Khai trương Viện bảo tàng Nghệ thuật và văn minh (MAC) ở Paris

25/06/2006 11:33 GMT+7

Như ta biết, các vua chúa Pháp thời xưa thường say mê xây dựng các lâu đài, cung điện và nhờ thế đã để lại cho dân Pháp nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng như Chambord, Versailles…

Kế thừa truyền thống đó, các nguyên thủ Pháp, nhất là dưới chế độ Đệ Ngũ Cộng hoà hiện nay, cũng muốn lưu danh thiên cổ qua các công trình văn hoá, như G. Pompidou với trung tâm Nghệ thuật hiện đại  mang tên ông (cũng thường  được gọi là Beaubourg), Valéry Giscard d’Estaing với viện bảo tàng Orsay, François Mitterrand với kim tự tháp ở viện bảo tàng Le Louvre và Thư viện Quốc gia mang tên ông… Còn đương kim tổng thống  Jacques Chirac thì  mong  hậu thế sẽ nhớ đến ông một phần là qua viện bảo tàng Nghệ thuật và Văn minh (gọi tắt là MAC hay là viện bảo tàng Quai Branly ) được ông khai trương vào ngày 20.6.2006.

Từ thời niên thiếu, ông Chirac vốn đã  say mê các nghệ thuật của những vùng ở "tận cùng trái đất", tức là của nhiều tộc người không có chữ viết ở các châu Á, Phi, Mỹ và châu Đại Dương. Năm 1992, trong khi nghỉ dưỡng ở đảo Maurice, ông đã gặp nhà sưu tập Jacques Kerchache và từ đó hai người đã cùng suy nghĩ việc lập ra một viện bảo tàng dành riêng cho các nghệ thuật nói trên. Tháng 5.1995, ngay sau khi được bầu làm tổng thống, ông Chirac đã cho lập một ủy ban để suy nghĩ về vấn đề này. Nhưng việc thực hiện dự án này đã trải qua nhiều cơn bảo tố, nên kéo dài đến gần 10 năm.

1996 : các cuộc tranh luận nảy lửa bắt đầu

Tháng 10.1996, TT Chirac chính thức quyết định thành lập viện bảo tàng "Nghệ thuật và Văn minh", được quan niệm như là "một dụng cụ hoà bình, chứng tỏ trọn vẹn rằng mọi nền văn hoá và mọi người đều có phẩm giá ngang nhau". Thế là rất đông nhà khoa học và văn hoá đã phản ứng rất mạnh: chủ yếu họ tố cáo việc dự án này chắc chắn  sẽ lấy các hiện vật từ viện bảo tàng Con Người và viện bảo tàng Nghệ thuật châu Phi, châu Mỹ và châu Đại Dương để cung cấp cho viện bảo tàng mới sẽ lập ra. Về mặt lý thuyết, nhiều nhà khoa học phản đối việc sử dụng các từ như "nghệ thuật đầu tiên" (art premier), "nghệ thuật nguyên thủy" (art primitif), "nghệ thuật thô"... vì chúng phản ánh một quan niệm có tính "tiến hoá luận" (évolutionniste) về con người : quan niệm này vốn là nguyên lý nền tảng của việc lập ra viện bảo tàng Con Người trong những năm 1930.

1998 : chọn địa điểm ở ke  Branly (quai Branly)

Dù bị dư luận Pháp phản đối kịch liệt, TT Chirac vẫn kiên định tiến tới. Tháng 7.1998, với sự chấp thuận của chính phủ Lionel Jospin (thuộc đảng Xã hội),  ông chọn cho viện bảo tàng tương lai một địa điểm rất tốt: ở ke Branly, nằm ở tả ngạn sông Seine, bên cạnh tháp Eiffel và đối diện với cung văn hoá Chaillot. Tháng 12.1999, dự án của kiến trúc sư Jean Nouvel  (đã nổi tiếng nhờ đã vẽ toà nhà của viện Thế giới Ả Rập) dành được thắng lợi trong  cuộc thi tuyển quốc tế kéo dài gần một năm.  Nhưng đến tháng 1.2001 mới được phép xây và mãi đến tháng 10 cùng năm mới khởi công. Vì  công nhân đã phát hiện một thuyền độc mộc nằm trong lòng đất của công trường, một cuộc khai quật khảo cổ đã được tiến hành, đúng theo quy định của luật pháp. Do đó, việc xây dựng bị trễ: cho đến mùa thu 2005 mới hoàn thành.

