Người giúp hàng triệu thí sinh thi đại học

21/05/2006 22:45 GMT+7

4 mùa thi ĐH - CĐ qua, anh Cổ Gia Thọ - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Thiên Long đã dành 8 tỉ đồng để "tiếp sức" cho hàng triệu thí sinh có hoàn cảnh khó khăn bước vào những kỳ thi đầy thử thách qua chương trình "Tiếp sức mùa thi" (TSMT). Mùa thi năm nay, anh Thọ lại tiếp tục dành 2,2 tỉ đồng nữa để đồng hành cùng thí sinh...

* Đã đi được chặng đường 5 năm, chương trình TSMT có những thay đổi gì nổi bật, thưa anh?

- Khởi đầu từ TP.HCM, chương trình TSMT càng ngày càng mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động và nhận được nhiều sự ủng hộ từ những đơn vị phối hợp tổ chức, như: Hội Sinh viên VN, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Báo Thanh Niên. Năm nay, chương trình sẽ thực hiện tại 8 tỉnh, thành lớn trên cả nước với kinh phí thực hiện là 2,2 tỉ đồng, tăng thêm 20% so với năm trước. Cũng trong năm nay, chúng tôi sẽ gửi tài liệu TSMT 2006 đến các trường PTTH trên toàn quốc và dự định tổ chức thực hiện cầu truyền hình trực tiếp tại 3 trung tâm lớn là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, nhằm phổ biến chương trình TSMT đến với đông đảo thí sinh trước kỳ thi ĐH, CĐ...

* Con số 8 tỉnh, thành lớn trên cả nước có những điểm  phục vụ thí sinh đã là cái đích đạt đến của chương trình TSMT hay chưa?

- Chưa đâu! Chúng tôi mong muốn hằng năm sẽ mở rộng thêm phạm vi TSMT ở nhiều tỉnh, thành khác để hỗ trợ nhiều hơn nữa cho những thí sinh "lạ nước lạ cái" về phương tiện đi lại, chỗ trọ, hạn chế tình trạng thí sinh bị bắt chẹt, lừa đảo tại các nhà ga, bến xe, quanh các điểm thi... Tuy nhiên, không phải cứ mở rộng quy mô, tăng thêm kinh phí là có thể đem lại hiệu quả cao hơn. Điều quan trọng chúng tôi thường áp dụng là rà soát, rút tỉa các thiếu sót sau mỗi chương trình để khắc phục, hoàn thiện tốt hơn trong những lần tiếp theo. Năm nay, đã có một sự rà soát cụ thể nhất và cũng toàn diện nhất trước khi có những sự thay đổi cần thiết như trên.

* Đâu là lý do để một doanh nghiệp vốn rất bận rộn với việc sản xuất - kinh doanh có thể "đeo bám" rất lâu một chương trình mang tính nhân văn sâu sắc như TSMT?

- Sinh viên là những người chủ tương lai của đất nước, là tài sản quý giá của quốc gia. Thời điểm các thí sinh đi thi ĐH là rất quan trọng.


Ông Cổ Gia Thọ - Ảnh N.L

"Thời điểm các thí sinh đi thi ĐH - CĐ là rất quan trọng. Đây là lúc các bạn trẻ ấy "thay da đổi thịt", chuẩn bị tích lũy kiến thức để trở thành người có ích cho xã hội nên rất cần những Mạnh Thường Quân giúp đỡ".

Đây là lúc các bạn trẻ ấy "thay da đổi thịt", chuẩn bị tích lũy kiến thức để trở thành người có ích cho xã hội nên rất cần những Mạnh Thường Quân tiếp sức, nhất là đối với những bạn trẻ ham học, thông minh nhưng lại gặp hoàn cảnh hết sức khắc nghiệt. Trước đây, tôi có thời gian dài gắn bó với những hoạt động của sinh viên, thanh niên nên TSMT như là một chương trình tiếp nối các hoạt động xã hội đó. Mặt khác, chúng tôi cho rằng, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và xã hội rất gắn bó, giao hòa: doanh nghiệp phát triển một phần cũng nhờ xã hội, đất nước tạo điều kiện phát triển; khi doanh nghiệp đóng góp giúp xã hội cùng phát triển thì doanh nghiệp đó càng có điều kiện để phát triển hơn.

* "Con đường đến trường" ngày trước của anh có nét gì tương đồng so với những sinh viên khó khăn hiện anh đang "tiếp sức"?

- Có! Đó là sự không suôn sẻ, thuận lợi. Tuy nhiên, hoàn cảnh của chúng tôi có những điểm khác biệt. Chúng tôi sinh ra trong thời chiến tranh khó khăn, gia đình đông anh em nên con đường học hành của tôi và mấy đứa em tôi khá gập ghềnh.

* Anh đã tự làm giàu kiến thức cho mình bằng cách nào?

- Sau này, tôi đã tự cập nhật kiến thức cho mình qua các chương trình học ở Việt Nam, Đài Loan, Mỹ... Tôi học ở mọi lúc mọi nơi. Trong công ty, tôi học các cộng sự của mình. Ra ngoài xã hội, tôi học ở các tổ chức Đoàn - Hội, chẳng hạn như Hội Doanh nghiệp trẻ TP.HCM. Với đối tác, tôi học những cái hay của họ. Thậm chí khi đi mua vật liệu, tôi cũng học người ta một số kỹ thuật chế tác... Với tôi, thành công không phải từ trên trời rơi xuống mà qua sự tích tụ từ vô vàn điều nho nhỏ đã học được như thế.

* Được biết, quá trình khởi nghiệp của anh cũng rất khó khăn?

- Vào năm 1981, tôi và một đứa em đã khởi sự và chèo chống công ty trong một điều kiện kinh doanh, sản xuất khó khăn trăm bề. Đến nay, công ty của tôi đã có trên 1.200 nhân viên với một trụ sở chính ở TP.HCM và 6 chi nhánh trên cả nước.

* Anh có lời khuyên gì dành cho những sinh viên muốn vươn lên nghịch cảnh để học tập và khởi nghiệp?

- Bất kỳ ai trong đời cũng đều có ước mơ, hoài bão. Nhưng làm sao để biến được ước mơ đó thành hiện thực? Theo tôi, bạn phải xông mình vào "cuộc chơi", dấn thân vào hoàn cảnh khó khăn. Khi đó, bạn sẽ gặt hái được kết quả và có khi bạn phải chấp nhận cả những rủi ro có thể xảy ra nhưng đó là những rủi ro bạn đã nghĩ đến. Đặc biệt, các bạn nên liên kết với nhau, tìm ra những người đồng chí hướng để cùng thực hiện ước mơ của mình, chứ không nên đơn độc khi chưa đủ mạnh.

Như Lịch (thực hiện)

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.