Tiếp tục duy trì công tác tìm kiếm, cứu nạn

23/05/2006 00:36 GMT+7

* Hơn 200 nạn nhân đã chết và mất tích Tối 22/5, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão T.Ư, UBND tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, TP Đà Nẵng và các đơn vị liên quan đã tổ chức họp bàn công tác tiếp nhận ngư dân xấu số và những người còn sống trở về đất liền.

Theo Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, tại các tỉnh, thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi có 17 tàu đánh cá của ngư dân bị chìm và mất tích trong cơn bão Chanchu với khoảng 322 ngư dân lâm nạn. 13 tàu bị chìm có 220 ngư dân, nhưng mới tìm thấy 97 người (trong đó có 77 người sống, 20 người chết). Có 4 tàu bị mất tích (3 tàu của TP Đà Nẵng với 60 ngư dân và 1 tàu của tỉnh Quảng Nam có 21 ngư dân). Theo Trung tướng Nguyễn Đức Soát, đến cuối ngày 22/5, tổng số người chết và mất tích lên đến 204 người. Riêng TP Đà Nẵng có 10 tàu bị chìm và mất tích.

Theo Trung tướng Nguyễn Đức Soát - Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, khu vực các tàu đánh cá gặp nạn trong cơn bão Chanchu nằm cách Việt Nam hơn 1.000 km, trong khi đó chỉ cách Trung Quốc có 200 km. Chính vì vậy, công tác tìm kiếm cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài tàu HQ 628, một tàu khác cũng của Hải quân là tàu HQ 629 cũng được điều động ra khơi tiếp cứu. Đến 18 giờ ngày 22/5, tàu HQ 629 chỉ còn cách 5 tàu của Quảng Ngãi khoảng 50 hải lý. Theo kế hoạch, tàu HQ 629 sẽ tiếp nhiên liệu, lương thực cho 5 tàu nói trên để các tàu này về thẳng Quảng Ngãi theo như nguyện vọng của các chủ tàu. Ông Nguyễn Bá Thanh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị đưa tàu công suất lớn ra biển và mở rộng vùng tìm kiếm người bị nạn. Trong khi đó, ông Lê Huy Ngọ cho rằng, cần phải huy động lực lượng lớn, có tổ chức để tìm tàu, tìm người dù khó khăn cũng phải quyết tâm tìm kiếm đến cùng. Một vấn đề khác cũng được bàn thảo là làm thế nào để giảm bớt thiệt hại cho ngư dân, nhất là hỗ trợ, giảm nợ (nếu có) ra sao khi tàu đã bị chìm... Mặt khác, phần lớn những người đi đánh cá là lao động trụ cột trong gia đình, nên cũng cần có chính sách lâu dài giúp thân nhân của họ hồi phục tinh thần, ổn định cuộc sống...

Để chuẩn bị tiếp nhận người chết và các ngư dân bị thương vào ngày hôm nay 23/5, Sở Y tế TP Đà Nẵng đã lên kế hoạch chi tiết nhằm chuyển những nạn nhân bị chết từ tàu về các bệnh viện. 4 xe cứu thương đã được yêu cầu có mặt vận chuyển 16 xác chết về Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng và 2 xác tới Bệnh viện C Đà Nẵng để làm các thủ tục phân loại, lấy mẫu ADN. Trong trường hợp xấu nhất không có thân nhân đến nhận, Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội TP Đà Nẵng sẽ làm các thủ tục mai táng và chôn cất tử tế. Bên cạnh đó, 1 xe cứu thương túc trực tại bãi để làm nhiệm vụ cấp cứu cho những ngư dân bị thương trên tàu. Bà Đoàn Võ Kim Ánh - Phó giám đốc Sở Y tế cho biết, những ngư dân bị thương sẽ được tiếp nhận, điều trị miễn phí tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện quận Thanh Khê và quận Hải Châu. Ngoài ra, các xe cứu thương của bệnh viện cũng nhận lệnh miễn phí khi đưa người xấu số về từng gia đình, kể cả ở tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Hữu Trà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.