100 năm Đại học Đông Dương - Đại học Quốc gia Hà Nội: Khởi đầu của mô hình giáo dục đại học hiện đại Việt Nam

11/05/2006 23:24 GMT+7

Ngày 16.5 tới, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG HN) sẽ tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đại học Đông Dương - Đại học Quốc gia Hà Nội. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của TS Phạm Hồng Tung, một thành viên của nhóm nghiên cứu về giai đoạn đầu tiên trong lịch sử ĐHQG HN.

Đại học Đông Dương thành lập ngày 16.5.1906 không chỉ là cái mốc đánh dấu sự ra đời một trường đại học mà còn là sự khởi đầu của mô hình giáo dục đại học hiện đại ở Việt Nam. Trước khi có sự kiện này, bên cạnh các cơ sở giáo dục theo mô hình Nho giáo và trường Phật giáo, đã có một số trường theo mô hình châu u được thành lập rải rác ở một số địa phương. Tuy nhiên, đó chỉ là những trường cao đẳng hoặc chuyên nghiệp dạy nghề. Người Pháp cũng đã lập ra một số cơ quan nghiên cứu khoa học hoạt động độc lập với các trường chuyên nghiệp như các viện Vi trùng học ở Sài Gòn (1891), ở Nha Trang (1896) và ở Hà Nội (1900), Viện Nghiên cứu nông nghiệp và kỹ nghệ Sài Gòn (1898), Viện Viễn Đông bác cổ (1898). Vào những năm đầu thế kỷ XX, những cơ sở đào tạo và nghiên cứu rời rạc nói trên đã không đáp ứng được nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực ở Đông Dương.

Từ thế kỷ 19, giáo dục Nho học lâm vào tình trạng bế tắc, đất nước tụt hậu so với xu thế phát triển của thế giới. Từ kinh nghiệm lịch sử của Nhật Bản và Xiêm - những nước nhờ sớm canh tân mà thoát được họa thực dân, có thể thấy sự lạc hậu của nền học thuật là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới thất bại của triều Nguyễn trước sự tấn công của thực dân phương Tây. Do đó, từ giữa thế kỷ 19 tới đầu thế kỷ 20, nhiều trí thức yêu nước, tiêu biểu là Nguyễn Trường Tộ, Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh đã đề xuất các tư tưởng và phương án canh tân đất nước, trong đó mở trường dạy kiến thức hiện đại và canh tân giáo dục theo hướng học tập châu u luôn là một nội dung quan trọng. Tuy các phong trào duy tân không đạt được kết quả như mong muốn, nhưng đã làm dấy lên trong dân chúng một phong trào canh tân đất nước. Điều này đã có tác động không nhỏ đến chính quyền Pháp ở Đông Dương.

Năm 1905, Toàn quyền Paul Beau lập ra Nha học chính Đông Dương với sứ mệnh triển khai một chương trình cải cách giáo dục tổng thể. Đầu tháng 5.1906, nguyên tắc tổ chức và chương trình giáo dục phổ thông ba cấp ở Đông Dương được ban hành và đề án thành lập một trường đại học cũng được đệ trình lên phủ toàn quyền. Tôn chỉ và sứ mệnh của trường đại học này được ghi rõ: "Trường đại học sẽ là một trung tâm giảng dạy giáo dục bậc đại học, đỉnh cao học vấn ở Đông Dương... trong khi đáp ứng các nhu cầu kinh tế và hành chính của thuộc địa trong các ban kỹ thuật, sẽ cố gắng hướng dẫn tinh thần khoa học, phương pháp học tập và nghiên cứu hiện đại cho những người xuất sắc… Trường đại học sẽ cố gắng tạo nên ở Đông Dương một trung tâm văn hóa u châu, góp phần vào việc thúc đẩy sự phát triển tri thức của những người dân được chúng ta bảo hộ...".

Ngày 16.5.1906, Toàn quyền Paul Beau đã ký Nghị định số 1514a. Đây là văn bản pháp lý quan trọng, chính thức khai sinh ra Trường đại học Đông Dương. Theo đó, Đại học Đông Dương phải gắn kết hoạt động với các viện nghiên cứu đã hoặc sẽ được thành lập tại thuộc địa, nhưng không được ảnh hưởng tới quyền tự trị của nhà trường. Nguồn tài chính của nhà trường do ngân sách của chính quyền liên bang và địa phương cung cấp. Về cơ cấu tổ chức, Đại học Đông Dương gồm có 5 trường thành viên là Trường Luật và Hành chính, Trường Khoa học (gồm các ngành Toán, Vật lý, Hóa học và Sinh vật), Trường Y khoa, Trường Xây dựng và Trường Văn khoa (dạy các môn ngôn ngữ và văn học cổ phương Đông, lịch sử và địa lý Pháp và các nước Viễn Đông, lịch sử triết học và nghệ thuật...). Việc giảng dạy được liên thông giữa các trường và khoa. Chẳng hạn, sinh viên các trường Y khoa, Xây dựng có thể học các giáo sư thuộc các bộ môn Toán, Lý, Hóa, Sinh của Trường Khoa học...

