Huỳnh Tiểu Hương - người mẹ của hơn 200 trẻ thơ không may mắn (*)

18/07/2006 12:10 GMT+7

Đói khổ, bệnh tật, bị người đời ngược đãi, vùi dập, ức hiếp nhưng chị không oán đời, oán người. Chị vẫn nỗ lực vươn lên để giờ đây cái tên Huỳnh Tiểu Hương không còn là của cô bé lang thang vỉa hè, không nhà không cửa mà là của một doanh nhân thành đạt, một mẹ Út Hương của hơn 200 đứa trẻ côi cút, bất hạnh.

Làm việc đến quên mình với một mong muốn duy nhất: “Những đứa trẻ bất hạnh như Tiểu Hương sẽ có một cuộc sống tươi sáng, sẽ không phải trải qua những tháng ngày khổ cực, tủi nhục như của mình ngày trước”. Cuộc đời chị tựa như một câu chuyện cổ tích, một câu chuyện cổ tích đầy cảm động về một con người sống không phải cho mình.

Số phận nghiệt ngã

Tên chị là Huỳnh Tiểu Hương nhưng nói đúng hơn là chị không tên, không tuổi. Trong ký ức, chị chỉ biết rằng mình bị cha mẹ bỏ rơi ngay từ lúc lọt lòng. Tuổi thơ của Út Hương bị ném ra đầu đường, xó chợ. Suốt ngày lăn lóc trên những con tàu Bắc - Nam để kiếm miếng ăn, cô bé Hương đã nếm trải những trận đòn “nhừ tử” của những “đầu gấu xe lửa” khi chen chân vào lãnh địa của chúng. Có những lúc không xin được miếng ăn đói lả đến ngất xỉu, có những khi bị đám giang hồ đánh đến máu me bê bết. Cô bé vẫn sống, sống như một cây cỏ dại cứ tự nhiên mà vươn lên.

Được nhận làm con nuôi, nhưng chỉ sau một thời gian, Hương lại trở về những chuyến tàu để kiếm sống vì không chịu nổi những trò vô đạo của bố nuôi. Cũng có những người thật tốt, thật sự yêu thương cô nhưng vì nhiều lý do, Hương không được hưởng trọn niềm hạnh phúc ấy và và tiếp tục cuộc đời lăn lóc của mình ngoài đường phố.

Từ những sân ga xa lạ tận Lào Cai đến Sài Gòn, không nơi nào không có dấu chân của Tiểu Hương. Đói, rét, bị đánh đập, ngược đãi. Chưa bao giờ Hương có được một bữa cơm no như bao đứa trẻ khác, một tấm áo lành đủ ấm trong những ngày đông, một sự ấm áp của tình cảm gia đình. Cám cảnh đứa trẻ mồ côi, người thương tình cho cô miếng bánh, kẻ thảy cho vài đồng xu.

Không thể ngửa tay xin ăn, cô chuyển sang bán trà đá và thuốc lá lẻ trên tàu. Lần mò, Hương lại theo chân các đoàn đãi vàng ở những vùng đất hoàn toàn xa lạ ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Bình Trị Thiên… Suốt những ngày tháng ấy, cái mà Hương “có” được là những cơn sốt rét kinh hoàng, đáng sợ.

22 năm sống ở đường phố, Út Hương chịu đựng hết những tủi nhục, cay đắng. Bị ép chích ma túy, bị cắt chân, tay để làm thành những vết thẹo đi ăn xin, bị đốt lửa lên cơ thể, bị hãm hiếp… và thậm chí cô đã bị ném xuống cầu Sài Gòn 3 lần cho chết nhưng “may mắn là vẫn sống”. Rồi có những khi đi bán bánh mì thuê cho người ta để mang tiếng bán bánh mì chứ không phải ăn xin để được vào ga xe lửa nhặt thức ăn thừa bỏ đi. Bán bánh mì không bị ăn đòn của bảo vệ nhà ga thì lại bị ăn đòn nhiều hơn của chủ vì bán mà không hết hoặc đói quá lỡ tay ăn một ổ là tối về đòn roi tím cả người đến mấy ngày.

Những ngày ấy, chỗ ngủ về đêm của cô bé Hương chính là những nhà vệ sinh công cộng, những nhà cầu ở ngoài rìa sông Sài Gòn vì chỉ ngủ những nơi đó, cô bé sẽ không bị làm nhục, không bị đánh đập. Lớn lên một chút, để tồn tại, cô đã làm tất cả mọi việc mà không cần ai thuê mướn: lau chùi xe ở Bến xe Miền Đông, rửa chén, chạy bàn ở những quán ăn, thậm chí đã có thời gian Tiểu Hương bị lừa đi làm gái mà cũng không hay biết. Ai thương tình thì cho vài đồng hoặc một bữa ăn, còn không cũng chẳng sao.

Và những ngày ấy, những lúc rảnh rỗi cô lại đến chăm sóc và tắm rửa cho những người bị phong cùi lê la ngoài đường phố mà không sợ hãi hay ngại ngùng gì hết.

Đổi thay cuộc đời

Hơn hai chục năm sống ở đường phố, một bữa ăn ngon lành Hương vẫn không dám mơ ước huống hồ là những ước mơ xa xôi, lớn lao hơn. Thế mà giấc mơ không dám mơ ấy của Hương đến thật.

Một người đàn ông Đài Loan tốt bụng như đọc được từ ánh mắt của cô gái trẻ một tấm lòng thánh thiện trong những lần ông đến quán ăn gặp cô đang phụ việc. Ông nhận cô làm con nuôi, trước khi về nước, ông cho cô 20 lượng vàng với lời khuyên: mua một căn nhà để làm chỗ che mưa nắng. Đó là ngày 10/12/1989 và cô lấy đó làm ngày sinh nhật của mình. Hạnh phúc đã thật sự mỉm cười khi chỉ một ngày sau, có người đến tìm mua lại căn nhà trên với giá 45 lượng vàng.

