"Nếu tôi không làm được, hãy khai trừ tôi ra khỏi Đảng"

09/06/2006 00:26 GMT+7

Sau gần chục lần gọi điện không có người nhấc máy, chúng tôi quyết định vào thẳng phòng giám đốc. Cuộc chuyện trò giữa chúng tôi và ông Hòa luôn bị cắt ngang bởi chuông điện thoại nhưng ông vẫn không một lần bước đến nghe. Vài ngày nay, ông Hòa đã không buồn nghe điện thoại bởi quá nhiều, lại không giúp gì cho ông trong ván đặt cược lớn nhất cuộc đời: sinh mệnh chính trị.

Ông tên Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Công ty khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai. Sau tuyên bố: "Hãy khai trừ tôi ra khỏi Đảng nếu tôi không làm được, thậm chí đuổi việc tôi nếu chưa đủ. Tôi sẽ thế chấp nhà đất và toàn bộ tài sản của gia đình tôi để đền bù thiệt hại nếu tôi làm không hiệu quả”, ông trở thành trung tâm của một sự kiện khác thường đang diễn ra trong tỉnh Đồng Nai. Một ngày trước, ông đã đến gặp Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai để giãi bày, tờ đơn vẫn còn nằm trong tay. Ông Hòa nói: "Sáng nay có một người từ Hải Phòng gọi vào động viên tôi. Trưa lại nhận một bức thư từ miền Tây Nam Bộ gửi lên ủng hộ. Nhiều người khác trong tỉnh cũng ủng hộ, động viên. Chỉ có một nhóm nhỏ người vì đụng chạm đến quyền lợi của họ nên kịch liệt phản đối. Tôi rất mừng vì biết mình đang làm một việc đúng".

Năm 2004, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Nai chủ trương xây dựng trạm bơm điện Cao Cang tại huyện Định Quán. Theo thiết kế, trạm bơm Cao Cang sẽ cấp nước tưới cho 323 ha đất nông nghiệp tại 2 xã Phú Điền (huyện Tân Phú) và Phú Hòa (huyện Định Quán) với tổng vốn đầu tư xây dựng là 14 tỉ đồng, sau đó có thể nâng mức đầu tư lên trên 20 tỉ đồng để mở rộng diện tích tưới lên 410 ha. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hòa, diện tích khu vực tưới của dự án trên (gồm 196 ha lúa, 127 ha hoa màu) là không chính xác, bởi hơn 140 ha lúa trong dự án này đã được tưới từ nguồn nước đập Đồng Hiệp từ 3 năm nay; diện tích đất màu không có khả năng tưới và dân không có nhu cầu là 163 ha. Như vậy diện tích thực tưới của trạm bơm Cao Cang chỉ khoảng 107 ha, bằng 26,1% so với con số nêu trong dự án. Hơn nữa, đập Đồng Hiệp hoàn toàn có khả năng tưới cho diện tích này. Ông Hòa cho rằng việc xây dựng trạm bơm điện với kinh phí 14 tỉ đồng là hoàn toàn không cần thiết và gây lãng phí tiền của Nhà nước và nhân dân.

"Tôi thấy một sự bất hợp lý không thể tưởng tượng khi dự 2 cuộc họp về dự án này ở Định Quán. Hai cuộc họp gần đây nữa ở Sở NN&PTNT và Sở Kế hoạch - Đầu tư tôi đã phản ứng gay gắt vì không thể đổ tiền bạc vào làm một việc đã làm rồi. Nếu muốn hoàn chỉnh, tôi chỉ cần vài trăm triệu đồng chứ không vẽ ra đến 14 tỉ", ông Hòa  nói bằng giọng của một người đã hơn 20 năm lăn lộn ở chốn quan trường (ông Hòa từng làm Phó chủ tịch huyện Vĩnh Cửu 10  năm, sau đó về làm Giám đốc Công ty khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai từ năm 2000). "Tôi biết một số người đã và sẽ  hưởng lợi lớn trong dự án này nên cố sức bảo vệ nó. Đó là một cái "nếp" tồn tại từ hơn 30 năm nay tại tỉnh Đồng Nai. Vì vậy, việc phản ứng của tôi làm cho họ khó chịu". Theo cái "thông lệ" mà chúng tôi biết được, hơn 90% các dự án thủy lợi trong tỉnh Đồng Nai thiếu cơ sở thực tế, do động cơ này khác mà một số người vẽ ra nên chất lượng và hiệu quả mang lại rất kém. Nhiều dự án tiêu tốn hàng tỉ đồng, làm xong vài ba tháng rồi... bỏ, lại có dự án trên giấy thì rất hay nhưng áp dụng vào thực tế thì hiệu quả mang lại chưa đến 50% (trạm bơm Long Thành, Bến Gỗ, Phước Khả, Phước Tân, Hóa An...). "Lâu nay, người ta ít quan tâm đến các dự án thủy lợi. Lãnh đạo một xã mà nghe huyện bảo "cho" một dự án thủy lợi thì mừng như bắt được vàng, có còn ý chí đâu mà kiểm tra, kiểm soát. Còn một số lãnh đạo cấp huyện, tỉnh thì tranh nhau giành quyền làm chủ đầu tư dự án. Ở đó người ta dễ chỉ định các công ty "sân sau" vào thi công, thiết kế để chia lời", ông Hòa buồn bã nói.

Trước khi ra về, chúng tôi xin được ghi lại một tấm ảnh nhưng ông Hòa từ chối: "Tôi không muốn làm một kẻ khác lạ, một người nổi bật. Tôi thấy việc làm của một số người là không thể chấp nhận được nên lên tiếng. Tôi hy vọng mọi việc sẽ tốt hơn, mọi người sẽ vì lợi ích cộng đồng hơn". Quả thật, hơn 20 năm làm việc cho Nhà nước, ông Hòa chưa một lần viết báo cáo thành tích để được khen thưởng, vì vậy đến giờ này ông vẫn chưa có một tờ giấy khen! Cuộc đời ông, thành tích nổi bật chính là sự thẳng thắn, rạch ròi và đầy bản lĩnh. "Ngay khi tiếp nhận Công ty khai thác công trình thủy lợi, tôi đã tuyên bố sẽ không nhờ trợ cấp từ Nhà nước như trước mà tự mình đứng vững. Sự thật là sau 6 năm, 140 cán bộ nhân viên của công ty đã có thể sống bằng đồng lương do chính công ty làm ra. Tôi muốn mọi người nhìn ngành thủy lợi bằng con mắt khác chứ không tệ hại như trước nay". Chúng tôi hiểu người đàn ông cương nghị này nói là làm.

Hùng Sơn - Quang Thuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.