Một công trình kiến trúc độc đáo

Uốn theo dáng cong của sông Seine ở đoạn này và  đặt cao trên bộ trụ theo kiểu nhà sàn, viện bảo tàng gồm bốn toà nhà tách rời nhau. Chiếc cầu hành lang  nối chúng lại với nhau  có cây cối vây quanh và được  một hồ nước-ánh sáng chiếu soi ban đêm. Để xây chiếc cầu này, các chuyên gia đã phải khắc phục nhiều bó buộc về môi trường. Ẩn nấp sau một hàng rào bằng kính để che tiếng ồn và vài cây đại thụ, viện bảo tàng (chỉ cao  có 12 m, nhưng dài đến 200 m) nằm trong một khu vườn rộng 18.000 m2. Có nhiều cây xanh và ánh sáng, nó không che khuất tầm nhìn của những người sống bên cạnh: họ vẫn thấy được đồi Chaillot ở bên kia sông Seine. Hơn  thế nữa, từ  sân thượng của viện bảo tàng, ta có thể nhìn khắp cả Paris.

Một đặc điểm khác của MAC là bức tường Thảo mộc rộng 800 m2: trên bức tường này được trồng 15.000 cây thuộc 150 loại khác nhau lấy giống từ Nhật, Trung Quốc, Mỹ và Trung u.

Tổn phí cho việc hoàn thành MAC rốt cuộc lên đến 237 triệu euro (tức hơn 4700 tỉ đồng VN) thay vì 167 triệu như dự trù, vì đã phải tài trợ (ngoài dư tính ban đầu) cho cuộc khai quật khảo cổ học trên công trường và  cho việc xây một bức tường bêtông (dài 750 m và sâu đến 30 m)  để đề phòng các trận lũ của sông Seine có thể xảy ra và  làm hư các sưu tập.

Noi theo gương của Trung tâm Pompidou, viện bảo tàng Quai Branly cũng muốn trở thành một "tổ ong văn hoá". Bên cạnh các cuộc triễn lãm  thường trực (chọn từ khoảng 300.000 hiện vật lưu trữ), MAC còn có một thư viện với 250.000 tư liệu viết, một «đại học bình dân» (université populaire), một rạp hát, một rạp chiếu bóng, một viện nghiên cứu khoa học và bảo quản, và các thiết bị đa-truyền thông.

Như đã nói trên đây, MAC  giới thiệu các không gian địa lý : châu Đại Dương, châu Á, châu Phi và châu Mỹ.

Riêng về châu Á,  Pháp có từ lâu nhiều viện bảo tàng  mà nổi tiếng nhất là Guimet. Do đó, MAC chủ yếu sẽ tập trung vào các chủ đề mà Guimet không mấy quan tâm như văn hoá làng, văn hoá các dân tộc thiểu số, các tộc người theo truyền thống truyền khẩu… Do sưu tập về Đông Dương thuộc Pháp trước đây rất phong phú, ngoài chủ đề chính được chọn là lúa gạo,  MAC cũng quan tâm đến văn hoá thảo mộc, Phật giáo  làng xã và các thờ cúng dân gian như lễ đâm trâu.

Triển lãm ngắn ngày đầu tiên của MAC sẽ dành cho sưu tập của nhà dân tộc học nổi tiếng Georges Condominas về Việt Nam và đặc biệt là về tộc người M’nông. Chúng tôi mong sẽ có dịp giới thiệu cuộc triển lãm này trên báo Thanh Niên.

Những người trách nhiệm của viện bảo tàng này hy vọng là nó sẽ lôi cuốn mỗi năm  được một triệu khách đến xem.

Nguyễn Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.