Công ty là luận văn tốt nghiệp

10/07/2006 10:45 GMT+7

Giấc mơ ban đầu là trở thành kỹ sư xây dựng, nhưng sau đó lại rẽ sang công nghệ thông tin; thay vì đi thực tập để ra trường lại chọn cách không giống ai: mở công ty và lấy công ty làm luận văn tốt nghiệp; hiện là tổng giám đốc một công ty có trụ sở tại TP.HCM, chi nhánh tại Hà Nội, Vũng Tàu và một văn phòng đại diện tại Mỹ. Không thể là ai khác - Ngô Quốc Dũng!

Ý tưởng táo bạo

Khi Ngô Quốc Dũng còn là sinh viên năm thứ nhất ngành xây dựng Trường Đại học Bách khoa Tp.HCM, trong một lần ngao du, nhìn Trường Đại học Quốc tế RMIT thấy hay hay nên Dũng xin vào tìm hiểu. Trường đẹp, cách học cũng hay. Sau ba tháng dò la, tìm hiểu, Dũng quyết định thay đổi kế hoạch cuộc đời: rời Đại học Bách khoa để vào RMIT học ngành công nghệ thông tin và truyền thông đa phương tiện khi săn được một suất học bổng của trường này.

Năm 2003, vào cuối học kỳ năm thứ ba, thay vì đi thực tập, Dũng trình bày với trường lý do “không có thời gian” và đưa ra kế hoạch của mình: thành lập công ty thay cho... luận văn tốt nghiệp. Vậy mà nhà trường cũng đồng ý với ý tưởng không giống ai này, thậm chí trường còn điều động hẳn một giáo viên từ Úc bay sang Việt Nam để giúp Dũng. Cơ hội tuyệt vời cho người thích thực hành, ngán lý thuyết như Dũng.

Thế là Ngô Quốc Dũng bắt đầu “chiến dịch” kêu gọi đầu tư và nhanh chóng nhận được nhiều sự đồng tình từ bạn bè. Hai tháng liên tục, Dũng và bốn người bạn làm việc cật lực, tự nghiên cứu thị trường, tính toán bước đi cho bản kế hoạch chi tiết dài hạn.

Cuối cùng, sau khi nghe trình bày ý tưởng công ty, một nhà đầu tư lớn đã gật đầu chấp thuận rót vốn cho công ty của “mấy chú sinh viên”. Công ty quảng cáo mang tên rất... Tây: Jodric Brand Agency (JBA), chuyên xây dựng và quản lý thương hiệu, một lĩnh vực hầu như không dành cho người chưa kinh nghiệm đã ra đời trong hoàn cảnh đó.

Văn phòng công ty ban đầu chỉ là một căn phòng rộng 20m2, có hai máy tính cho bốn người làm việc, khó khăn nhất là làm sao để có khách hàng. Nghiên cứu thị trường, tiềm năng khách hàng, Dũng xin được gặp trực tiếp ban giám đốc các công ty lớn để trình bày hết ý tưởng của mình.

Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều khách hàng lớn như Thái Tuấn, Dermalogica, Universal Robina Corporation Vietnam, và cả nơi Dũng chọn cách “mở công ty thay cho luận văn tốt nghiệp” - Trường Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam - đã trở thành bạn hàng của JBA.

Quản lý và phát triển một thương hiệu là công việc không hề đơn giản. Để trở thành công ty quản lý thương hiệu chính thức cho Dermalogica (công ty của Mỹ về các sản phẩm chăm sóc da), suốt một năm trời Dũng và đồng sự vừa chuẩn bị kế hoạch, vừa tìm hiểu dòng sản phẩm, cơ cấu tổ chức, cơ cấu phân phối, tiếp thị của họ đã có sẵn. Sau một năm mở rộng thương hiệu này, doanh số bán của Dermalogica tăng 82%, Việt Nam trở thành một trong những thị trường quan trọng nhất của Dermalogica tại châu Á (sau Trung Quốc, Malaysia). Vải nữ sinh Lencii của Thái Tuấn cũng là một trong những thương hiệu được JBA xây dựng và phát triển.

