Vụ giải cứu 4 trẻ em Trung Quốc: 30 giờ căng thẳng

11/05/2006 10:12 GMT+7

Sau 30 giờ tiếp nhận tin báo, C14B Bộ Công an, Công an Thừa Thiên - Huế và Công an TP.HCM phối hợp giải cứu thành công 4 trẻ em người Trung Quốc, phá đường dây tội phạm buôn bán trẻ em quốc tế quy mô lớn.

Sáng 10/5, ông Hoàng Hy Bình, đại diện Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM đã đến Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an phía Nam làm việc với cơ quan điều tra Việt Nam và tiếp xúc với 4 trẻ em người Trung Quốc vừa được Công an Việt Nam giải cứu khỏi đường dây buôn bán trẻ em quốc tế.

Ông Hoàng Hy Bình cho biết, trong ngày 10/5, Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM liên lạc với Công an tỉnh Triết Giang (Trung Quốc), xác minh lý lịch, nhân thân của những đứa trẻ để tiến hành các thủ tục tiếp nhận, trao trả về gia đình. Qua lời kể của người tài xế được thuê chở 4 đứa trẻ, các trinh sát tham gia chuyên án và 4 đứa trẻ, chúng tôi đã “dựng” lại giai đoạn đầu hành trình phá chuyên án này.

4 hành khách “lạ”

Chiều 6/5, sau chuyến hành trình dài gần 2.000km từ TP.HCM đến Hải Dương, tài xế V.V.C. đang định tìm nơi nghỉ ngơi dưỡng sức cho hành trình ngược trở về thì bất ngờ có một người đàn ông đến hợp đồng thuê chở giúp 4 đứa trẻ vào TP.HCM để giao cho người quen dẫn đi du lịch. Giá thỏa thuận là 1,6 triệu đồng, người đàn ông này đưa trước 1 triệu đồng và xin số điện thoại của C. để liên lạc, hẹn lúc nào xe đến cây xăng gần Ngã tư An Sương (quận 12, TP.HCM) sẽ có người ra đón bọn trẻ và đưa đủ số tiền còn lại. “Tôi cứ nghĩ thay vì đi xe không trở về, có thêm vài người khách, có tiền đổ xăng nên mới nhận lời, thật không ngờ…” - Anh C. kể.

“Xuất phát từ Hải Dương, khi xe tôi vừa đến địa phận tỉnh Thanh Hóa thì không may bị trục trặc nên tôi dừng xe để sửa chữa, 4 em trên xe vẫn đang ngủ say. Đang loay hoay dưới gầm xe thì bỗng dưng tôi nghe cả bốn em vùng dậy khóc gào, đòi ra khỏi xe, miệng kêu la, nói những gì tôi không hiểu. Đến lúc này tôi mới lờ mờ nhận ra bọn trẻ có thể là người Trung Quốc bị bắt cóc hoặc buôn bán gì đó. Có thể bọn trẻ đã bị cho uống thuốc ngủ từ trước nên khi xe vừa lăn bánh là đã ngủ vùi”. Anh C. cho biết, từ lúc đó cảm giác lo lắng bắt đầu xuất hiện trong anh nhưng vì lỡ đã “cưỡi lên lưng cọp”: không thể bỏ bọn trẻ lại dọc đường, càng không thể để bọn người “hợp đồng” xe của anh nghi ngờ. Trong suy nghĩ của anh chỉ còn một cách báo cho lực lượng công an địa phương để nhờ họ giúp đỡ.

“Tôi nhớ đến người bạn làm trong ngành công an ở tỉnh Thừa Thiên - Huế nên gọi điện vào nhờ giúp đỡ, vì trên đường vào TP.HCM xe sẽ đi qua tỉnh này. Để mấy đứa trẻ thôi khóc lóc, tôi lại nhờ một người bạn biết tiếng Trung Quốc ở TP.HCM nói chuyện qua điện thoại trấn an, dỗ dành bọn trẻ. Cũng may từ lúc đó, chúng thôi khóc lóc nên tôi mới đủ bình tĩnh cầm lái chạy thẳng một mạch đến Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế vào chiều tối 7/5”.

Đêm trắng chờ giờ “G”

4 đứa trẻ Trung Quốc được giải cứu

9h sáng 8/5, Thiếu tá Hoàng Ngọc Thạch và trinh sát Lê Khánh Hà thuộc phòng PC14 Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế được lệnh cùng lên xe du lịch của tài xế C., phối hợp với C14B Bộ Công an và Công an TP.HCM tổ chức đón lõng bắt khẩn cấp các đối tượng liên quan.

