau đến... chen lấn tiếp. Nếu không chịu khó đi sớm, chúng tôi phải mua lại của “cò” với giá gấp cả trăm lần giá gốc quy định, muốn có một cái nghề phải chịu khó thôi”. Anh Sơn - một HV - đã kể lại nỗi vất vả khi đi đăng ký học lái xe ô tô ở các trung tâm đào tạo lái xe tại Đà Nẵng. 

Ông Hồ Quang Mạnh - Trưởng phòng Quản lý Vận tải - Công nghiệp và Người lái, Sở Giao thông - Công Chính (GT- CC) - cũng khẳng định nhu cầu học lái xe ô tô của người dân đã vượt quá tổng lưu lượng đào tạo hiện nay của các cơ sở đào tạo. Xã hội phát triển, đời sống kinh tế của người dân ngày càng cao đã tác động dẫn đến nhu cầu học lái xe những năm gần đây tăng đột biến. Hiệu trưởng Trường dạy nghề số 5 (Bộ Quốc phòng) Nguyễn Anh Dũng cho biết, từ năm 1985-2000, số HV dân sự chỉ chiếm 20-30%, còn lại là của quân đội. Năm 2003, số người học bắt đầu tăng dần và đến năm 2005 – 2006, các cơ sở dạy lái xe đã không đáp ứng nhu cầu của người học.

Hiện nay, Công an thành phố Đà Nẵng đang quản lý gần 16,7 nghìn ô tô các loại; trong đó, xe của tư nhân và doanh nghiệp tư nhân đã chiếm đến hơn 10,5 nghìn chiếc. Đặc biệt, những năm gần đây, số lượng xe ô tô đăng ký mới tăng rất nhanh, bình quân trên 100 chiếc/tháng. Sở GT-CC đang quản lý gần 21 nghìn giấy phép lái xe (GPLX); trong đó, số người có hộ khẩu tại Đà Nẵng gần 19 nghìn người. Dự báo về đào tạo lái xe ô tô, ông Hồ Quang Mạnh phân tích: “Đà Nẵng có 3 trung tâm dạy lái xe ô tô. Năng lực đào tạo của 3 cơ sở hiện nay tương đương với khoảng 3 nghìn HV mỗi năm. Như vậy, các cơ sở chỉ mới đào tạo được khoảng 4,5-5 nghìn HV/năm, so với tổng dân số gần 800 nghìn dân, một con số còn quá khiêm tốn. Nếu tính nhu cầu cho một xe ô tô được đăng ký thì bình quân có 2-3 người cần có GPLX, do đó, số người cần được đào tạo rất lớn. Đó là chưa kể đến số lượng GPLX 3 năm phải đổi lại và số lái xe cũ hạng lớn đến tuổi hưu phải hạ hạng”.

Trước đây, khi phát hành hồ sơ, các trung tâm đều có thông báo sớm. Nhưng hiện tại, trước nhu cầu người học quá đông, các cơ sở chỉ thông báo phát hành hồ sơ trước 1 ngày và đều phối hợp với lực lượng công an để giữ trật tự. Đồng thời, để tránh tiêu cực, Sở GT-CC cũng yêu cầu các trung tâm đào tạo chỉ bán hồ sơ cho đúng người có nhu cầu đi học bằng cách, các hồ sơ đăng ký phải ghi tên người học đính kèm chứng minh nhân dân. Bằng cách quản lý như vậy nên tình trạng “mua đi, bán lại” hồ sơ học lái ô tô đã giảm hẳn.