Thật sự 45 cây vàng có giá trị như thế nào Hương không biết, cô chỉ biết lấy vàng mua tiếp căn nhà khác và một chiếc xe du lịch để cho thuê. Có lẽ ông trời cũng thương cô gái đã chịu nhiều đắng cay nên dù một chữ bẻ đôi không biết, phép tính cũng không biết làm và mua bán ai nói bao nhiêu cô trả bấy nhiêu nhưng cô lại kinh doanh địa ốc và thắng lớn. Tiểu Hương thực sự bước vào thương trường một cách vô tình.

Với "vốn" tiếng Hoa, tiếng Anh bập bõm trong những ngày làm bồi, cô nhanh chóng tiếp cận khách làm ăn, giao dịch, mua bán bất động sản, cho thuê xe du lịch và giàu lên một cách nhanh chóng. Cô bé bụi đời đói cơm áo ngày nào đã trở thành tỷ phú Huỳnh Tiểu Hương. Một cuộc đời mới tươi sáng và đầy rộng mở đến với cô bé bất hạnh ngày nào.

Thế nhưng, chị không quên những người bạn bụi đời lăn lóc hè phố ngày nào như mình. Có căn nhà đầu tiên, chị kéo tất cả bạn bè đến ở, kiếm việc làm cho từng người và cho mỗi người một căn nhà để làm ăn sinh sống. Và cô cũng không quên những mảnh đời bất hạnh như mình thuở trước, cô đưa những đứa trẻ bụi đời, những trẻ sơ sinh bị bỏ rơi về nuôi dưỡng và xem chúng như con ruột của mình.

Một người không sống cho mình

Vất vả một mình vừa làm ăn, vừa nuôi những đứa trẻ mồ côi. Suốt gần 10 năm, Tiểu Hương đã dồn tiền, dồn của và dồn công sức để xây dựng nên Trung tâm Nhân đạo Quê Hương chuyên nuôi dưỡng các em tàn tật, mồ côi và người cơ nhỡ.

Những nhà đất, xe hơi có để làm ăn cô bán hết để đổi lại là những dãy nhà đẹp đẽ và khang trang cho những người bất hạnh sinh sống. Hiện ở Trung tâm Nhân đạo Quê Hương đang nuôi dưỡng hơn 200 em nhỏ mồ côi, cơ nhỡ lang thang, tàn tật và thậm chí là các em nhỏ nạn nhân chất độc da cam.

Ở đây, các em được nuôi ăn học, được học nghề, học năng khiếu và nhiều em đã đi học đại học, cao đẳng. Khi các em trưởng thành, chị lại tìm việc vào các công ty lớn để các em có thể tự kiếm sống bằng chính công sức của mình, vừa học hỏi và hoàn thiện con người bằng công việc. Một xưởng sản xuất nước tinh khiết với tên gọi Quê Hương vừa là nguồn thu nhập để duy trì cuộc sống cho các em, vừa là môi trường để các em rèn luyện lòng yêu lao động và tinh thần tập thể.

“Đó là cách tốt nhất để khi các em ra đời, các em có thể không còn bỡ ngỡ và có thể tự nuôi sống bản thân mình”, Tiểu Hương nói. Một mình cáng đáng mọi công việc chỉ để kiếm tiền nuôi trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi và đi làm từ thiện giúp đỡ những người bất hạnh khắp nơi trên cả nước, hễ nơi đâu nghe có bão lũ hoặc thiên tai thì nơi đó sẽ có mặt chị đến để tặng quà hỗ trợ.

Nhiều người gọi chị là Hương “khùng” vì suốt đời chỉ lo cho con cái người ta mà hạnh phúc của mình thì lại không quan tâm. Chị cười kể: “Cũng có nhiều người có ý định nhưng khi thấy mình có nhiều con như vậy và phải lo cho mấy trăm đứa cùng lúc, ai cũng sợ mà phải bỏ chạy thôi”. Và hạnh phúc của chị bây giờ là những đứa con mà không phải chị sinh ra nhưng vẫn luôn gọi chị là mẹ: mẹ Út Hương.

“Hạnh phúc lớn nhất của đời mình là có những đứa con này. Có những đứa mình ẵm về lúc còn đỏ hỏn. Có những đứa bị người ta bỏ suýt đưa vào lò thiêu. Có đứa bị bỏ vào thùng rác tưởng là chết rồi. Dẫu không sinh ra nhưng mỗi đứa đều một tay mình chăm sóc, nên chúng là cuộc đời và lẽ sống của mình. Cuộc đời mình đã nghiệt ngã rồi, mình phải sống để cho các con một tương lai tốt đẹp và tươi sáng hơn. Và mình luôn dạy các con rằng, sống trên đời này cần nhất chính là lòng nhân ái”. Chị bộc bạch khi chia tay chúng tôi để qua Mỹ điều trị căn bệnh ung thư ác tính. Tôi vẫn tin tưởng rằng cuộc đời chị rồi sẽ lại tốt đẹp, như chính những điều tốt đẹp mà chị đã làm, đang làm và sẽ làm. Chắc chắn thế!

Hoàng Hiệp

(*) Bài được trích đăng từ Diễn đàn "NGƯỜI PHỤ NỮ LÀM RUNG ĐỘNG TRÁI TIM VIỆT NAM" (http://www.vneconomy.com.vn/events/pnvn/)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.