Luật Đầu tư: Dự thảo nghị định hướng dẫn thiếu rõ ràng, chưa chính xác

08/07/2006 00:28 GMT+7

Ngày 7/7 tại TP.HCM, Ban nghiên cứu Thủ tướng Chính phủ (PMRC), Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Kế hoạch và đầu tư tiếp tục đưa dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đầu tư ra lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia và doanh nghiệp khu vực phía Nam. Tại hội thảo này, rất nhiều ý kiến cho rằng dự thảo nghị định chưa rõ ràng, chưa chính xác.

Giải thích về sự chậm trễ ban hành nghị định, Ban soạn thảo cho rằng do một số quy định của dự thảo không tương thích với WTO, chẳng hạn  như ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp (KCN). Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Nết, Trường đại học Luật TP.HCM khẳng định, chưa có bằng chứng nào cho thấy việc ưu đãi đầu tư trong KCN sẽ vi phạm với quy định của WTO. Điều này có thể đúng với khu chế xuất hay các cơ chế thưởng xuất khẩu (giảm thuế cho các doanh nghiệp xuất khẩu). Tuy nhiên, ưu đãi thuế trong KCN không vi phạm bất kỳ hiệp định WTO nào. Kể cả trong Hiệp định về biện pháp đầu tư liên quan đến thư thương mại (TRIMS) hay Hiệp định về trợ cấp. Nhà đầu tư trong và ngoài nước khi đầu tư vào KCN đều được đối xử như nhau. Việc ưu đãi đầu tư vào KCN cũng đáp ứng được nguyên tắc đối xử công bằng với các nhà đầu tư vì đáp ứng lợi ích xã hội về quy hoạch sử dụng đất, sử dụng lao động... Trong báo cáo về kết quả đàm phán Mỹ gia nhập WTO cũng không có quy định gì về bãi bỏ ưu đãi đầu tư trong KCN. Tiến sĩ Lê Nết cho rằng, không có lý do gì để bãi bỏ ưu đãi đầu tư trong KCN. Nếu "cố tình" bãi bỏ những ưu đãi này sẽ khiến nhà đầu tư ngần ngại khi đầu tư vào VN vì mức thuế suất thuế TNDN 28% hiện nay của VN so với khu vực không phải là thấp.

Một chuyên gia về bất động sản cho rằng theo dự thảo nghị định, kinh doanh bất động sản là một ngành kinh doanh có điều kiện nhưng dự thảo không nêu rõ hình thức kinh doanh bất động sản nào là hình thức có điều kiện, điều kiện nào là bắt buộc? Quy định trong dự thảo khiến có thể hiểu kinh doanh các dự án khu nghỉ và khách sạn cũng là những ngành kinh doanh có điều kiện, trong khi theo Luật Đầu tư nước ngoài hiện tại, các dự án bất động sản xây dựng vi-la hoặc chung cư cao cấp để bán cũng chỉ có một điều kiện duy nhất là phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Luật sư Phan Thông Anh, Giám đốc công ty luật hợp danh, đề nghị dự thảo phải làm rõ tiêu chí (căn cứ vào chủ thể đầu tư; nguồn vốn...) xác định dự án đầu tư nước ngoài và trong nước.

Sau nhiều góp ý về việc phải làm rõ thế nào là đầu tư trực tiếp, gián tiếp; khái niệm về công ty cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài; cơ quan cấp chứng nhận đăng ký đầu tư, ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nhận định: "Dự thảo chưa thực sự mạch lạc và còn quá nhiều điểm dễ diễn dịch theo nhiều cách khác nhau".

Bà Tạ Thị Ngọc Thảo, Tổng giám đốc Công ty TNHH TNT bức xúc nói: Luật Đầu tư chậm ngày nào thiệt thòi cho đất nước ngày đó. Theo bà Thảo, nhà đầu tư quan tâm đến Luật Đầu tư theo cách: "Nếu luật đi vào cuộc sống thì nhà đầu tư sẵn sàng "móc" tiền và nếu không thì đi tìm nơi khác".

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.