Tháng 6/2004, Dũng tự “nâng cấp” mình và trở thành giám đốc điều hành Công ty Jodric Group (gồm một nhóm ba công ty: Jodric Brand Agency, Anna Creative Shop và Deryx Public Relations).


“Với tôi, kinh doanh phải chuyên nghiệp” (ảnh: Lê Quỳnh)

“Công ty lạ đời”

Công ty của Ngô Quốc Dũng toàn những người trẻ như Dũng, “già” nhất là một nhân viên người nước ngoài 29 tuổi. Tiêu chí đầu tiên để trở thành nhân viên công ty là: “Chỉ cần bạn vạch rõ bạn muốn làm gì và sẽ làm đến đâu bằng mọi giá”. Công ty có bốn giám đốc thì hết ba người (giám đốc sáng tạo, giám đốc nghệ thuật và giám đốc quan hệ đối ngoại) không có bằng Đại học!

Điều Dũng quan tâm trong phát triển công ty là làm sao phát huy được năm ưu tiên cụ thể: hiệu quả công việc, lợi ích khách hàng, nhân viên, xã hội rồi mới tới cổ đông. Bước vào công ty của Dũng, người ta gặp rất nhiều chuyện lạ.

Tuyển nhân sự, ban giám đốc yêu cầu ứng viên ngồi ngay dưới máy điều hòa được mở hết công suất, cách xa người phỏng vấn. Vì sao? Dũng giải thích: “Người tâm lý vững và biết làm chủ tình huống sẽ tự động kéo ghế ra khỏi chỗ lạnh để tiếp tục cuộc phỏng vấn. Tôi thích những người như vậy”.

Trong các buổi họp công ty, bàn ghế được dẹp hết sang một bên, mọi người ngồi tụm tròn dưới đất cùng làm việc, thậm chí có cả người leo lên bàn đứng. Môi trường làm việc thoải mái như vậy, theo Dũng, là để tránh lối mòn và kích thích sáng tạo. Ở bộ phận sáng tạo trong công ty, tiếng nói mọi người như nhau, ý tưởng nào vượt trội sẽ được chọn ứng dụng.

Chuyện đã lâu nhưng đến giờ Dũng còn trăn trở: nhiều lần công ty chủ động liên lạc với một tổ chức từ thiện của Việt Nam đề nghị được xây dựng và phát triển rộng một số chương trình xã hội từ thiện. Người ta nhìn rất lâu và hỏi Dũng một cách nghi kỵ: “Công ty nhỏ xíu, giám đốc còn quá trẻ, khi không lại đi lo chuyện thiên hạ?”.

Dũng chỉ cười: “Công ty đang phối hợp tổ chức chương trình phẫu thuật hở hàm ếch miễn phí cho trẻ Việt Nam của một tổ chức phi chính phủ thôi mà”. Vậy mà người ta cũng không tin. Ừ, công ty “nhỏ xíu” thôi nhưng Dũng cũng đã tài trợ đào tạo nghề cho bảy bạn trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với học bổng lên đến 1.200 USD/người.

Dù gặp Ngô Quốc Dũng ở công ty, quán cà phê hay tại một hội nghị khách hàng, vẫn luôn bắt gặp một giám đốc trong trang phục comlê nghiêm túc nhưng đầu thì... trọc lóc. Dũng cười: “Để cho mát mẻ mà, lại đỡ tốn thời gian cắt tóc, gội đầu!”. Bạn bè thời phổ thông của Dũng vẫn nhớ người bạn đầy cá tính: sôi nổi và thông minh; học chuyên lý nhưng mê sử, quyết tâm đi thi và giật luôn giải nhì toàn quốc môn sử. Thời sinh viên, Ngô Quốc Dũng là một trong 5 sinh viên xuất sắc nhất trong hệ thống Đại học RMIT toàn cầu năm 2003.

Theo Lê Quỳnh/Tuổi Trẻ Online

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.