Để khóa học đầu tiên có thể khai giảng, ngày 8.5.1907, Paul Beau ký tiếp một nghị định điều chỉnh cơ chế quản lý, trao quyền chỉ đạo nhà trường cho Tổng giám đốc Nha học chính Đông Dương. Đồng thời một hội đồng hoàn thiện trường đại học cũng được thành lập thay thế cho hội đồng quản trị. Khóa đầu tiên với 193 sinh viên bắt đầu năm học mới vào tháng 10.1907.

Sau khi triển khai đào tạo được một năm thì Đại học Đông Dương gặp không ít khó khăn. Trước hết là những sức ép từ phái thực dân bảo thủ ở chính quốc và ở ngay thuộc địa. Ngay khi Paul Beau vừa khởi động cuộc cải cách giáo dục và xúc tiến việc thành lập Trường đại học Đông Dương, phái này đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ, coi việc xây dựng đại học ở thuộc địa là "một sai lầm tày trời". Vào thời điểm đó, các xu hướng mới của phong trào yêu nước Việt Nam đang dâng lên mạnh mẽ. Bên cạnh phong trào Đông Du, Nghĩa Thục và Duy Tân, từ đầu năm 1908 phong trào chống thuế ở một số tỉnh miền Trung cùng nổi lên dữ dội. Những người Pháp bảo thủ cực đoan càng có thêm lý do để công kích mạnh mẽ chính sách cải cách giáo dục. Giữa năm 1908, Paul Beau nhận được quyết định chấm dứt nhiệm kỳ và thay vào đó là Klobukowski, một phần tử thuộc phái bảo thủ. Vốn đã không mấy thiện cảm với chính sách giáo dục của Paul Beau, trên cương vị toàn quyền, Klobukowski đã tìm mọi cách để hạn chế hoạt động của Đại học Đông Dương, kể cả việc cắt giảm ngân sách.

Do những lý do như vậy và một số khó khăn khách quan khác, Trường đại học Đông Dương không thể tiếp tục triển khai các hoạt động như kế hoạch ban đầu. Trong khoảng 9 năm tiếp theo chỉ có một số đơn vị thành viên như Trường Y khoa, Trường Luật và Hành chính, Trường Xây dựng tiếp tục duy trì được hoạt động bình thường.

Cuối chiến tranh thế giới I, Albert Sarraut được bổ nhiệm làm Toàn quyền Đông Dương đã tạo ra cơ hội phát triển mới cho Trường đại học Đông Dương. Ngày 31.12.1917, viên toàn quyền này đã quyết định cấp ngân sách cho Đại học Đông Dương 16.000 đồng và cho phép nhà trường xây dựng thêm một số cơ sở mới ở Hà Nội. Từ đó, Đại học Đông Dương với cơ cấu hoàn chỉnh tiếp tục phát triển và mở rộng.

Cho dù có những bước thăng trầm, nhưng việc thành lập Đại học Đông Dương đã xác lập trên thực tế một mô hình, một trường đại học hiện đại đầu tiên ở xứ thuộc địa Đông Dương. Đây cũng chính là mốc khởi đầu của nền giáo dục đại học Việt Nam theo mô hình hiện đại.

100 năm đã trôi qua kể từ ngày Đại học Đông Dương được thành lập, trải qua nhiều biến cố lịch sử lớn lao, mô hình trường đại học hiện đại đa ngành, đa lĩnh vực với sứ mệnh "...hướng dẫn tinh thần khoa học và phương pháp học tập và nghiên cứu hiện đại" tiếp tục được khẳng định. Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, với sự ra đời của Trường đại học Việt Nam (1945), Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956) và Đại học Quốc gia Hà Nội (1993), mô hình đại học đó càng được tiếp tục khẳng định và nâng lên những tầm cao mới, đóng góp ngày càng to lớn hơn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

TS Phạm Hồng Tung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.