Nhà văn Đoàn Lê và huyền thoại xóm Chùa

26/05/2006 23:17 GMT+7

Thế là chị ơi/Rụng bông hoa gạo/Ô hay trời không nín gió/Cho ngày chị sinh"… Nhiều khán thính giả biết ca khúc Chị tôi của nhạc sĩ Trọng Đài nhưng ít ai biết nguồn gốc ca từ của bài hát đó.

Khi ghé thăm nhà thơ Đoàn Thị Tảo ở Đồ Sơn, chúng tôi mới biết lời của bài hát này là bài thơ Cho một ngày sinh của chị. Chị viết tặng chị mình là nhà văn Đoàn Lê. Người đàn bà khát vọng "vấn vương mấy sợi tơ trời" để có những tác phẩm độc đáo vượt thời gian.

Từ xóm Chùa nhỏ bé...

Nhà văn Hồ Anh Thái nói: "Không biết gọi Đoàn Lê là "nhà" gì cho đúng? Nhà biên kịch, đạo diễn, họa sĩ? Nhà thơ, thiết kế phim trường, nhà văn? Ở vị trí nào, chị cũng có đóng góp và thử sức. Nhưng với tôi, chị xuất sắc nhất ở vai trò một nhà văn". Tốt nghiệp khóa diễn viên điện ảnh đầu tiên 1959 - 1962, chị đã viết nhiều kịch bản, đạo diễn nhiều phim được chú ý như Bình minh xôn xao, Người về, Người cầu may, Vua Minh Mạng... Với hội họa, chị đã từng vẽ tranh, có triển lãm cá nhân. Nhưng với tiểu thuyết đầu tay Cuốn gia phả để lại (1988),  chị mới như "phát hiện lại mình". Cuốn tiểu thuyết đã đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn VN năm đó. Nhà văn Hồ Anh Thái đã bất ngờ trước cuốn tiểu thuyết đầu tay của một... đạo diễn. Anh nhận định: "Cuốn sách chứng tỏ một tay nghề viết tiểu thuyết chững chạc. Tổ chức ngăn nắp các đường dây nhân vật, khéo léo lách qua cái mê cung nhân vật chằng chịt ấy để tới được cái đích của mình".

Bìa tập truyện ngắn Đoàn Lê

Từ đây người xem được biết đến Đoàn Lê và "huyền thoại xóm Chùa" nổi tiếng, nơi sinh ra và lớn lên của chị. Độc đáo hơn, các nhân vật trong truyện từ ông Sĩ Duệ tức Sĩ Thái Sư, ông Hớn, Cường xóm Chùa, lão Bạch mù, bà Chiu, cô Lầy Lầy, lão Bản... như là nguyên bản của người thật việc thật, đều xuất phát từ không gian sống, sự quan sát thực tế của nhà văn. Đó là chuyện "hiện thực" như đất làng bị giải tỏa, cơn sốt lấy chồng ngoại, lập làng du lịch kiếm tiền cho đến chuyện "huyền ảo" như người âm trở về, ma cũ bắt nạt ma mới, kiếm tiền từ cõi âm... rất thu hút. Sau tiểu thuyết, mạch cảm hứng của chị tiếp tục thăng hoa trong hàng loạt  truyện ngắn mà chị gắn luôn "xóm Chùa" làm tên như Xóm Chùa Ông, Trinh tiết xóm Chùa, Người đẹp xóm Chùa, Giường đôi xóm Chùa, A tourism xóm Chùa... nổi tiếng. Tuy là chuyện xóm Chùa nhưng Đoàn Lê tìm tòi sử dụng rất nhiều kỹ thuật viết và chính thế mạnh này lôi cuốn người đọc. Ví dụ như truyện Nghĩa địa xóm Chùa với nghệ thuật viết kỳ ảo. Chị viết về việc chôn nhầm xác từ cách làm việc cẩu thả của một bệnh viện. Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú khi biên tập để in trên tạp chí Tác Phẩm Mới nói về cảm xúc của mình khi đọc: "Hay Đoàn Lê nghi có mầm bệnh trong người? Chỉ có người ốm mới dám viết những chuyện khủng khiếp như vậy". Để được một đồng nghiệp đánh giá cao như thế là kết quả làm việc và sáng tạo không mệt mỏi của nhà văn.

...Đến huyền thoại đưa xóm Chùa ra thế giới

Quả đúng là "huyền thoại" khi tập truyện ngắn Trinh tiết xóm Chùa của Đoàn Lê vừa được dịch ra tiếng Anh và giới thiệu với bạn đọc Mỹ. Rất nhiều bài viết giới thiệu về tập sách cho thấy sự quan tâm của bạn đọc nước ngoài đối với đời sống, văn học VN rất tinh tế và sâu sắc. Như bình luận của tạp chí Consortium Distributors (Nghiệp đoàn xuất bản) về tuyển tập: "Đoàn Lê được ghi nhận ở phong cách đa dạng và sức sáng tạo tươi mới. Với giới học giả, những truyện ngắn này cho một cái nhìn vào bên trong văn hóa VN sau Đổi mới. Với người đọc nói chung, đây là những tác phẩm bao quát và đầy nhân văn về những đề tài như lòng tham, hôn nhân, ly dị, tuổi già; đó là những tác phẩm về quyền con người, khảo sát tất cả những gì bí ẩn tinh tế của trái tim con người"...

Đông Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.