Các trung tâm chỉ đào tạo “cầm chừng” chờ tăng... học phí


Từ số lượng học viên đông đúc tại các lớp học lái xe ô tô, có thể thấy nhu cầu người dân là có thật.
“Nếu đầy đủ điều kiện, các cơ sở sẽ đào tạo được một số lượng đông gấp 3 lần số HV theo học hiện nay”, đó là khẳng định của giám đốc các trung tâm đào tạo lái xe ô tô Đà Nẵng. Người học lái ô-tô rất đông nhưng thực tế, các cơ sở này đang đào tạo “cầm chừng” để chờ quyết định… tăng học phí của Bộ Tài chính! Vào thời điểm Bộ Tài chính ban hành thông tư 44 năm 2001, giá xăng chỉ có 4,4 nghìn đồng/lít và lương tối thiểu của CB-CNV là 290 nghìn đồng/tháng/người. Thế nhưng, hiện nay, giá xăng đã lên 11 nghìn đồng/lít và lương cũng đã tăng 350 nghìn đồng/người/tháng. Hiệu trưởng Nguyễn Anh Dũng băn khoăn: “Chúng tôi phải “thắt lưng, buộc bụng” tất cả các khoản, chỉ giữ lại những giáo viên có lương tâm, trách nhiệm với nghề để chất lượng không giảm sút. Lái xe là một nghề rất cần sự cẩn trọng nên chất lượng đào tạo không đảm bảo, không những sẽ thiệt thân người lái mà còn ảnh hưởng đến những người tham gia giao thông”. Tham khảo những người có trách nhiệm và cả những người học, hiện nay, để có thể tồn tại, các trung tâm đều cắt giảm giờ học, giảm cây số chạy... vì học phí không thể  đáp ứng nổi chi phí đầu ra. Trước tình trạng đó, Sở GT-CC đã làm việc với Sở Tài chính và làm tờ trình gởi UBND thành phố. Ngày 25/5/2006, UBND thành phố Đà Nẵng đã cho phép các trung tâm được phụ thu trượt giá xăng và lương đối với đào tạo lái xe ô tô, trong khi chờ Bộ Tài chính ban hành giá mới. Theo quyết định này, với đào tạo hạng B2, giá học phí cũ là 1,8 triệu đồng/khoá, UBND Đà Nẵng đã cho thu thêm 1,573 triệu đồng/khoá. Như vậy các trung tâm sẽ được phép thu 3,373 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu đúng chi phí cho đào tạo hạng B2 ở thời điểm này, học phí phải lên đến 4,5 triệu đồng/HV thì các cơ sở mới có thể hoạt động tốt được. Nghĩa là, các trung tâm vẫn… lỗ song vẫn phải hoạt động!

Trong định hướng phát triển từ 2006-2015, Sở GT-CC cũng đã hoạch định đến năm 2015, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng phải có từ 5-8 cơ sở đào tạo lái xe ô tô với lưu lượng từ 1 nghìn-1,5 nghìn HV/khoá. Năm 2005, UBND thành phố và Cục Đường bộ Việt Nam đã có chủ trương cho Công ty Cổ phần Vận tải ô tô số 6 và Công ty Đầu tư xây dựng 579 được đào tạo lái xe ô tô. Nhưng ngoài khó khăn về học phí chưa được điều chỉnh, theo nhận định của ông Mạnh, các cơ sở đào tạo lái xe chưa “mặn mà” vì những quy định về phương tiện, sân bãi, phòng học, giáo viên... rất nghiêm ngặt và số tiền đầu tư vào rất lớn. Hiện nay, Sở GT-CC đã đầu tư 20 tỷ đồng, chuẩn bị đưa Trung tâm Sát hạch Quốc gia ở Hoà Cầm vào hoạt động. Điều đó đồng nghĩa với việc, các trung tâm buộc phải đầu tư phương tiện mới toàn bộ vì Trung tâm Sát hạch Quốc gia chỉ chấm bằng máy, thay vì các sát hạch viên của Sở GT-CC chỉ chấm bằng trực quan và cảm quan như trước. Ra đời sau, nên Trung tâm đào tạo lái xe ô tô Liên Chiểu (Công ty CP Vận tải ô tô số 6) đã đầu tư 15 tỷ đồng với các phương tiện dạy và học hoàn toàn mới, đang tích cực chuẩn bị để khai giảng khoá đào tạo lái xe ô tô đầu tiên vào tháng 10 tới. Các lãnh đạo trung tâm và Sở GT-CC đều nhận định, khi Việt Nam gia nhập WTO, giá xe ô tô chắc chắn sẽ hạ và lúc đó, nhu cầu học lái xe còn tăng cao hơn.

Trước nhu cầu học lái ô tô trong nhân dân là có thực, hầu hết các trung tâm đều đang mong chờ Bộ Tài chính sớm điều chỉnh mức học phí. Bởi, nỗi lo của ông Nguyễn Anh Dũng - Trường Dạy nghề số 5, Quân khu 5 - chẳng phải cá biệt: “Nếu Bộ Tài chính không sớm ban hành mức phí thích hợp, về lâu dài, e rằng chất lượng đào tạo lái xe ô tô sẽ không bảo đảm...”. Không ít vụ TNGT bắt nguồn từ lái xe. Và nỗi băn khoăn về chất lượng đào tạo của các trung tâm, tay nghề của lái xe sau khi được đào tạo… chắc hẳn không chỉ riêng của các trung tâm đào tạo lái xe?    

Thu Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.