“Điều quan trọng nhất trong suốt thời gian di chuyển từ Huế vào điểm hẹn tại TP.HCM là phải ổn định tâm lý bác tài C. tránh để các đối tượng buôn người nghi vấn. Bởi suốt hành trình, bọn người này liên tục hối thúc C. tăng tốc để vào thành phố trước khi trời sáng, rồi lại báo thay đổi địa điểm giao người khiến trạng thái bác tài này luôn căng thẳng, lo lắng… Một đằng chúng tôi bảo C. hẹn sẽ giao 4 đứa trẻ lúc 8h sáng 9/5, một đằng phải “lên giây cót” bác tài rằng ở trong đó các lực lượng đã bố trí để bắt bọn chúng và bảo vệ an toàn cho C.” - Thiếu tá Thạch kể.

Cùng thời gian này, kế hoạch phá án, trinh sát được Phòng Chống buôn bán phụ nữ, trẻ em của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Phòng 7, C14B) Bộ Công an lập hết sức tỉ mỉ, chi tiết. “Ngay từ đầu nhận được tin báo, kết hợp với kết quả trinh sát, chúng tôi nhận định nhiều khả năng đây là đường buôn bán trẻ em người nước ngoài có tổ chức, chính vì vậy phương án được đặt ra phải “dụ” cho được bọn buôn người xuất hiện và bắt cho bằng được bọn chúng. Mặt khác phải bảo vệ, giải cứu bọn trẻ một cách an toàn” - Trung tá Lê Thanh Kiểm phụ trách Phòng 7, C14B nói với chúng tôi.

Đêm 8/5, các trinh sát, cán bộ tham gia chuyên án cùng thức trắng chờ đến giờ “G”, luôn trong tình trạng sẵn sàng đối phó những tình huống bất ngờ có thể xảy ra. 0h30 rạng sáng 9/5, Thiếu tá Thạch điện về C14B báo cáo bọn buôn người tiếp tục gây áp lực với tài xế C. buộc phải giao người tại địa điểm khác trước lúc trời sáng. “Bọn này còn “dụ” bác tài nếu vào điểm hẹn trước 1h sáng sẽ được thưởng thêm tiền, muốn bao nhiêu cũng được”.

Dù 3h sáng 9/5, chiếc xe chở 4 đứa trẻ đã có mặt tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) nhưng vẫn “nằm” lại chờ đến giờ “G” mới vào “điểm hẹn” đúng kế hoạch cho nên tài xế C. phải cố gắng điều đình bằng cách vờ quá mệt mỏi không thể đi nhanh hơn được và chỉ có thể vào TP.HCM sau 7h sáng. Nhưng có thể nói đòn “tra tấn” kinh khủng nhất đối với những người tham gia phá án chính là lúc tài xế C. thực hiện đúng hợp đồng giữa nhà xe với bọn buôn người, tức giao 4 đứa trẻ sang xe taxi do chúng thuê sẵn.

“Có thể nói đây là quyết định mạo hiểm, nhưng không vào hang thì làm sao bắt được cọp?” - Trên đường bám theo chiếc taxi, một trinh sát giải thích với chúng tôi như vậy. Trên chiếc taxi loại 7 chỗ lúc đó ngoài 4 đứa trẻ, 1 tài xế, còn một người đàn ông khác nhưng lại mặc đồng phục của tài xế taxi hãng này. Ngay tức khắc, 2 người đàn ông trên xe taxi này được trinh sát báo cáo đều là tài xế taxi và chưa thấy kẻ tiếp nhận bọn trẻ xuất hiện. Mặc dù từ điểm hẹn đến địa chỉ 76/10/13 Nguyễn Sơn, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú - nơi cất giấu 4 đứa trẻ, chưa đến 10km nhưng chiếc taxi này lại thay đổi lộ trình rất nhiều lần khiến các trinh sát đeo bám một phen vất vả.

Hơn 9h sáng, chiếc taxi bất ngờ dừng hẳn trước hẻm số 76/10 Nguyễn Sơn, phường Phú Thọ Hòa và 4 đứa trẻ đã được một phụ nữ nhanh chóng đưa vào phía sâu trong hẻm, mất hút. Cùng lúc, một toán trinh sát khác bí mật theo chân người phụ nữ vào đến căn nhà 76/10/13 Nguyễn Sơn. Đối tượng Dương Thị Thu bị bắt quả tang khi đang giấu 4 đứa trẻ trên tầng 1 căn nhà này.

Trong khi đó, tại Hải Dương, trinh sát của C14 Bộ Công an thông báo vào đã bắt khẩn cấp đối tượng tên Phương - kẻ thuê xe chở 4 đứa trẻ vào TP.HCM. Người tài xế taxi còn khai ra chi tiết quan trọng là đối tượng Tiến từng thuê anh ta 3 chuyến taxi chở 11 trẻ em người nước ngoài đi cửa khẩu Mộc Bài tỉnh Tây Ninh để giao cho các đối tượng khác với giá 350.000/chuyến taxi.

