Vietnam Airlines giải thích gì về việc mua và thuê máy bay Boeing 777 ?

08/06/2006 00:54 GMT+7

Không thỏa mãn với những giải đáp của ông Nguyễn Tấn Chấn, người phát ngôn của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) trong cuộc gặp mặt với báo chí ngày 6/6, chúng tôi tiếp tục đặt những câu hỏi đang gây xôn xao dư luận với những người có trách nhiệm của VNA.

* Có phải chỉ duy nhất VNA lắp động cơ PW cho máy bay Boeing 777-200ER ?

- Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng ban Quản lý vật tư: Có rất nhiều, đơn cử như hãng ILFC (Mỹ), Korean Air (Hàn Quốc), Asiana Airlines (Hàn Quốc), nổi tiếng như All Nippon Airway (Nhật) và United Airlines (Mỹ) cũng sử dụng động cơ PW lắp cho máy bay Boeing 777-200ER. Những thông tin này đều có thể kiểm tra lại trên mạng internet.

* Những máy bay Boeing 777-200ER vừa mua hiện đang được khai thác trên đường bay nào ?

- Ông Trịnh Ngọc Thành, Trưởng ban Kế hoạch thị trường: Bốn chiếc Boeing 777 tầm trung xa, chúng tôi khai thác theo đúng như dự tính, tức là bay chủ yếu đi các đường Đông Bắc Á từ Việt Nam đi Hàn Quốc, Nhật Bản và bay đi Úc, Nga. Còn lại những đường bay dài, xa trên 12 tiếng đồng hồ như Pháp, Đức (bay thẳng) thì dùng máy bay thuê.

* Vì sao dự án của mình là mua máy bay trung xa lại sử dụng bay nội địa và các đường bay ngắn ?

- Ông Trịnh Ngọc Thành: Máy bay trung xa chỉ là một cách gọi cho dễ hiểu, đó là những loại có tầm bay từ 5 đến 9 tiếng. Ta phải hiểu thiết kế cho đường bay nào tức là đường bay kinh tế nhất chứ không phải là khả năng bay của máy bay và động cơ. Khả năng bay của máy bay và động cơ thì không có khái niệm giới hạn. Máy bay có thể bay liên tục hàng năm, bảy chục giờ. Không thể nhầm lẫn là máy bay này thì bay được xa, máy bay kia không bay được xa. Động cơ không có khái niệm tầm trung xa. Những chiếc máy bay Boeing 777-200ER vừa mua vẫn bay đi Pháp, và đã đi Mỹ. Căn cứ vào các tính toán thương mại để mình quyết định chứ không phải cái máy bay quyết định. Không phải máy bay trung xa thì không bay xa được.

* Chính phủ đã đồng ý cho VNA mua động cơ của PW nhưng để có quyết định này, VNA đã báo cáo sai sự thật về thị phần của các nhà thầu, tỷ lệ tắt máy trên không theo hướng có lợi cho PW. Theo VNA thì thị phần của PW là lớn nhất và tỷ lệ tắt máy trên không của PW cũng thấp nhất ?

- Ông Trần Hữu Phúc: Điều đó là không đúng. Thực tế tại báo cáo số 78 ngày 4/1/2002 của Tổng công ty Hàng không báo cáo về mặt thị phần rất rõ ràng. Tất cả đều được xét ở chủng loại máy bay B777. Chúng tôi phân ra làm hai loại,  máy bay tầm trung (B777-200) và tầm xa (777-200ER). Khi báo cáo về thị phần của các hãng chúng tôi đều tách ra hai loại. Chẳng hạn như máy bay tầm trung thì PW4000 chiếm 71,2%, RR800 chiếm 20,7%, GE90 chiếm 8,1%. Còn với máy bay tầm xa thị phần của PW4000 là 21,3% RR800 chiếm 45,1%, GE 90 chiếm 33,6%. Đây là hai thị phần khác nhau chứ không thể đánh đồng là một.

