Luyện thi cấp tốc: Học “tủ” hay học “nền”?

09/06/2006 10:25 GMT+7

Vừa mới “chiến đấu” với kỳ thi tốt nghiệp THPT xong, hiện nay hàng chục ngàn thí sinh (TS) ở TP.HCM và các tỉnh lân cận lại ngày ngày có mặt tại các lò luyện thi để nhận cấp tốc cái gọi là “các kiến thức và kỹ năng giải đề”, hòng giành được một chỗ ngồi ở giảng đường đại học.

Năm nào cũng vậy, gần đến hè, các lò luyện thi lại quảng cáo um sùm về năng lực luyện thi cấp tốc của họ. Đại loại như: tỷ lệ đậu cao đứng hàng đầu; chỉ cần học lực trung bình nếu chịu đến luyện 1 tháng cũng sẽ đậu; trong các câu ôn tập thế nào cũng trúng tủ một vài câu, vì các thầy soạn câu hỏi đều có kinh nghiệm lâu năm… Nhiều lò luyện thi còn trương bảng khai giảng cả 3 ngày 5, 10 và 15/6. Như vậy, nếu TS vào học khóa khai giảng ngày 15/6, thì chỉ được luyện chưa đầy 20 ngày.

Năm nay, hầu hết các lò đều đưa ra giá trong tờ rơi quảng cáo 380.000 - 1.000.000 đồng/khóa luyện thi cấp tốc, nhưng thực tế ở nhiều lò, khi TS đến đăng ký lại bị “chặt” cao hơn 100-200 ngàn đồng. Chiều 6/6, tại cơ sở Trung tâm Luyện thi ĐH Sư phạm số 280 An Dương Vương, các lớp luyện thi khối A, D đã bắt đầu học được hai hôm, các phòng đều kín mít học sinh ngồi học, trung bình mỗi bàn có tới 6 học sinh.

Mức học phí cho 3 môn học ở các khối đều là 500 ngàn đồng và phải mua thêm tài liệu hết 38 ngàn đồng/bộ. Còn ở Trung tâm Luyện thi ĐH Bách khoa TP.HCM, khóa luyện thi cấp tốc có giá 500 ngàn đồng, nếu luyện giải đề phải đóng thêm 200 ngàn đồng/môn với điều kiện phải là TS đang học ôn tại trung tâm.

Tại Trung tâm Luyện thi FCM tại đường Đinh Bộ Lĩnh phường 26, quận Bình Thạnh, dù đã 16h chiều nhưng số lượng TS đến chờ đăng ký học “cấp tốc” vẫn đông. Chúng tôi hỏi người nhận đăng ký về “khả năng thi đậu” khi học tại trung tâm thì nhận được trả lời nghe dễ xiêu lòng: Lớp học thoáng mát. Tỷ lệ đậu trên 80%, mà toàn đậu vào các trường xịn. Giá luyện thi có 2 loại: lớp thường 400 ngàn đồng/học một buổi/ngày, lớp đặc biệt 600 ngàn đồng/học 2 buổi/ngày…

Trước lời giới thiệu hấp dẫn này, chúng tôi quyết định leo lên lầu của FCM tìm hiểu thêm. Đây là một căn nhà mặt tiền 5 tầng lầu đã được mở hết các cửa để tận dụng hành lang kê bàn ghế cho TS ngồi. Tiếng ồn xe cộ ngoài đường dội vào các phòng học.

Phòng học môn toán trên lầu 5 có cả 100 TS ngồi học chen chúc nhau trong phòng học lớn được xây tạm bằng những tấm tôn, lưới B40 trên sân thượng. Nhằm thu hút học viên, Trung tâm FCM còn nhận TS vào ở trọ tại… nơi học. TS thuê phòng có giường tầng thì giá 200 ngàn đồng/tháng, còn nếu ngủ ngay tại bàn phòng học thì giá 100 ngàn đồng/tháng.

Tại phòng học ôn thi khối C, bạn Nguyễn Thị Hương, quê ở Quảng Bình nói rầu rĩ: “Em nghe quảng cáo giáo viên của trung tâm đều là các thầy ở các trường chuyên nên vào học, nhưng 3 hôm nay ngồi học vừa nóng bức, lại ồn ào và thầy giảng nhanh quá nên em theo không kịp, mà cũng chẳng ghi chép kịp”.

Hương cho biết thêm: “Em đăng ký vào lớp học đặc biệt (giá 600 ngàn đồng) nhưng bị xếp vào học với lớp thường, thậm chí nói học 2 buổi/ngày nhưng thực tế chỉ học một buổi”. Chúng tôi hỏi: Sao em không ý kiến gì? Hương trả lời em gọi điện hỏi rút lại 200 ngàn đồng nhưng chỉ nhận được câu trả lời “đó là lớp đặc biệt nên phải chịu giá 600 ngàn đồng” rồi cúp máy.

Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, năm nay đề thi nằm trong chương trình sách giáo khoa, gồm phần câu hỏi bắt buộc và phần câu hỏi tự chọn được ra theo nội dung chương trình THPT. Đề sẽ không quá dễ và quá khó, vì vậy TS chỉ cần ôn luyện nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa là có thể an tâm dự thi.

Còn theo nhận xét của nhiều thầy cô giáo THPT, với các khóa luyện thi CĐ-ĐH kiểu “mì ăn liền” như vậy thì các TS chỉ có thể ôn luyện một số trọng tâm. Nếu đề thi ra gần với những phần này thì TS sẽ mỉm cười “trúng tủ”, còn không thì TS sẽ gặp lúng túng khi làm bài, và nếu TS nào không thực sự có kiến thức nền vững thì tất nhiên sẽ phải… rớt.

Theo Lê Linh - Tiêu Hà/báo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.