Thảm họa sóng thần ở Indonesia: Hệ thống cảnh báo sóng thần đã không được kích hoạt

19/07/2006 00:19 GMT+7

Ít nhất 343 người thiệt mạng, hơn 229 người mất tích sau khi sóng thần cao đến 6 mét (theo các nhân chứng người Úc) ập vào các làng đánh cá và khu nghỉ mát trên đảo Java (Indonesia) hôm 17/7. Khoảng 450 người khác bị thương và 68.464 người không còn nơi trú ngụ. Thiệt hại trong trận động đất này ít hơn so với thảm họa cuối năm 2004, nhưng cả hai đều có điểm chung: không hề có cảnh báo sóng thần tại nơi xảy ra tai họa.

Nơi bị nặng nhất là Pangandaran, điểm du lịch nổi tiếng tại phía nam Java, với ít nhất 171 người chết. Hàng loạt các khách sạn nhỏ ven biển bị phá sập, trong khi rất nhiều tàu bè bị sóng thần quẳng lên bờ. Mặc cho nỗ lực thiết lập một hệ thống cảnh báo sóng thần sớm trong khu vực Ấn Độ Dương, không hề có dấu hiệu cảnh báo sóng thần được phát ra vào thời điểm đó. Tuy nhiên, nhiều cư dân trong vùng và du khách nhận ra các dấu hiệu của một cơn sóng thần, như nước biển rút ra gần 500m, và vội vàng chạy lên chỗ đất cao hơn. Một người sống sót cho biết: "Không hề có tiếng còi hụ mà chỉ có một tiếng ầm ầm từ phía biển rồi mọi người bắt đầu chạy".

Lúc đầu chính quyền Indonesia đưa ra con số 5,5 độ Richter và cho rằng có vẻ như sẽ không có sóng thần. Sau khi Trung tâm Cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương (đặt tại Mỹ) thông báo trận động đất mạnh đến 7,7 độ Richter và thông báo sẽ có sóng thần trong khu vực gần tâm động đất thì Indonesia nâng con số lên 6,8 độ Richter.

Ngày 18/7, một bộ trưởng Indonesia cho biết nước này đã nhận được cảnh báo có khả năng xảy ra sóng thần từ 2 trung tâm cảnh báo trong vùng trước đó 45 phút, nhưng đã không cố chuyển thông tin đó đến khu vực bị nạn.

Sau khi động đất gây sóng thần gây quá nhiều thiệt hại về người và của cho các nước châu Á-Thái Bình Dương vào ngày 26/12/2004, một câu hỏi được đặt ra là tại sao vẫn còn có quá nhiều người chết vì sóng thần, đặc biệt là tại Indonesia. Nếu cách đây 2 năm, dấu hiệu cảnh báo duy nhất cho hầu hết người dân trong khu vực là một bức tường sóng đang ào ạt tiến thẳng về phía họ; thế nhưng, giờ đây việc dân cư tại đảo Java không hề nhận được cảnh báo sóng thần có vẻ quá vô lý bởi hồi cuối tháng 6, Ủy ban Hải dương học liên chính phủ thuộc UNESCO thông báo hệ thống cảnh báo sóng thần bao phủ khu vực Ấn Độ Dương đã chính thức được đưa vào hoạt động.

Thật ra chính quyền Indonesia đã lắp đặt một hệ thống cảnh báo sớm dọc theo đảo Sumatra, nơi chịu thiệt hại nặng nhất trong đợt sóng thần năm 2004, nhưng trên đảo Java lại không hề có thiết bị cảnh báo. Các nhà chức trách cho biết theo kế hoạch thì đến năm sau đảo Java mới được lắp đặt các hệ thống cảnh báo sóng thần. Tuy nhiên, hệ thống cảnh báo sóng thần quốc tế gồm nhiều phao phát hiện dấu hiệu sóng thần phức tạp đã không được kích hoạt. Khi được hỏi có bao nhiêu phao cảnh báo sóng thần tại nước này hoạt động vào lúc đó, một quan chức chính phủ trả lời rằng: "Chẳng có phao nào cả".

Theo giới chuyên gia phân tích, có vẻ như trận động đất hôm 17/7 không có mối liên hệ với trận động đất vào năm 2004 cũng như không bị ảnh hưởng bởi trận động đất hồi tháng 5 vừa qua tại miền Trung Java khiến ít nhất 5.800 người chết.

Thụy Miên
(Reuters, AP, BBC)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.