Cũng trong báo cáo này, về tỷ lệ tắt máy trên không thì chúng tôi khẳng định là cả ba loại động cơ này đều đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt của nhà chức trách là Cục Hàng không liên bang Mỹ và châu u. Tuy nhiên theo số liệu thống kê một năm gần nhất đến thời điểm báo cáo do Boeing cung cấp thì tỷ lệ tắt máy trên không của GE là 0,008, của PW là 0,003 của RR là 0,013. Như vậy rõ ràng là của PW thấp hơn.

Vấn đề này Cục Hàng không dân dụng cũng có thắc mắc nên ngày 5/4/2002, Thường trực Chính phủ đã có cuộc họp do Thủ tướng Phan Văn Khải chủ trì, có cả Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng tham dự. Thủ tướng đã kết luận Cục Hàng không dân dụng Việt Nam và Tổng công ty Hàng không Việt Nam nhất trí đánh giá rằng động cơ PW4084D đạt yêu cầu về kỹ thuật, đảm bảo độ tin cậy trong khai thác, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn của Việt Nam. Thủ tướng giữ nguyên nội dung lựa chọn động cơ này tại Quyết định số 70/QĐ-TTg ngày 21/1/2002.

* Bên cạnh 4 máy bay mua, VNA còn thuê 6 Boeing 777 khác. Loại mua thì chọn động cơ PW nhưng loại thuê thì chọn động cơ GE, điều này khiến chi phí tăng ?

- Ông Trần Hữu Phúc: Máy bay thuê thì quyền lựa chọn động cơ không phải là của ta. Người ta có như thế này, anh thuê thì thuê. Ta phải hiểu quan hệ giữa chủ sở hữu máy bay với nhà sản xuất động cơ là rất có thể họ có những hợp đồng đầu tư tài chính với nhau để cùng chia sẻ lợi nhuận. Thực tế, trong nhiều năm Tổng công ty Hàng không cũng đã khai thác những máy bay có động cơ khác nhau. Trong 10 máy bay thì có 4 máy bay mua và 4 máy bay thuê mới tinh thì có cấu hình giống hệt nhau. Chúng ta phải chọn loại có tổng chi phí đầu tư thấp nhất. Nói chi phí cao là không có cơ sở.

- Ông Trịnh Ngọc Thành: Sau sự kiện 11/9 thì bây giờ thị trường hàng không đang bùng nổ nên chuyện ta thuê máy bay không phải thích loại nào là thuê được cái đó mà thị trường có hay không có. Nếu ta cứ đưa ra yêu cầu máy bay cứ đúng phải như thế này, thế kia thì sẽ không có lựa chọn và lúc đó sẽ ngừng phát triển.

* Chiếc VNA 147 nhận tháng 8/2005 là Boeing 777, cuối năm 2006 đã phải đại tu và hiện không thể khai thác thường xuyên ?

- Ông Trần Văn Động, Trưởng ban Kỹ thuật: Bảo dưỡng, đại tu thì phải theo quy định của nhà chế tạo, khoảng bao nhiêu giờ bay thì phải thực hiện bảo dưỡng, đại tu. Hiện tại chiếc máy bay này vẫn hoạt động bình thường.

* Vì sao máy bay của VNA thuê lại có giá thuê tính theo lũy tiến tăng dần ?

- Bà Nguyễn Thị Vân, Trưởng ban Kế hoạch đầu tư: Giá thuê máy bay là cố định trong suốt thời gian thuê. VNA chỉ có được một hợp đồng duy nhất là có giá tăng dần. Hợp đồng này rất đặc biệt, thực ra là kết quả mà VNA tận dụng được sau sự kiện 11/9. Sau sự kiện 11/9 thị trường vận tải hàng không sụt giảm. Chúng tôi đã ép được người cho thuê là trong một hai năm đầu cho chúng tôi một mức giá ưu đãi vì thị trường sụt giảm nên kinh doanh khó khăn. Ưu đãi chỉ một hai năm đầu còn sau đó thì giá thuê trở lại như giá bình thường. Đây là một kết quả đàm phán mà VNA đã tận dụng được cơ hội. Đấy là lần duy nhất mà VNA đạt được điều khoản đó. Các hợp đồng thuê khác của VNA đều có mức giá bằng hoặc cao hơn mức giá của những năm cuối cùng của hợp đồng này.

Xuân Toàn (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.