Qua xác minh cơ quan điều tra khẳng định đối tượng Tiến chính là Nguyễn Văn Tiến (sinh năm 1970, trú tại 55/10B3 Phạm Văn Chiêu, phường 12, quận Gò Vấp, TP.HCM) là một mắt xích quan trọng trong đường dây buôn bán trẻ em người nước ngoài dùng Việt Nam làm điểm trung chuyển.

Ngay trong chiều tối 9/5, lệnh bắt, khám xét khẩn cấp Nguyễn Văn Tiến đã được thực hiện tại nơi ở của tên này. Tại cơ quan điều tra, bước đầu Tiến khai nhận từng đưa trót lọt 5 chuyến với 19 trẻ em bị bắt cóc từ 5 đến 12 tuổi từ TP.HCM lên biên giới tỉnh Tây Ninh giao cho đồng bọn. Đến tối 9/5, ngoài hai đối tượng bị bắt khẩn cấp, C14B Bộ Công an đã câu lưu thêm 6 đối tượng khác để điều tra.

Như vậy, sau 30 giờ tiếp nhận tin báo, C14B Bộ Công an và Công an Thừa Thiên - Huế và Công an TP.HCM phối hợp giải cứu thành công 4 trẻ em người Trung Quốc phá đường dây tội phạm buôn bán trẻ em quốc tế quy mô lớn. Đó cũng là những giờ phút cân não thể hiện bản lĩnh, kinh nghiệm trong đấu tranh tội phạm của Công an Việt Nam.

Lộ diện một đường dây buôn trẻ em người nước ngoài

Ngày 10/5, trả lời thẩm vấn của cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Tiến, mắt xích quan trọng trong đường dây này đã khai nhận từng nhiều lần thuê taxi của Lê Trần Vinh (ngụ tại xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP.HCM) chở trẻ em Trung Quốc lên khu vực gần biên giới tỉnh Tây Ninh giao cho các đối tượng khác để tổ chức đưa sang Campuchia.

Tiến cho biết bắt đầu tham gia đường dây này từ cuối năm 2005 đến nay. Ngoài ra, Tiến còn khai ra một đối tượng tên L. sống tại TP.HCM chính là “đầu nậu” móc nối với các đối tượng tại phía Bắc và các đối tượng người Trung Quốc tổ chức đưa trẻ em vượt biên giới trái phép vào Việt Nam sau đó tiếp tục đưa sang Campuchia “bỏ mối” lại cho các “đầu nậu” buôn bán trẻ em.

Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, đối tượng L. là chủ một doanh nghiệp chuyên sản xuất loại thức uống đóng chai từ trái nhàu để xuất khẩu. Cũng trong ngày 10/5, cơ quan điều tra đã thực hiện lệnh khám xét nơi ở của một số đối tượng liên quan trong vụ án này. Về nguyên nhân vì sao 4 đứa trẻ sa vào đường dây này, cơ quan điều tra cho biết đang liên hệ với các cơ quan chức năng để làm rõ.

“Hành trình” của 4 trẻ em người Trung Quốc

- Ngày 3/5, ông nội của Lâm Dao Dao (14 tuổi), Lâm Trần Diệu (12 tuổi, em trai của Dao), Lâm Sâm Khuân (9 tuổi, em họ Dao) và hai người dì của Ngô Bằng Dương (11 tuổi) đưa 4 em đáp máy bay từ tỉnh Triết Giang đến TP Quảng Châu, sau đó lại tiếp tục đáp máy bay đi TP Nam Ninh. Tại đó, có một người phụ nữ Trung Quốc tên Anh đưa các em lên ô tô đi đâu không rõ. Ngày đi, 4 em chỉ có độc nhất một bộ áo quần đang mặc trên người.

- Ngày 5/5, sau nhiều lần thay đổi phương tiện từ ô tô đến xe gắn máy, cả 4 em được đưa lên xuồng đi trên sông sau đó lại được chở đi tiếp bằng xe gắn máy. Lúc này, bé trai Lâm Trần Diệu bị thương ở chân phải vì phỏng pô xe gắn máy.

- Ngày 6/5, người phụ nữ tên Anh lại giao 4 em cho một phụ nữ khác. Lâm Dao Dao cho biết người này biết nói tiếng Trung Quốc nhưng không thạo lắm, sau đó cả 4 em lại được giao qua người khác nhiều lần nữa. Chiều cùng ngày lại lên ô tô đi tiếp…

- Ngày 7/5, xe chở 4 em vào đến địa phận tỉnh Thừa Thiên-Huế, lúc này thông qua phiên dịch các em mới biết đã bị đưa sang Việt Nam.

- Ngày 9/5, sau nhiều ngày ngồi ô tô, 4 em vào đến TP.HCM, bị bọn buôn người đưa về địa chỉ 76/10/13 Nguyễn Sơn, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú giữ ở tầng 1 căn nhà này. Cùng ngày, tất cả được giải cứu.

Theo Nguyễn Vinh - Công Quốc/báo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.