Một di tích cấp quốc gia bị tàn phá

18/06/2006 22:02 GMT+7

Vườn mít và cánh đồng Cô Hầu được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia từ năm 1991. Di tích quý giá ghi dấu những năm tháng dựng cờ khởi nghĩa của 3 anh em nhà Tây Sơn ở vùng núi rừng Tây Nguyên (nay thuộc địa bàn huyện K'Bang, tỉnh Gia Lai) hiện đang bị tàn phá nghiêm trọng! Những cây mít cổ thụ tồn tại hàng trăm năm đã bị đốn trụi để dọn chỗ cho người dân trồng hoa màu.

Tương truyền rằng, vườn mít vốn là nguồn cung cấp lương thực cho hàng vạn nghĩa quân Tây Sơn trong hành trình chinh Nam phạt Bắc, và nguy cơ bị  xóa sổ đã được báo động cách đây nhiều năm. Tuy nhiên, sự buông lỏng quản lý kéo dài của chính quyền địa phương đã biến nó thành hoang phế.

Nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử - văn hóa Tây Sơn thượng đạo, di tích quốc gia này cách trung tâm xã Nghĩa An, huyện K'Bang (Gia Lai) khoảng 20 km. Tại hiện trường di tích, gần như toàn bộ khu vườn mít có diện tích chừng 60 ha trên núi Ca Moong cổ xưa đã bị xóa sổ. Dấu tích của sự tàn phá còn lại giáp bìa rừng chỉ là một số thân cây mít to hai người ôm bị đốt trụi, trơ gốc nằm  giữa vùng đất đồi mới cày xới để trồng hoa màu. Những rẫy bắp, rẫy mì nối tiếp của người dân địa phương đã "thế chân" cho khu vườn nổi tiếng này sau 15 năm được công nhận di tích cấp quốc gia.

Trước đó, bản lược kê lý lịch di tích năm 1990 của UBND tỉnh Gia Lai - Kon Tum (nay đã tách thành 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum) xác nhận "tại vườn mít hiện còn rất nhiều cây mít, đặc biệt dày đặc là 2 khu vực ở gần cánh đồng Cô Hầu. Chúng tôi đếm thử một vùng trong khoảng 1.000m2 còn hơn 50 cây mít cổ thụ...".  Khi đến nơi này, chúng tôi thấy một số gốc mít cổ thụ đang bị đốt cháy; thân gỗ được người dân mang về làm các vật dụng trong nhà như tủ, bàn...  

Vườn mít Cô Hầu đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ hoàn toàn. Dấu tích hiếm hoi về sự quản lý, bảo vệ của ngành chức năng và chính quyền sở tại mà chúng tôi ghi nhận được chỉ là tấm bia Di tích lịch sử - văn hóa mới được dựng lên còn thơm mùi sơn. Các hoạt động về quản lý, bảo tồn, tôn tạo di tích... thì tuyệt nhiên không tìm thấy. Theo những người dân ở làng Quao (xã Nghĩa An), lâu rồi họ không thấy có cán bộ hay người lạ vào viếng thăm khu vườn. Phải chăng gần 20 km đường vượt núi, băng đồi, lởm chởm đá núi (có quá nửa đường phải đi bộ) từ trung tâm xã Nghĩa An vào tới khu vườn là trở ngại lớn làm cho người ta lãng quên nơi này ? 

Thiên Trúc - Giang Đình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.