Nghiệp vụ sư phạm không thể là môn phụ !

03/05/2006 22:36 GMT+7

Nghiệp vụ sư phạm (NVSP) - nội dung học đặc trưng của ngành SP - là một trong những tiêu chí quyết định hiệu quả và chất lượng của hoạt động dạy học. Tuy vậy, đào tạo NVSP vẫn chưa được quan tâm đúng mức theo vị trí và tác dụng của nó.

Tụt hậu

Tại hội thảo "Đào tạo NVSP tại các trường ĐHSP" do Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường ĐHSP TP.HCM tổ chức), TS Kiều Thế Hưng (Trường ĐHSP Hà Nội) nhận xét: "Khá đông SV cho NVSP chỉ là một môn phụ, kết quả NVSP không quyết định tới chất lượng và tiêu chí đánh giá việc tốt nghiệp của SV". Đây là vấn đề cần chú ý vì một SV có thể giỏi về kiến thức khoa học cơ bản, về lý thuyết phương pháp, nhưng không giỏi về NVSP cụ thể (kỹ năng nói, viết, phong cách SP, tổ chức giờ dạy, xử lý các tình huống SP...) thì khó có thể đánh giá đó là một SV giỏi theo tiêu chí của trường SP. Mặc dù đào tạo NVSP thực chất là đào tạo nghề SP, nhưng PGS-TS Võ Xuân Đàn (Trường ĐHSP TP.HCM) cho rằng lâu nay nội dung đào tạo NVSP vẫn quá nhấn mạnh tính chất ĐH ở các bộ môn khoa học cơ bản, coi nhẹ nội dung giáo dục SP. TS Huỳnh Văn Sơn nhận định: "Trong những năm qua, chỉ mới có chuẩn cho giáo viên tiểu học mà chưa có chuẩn cho giáo viên các bậc học khác nên việc đánh giá giáo viên và việc đánh giá hiệu quả rèn luyện NVSP của  sinh viên SP hết sức cảm tính, có khá nhiều bất cập". Đã có tình trạng một số trường chỉ quan tâm đào tạo kỹ năng SP mà chưa quan tâm đến thái độ SP và phẩm chất nghề nghiệp, giảm tiết NVSP, việc rèn luyện các bộ môn NVSP bị buông lơi... Thật bất hợp lý nếu như sinh viên SP không biết chuẩn của giáo viên để rèn luyện, không có kiểu mẫu để noi theo vì nhiều giảng viên vẫn còn quá nặng lý thuyết, e ngại thể hiện bằng những giờ lên lớp cụ thể!

Trong khi chương trình phổ thông thay đổi liên tục thì việc đào tạo NVSP ở các trường ĐH-CĐ vẫn phải bám theo chương trình khung lâu đời của Bộ GD-ĐT đưa ra, nhiều nội dung đã bị tụt hậu so với đà tiến triển của xã hội. Thạc sĩ Đoàn Thị Thanh Tuyền (Trường CĐSP TP.HCM) nói: "Được giao giảng dạy các bộ môn NVSP, có mấy giảng viên chịu khó xuống các trường phổ thông để hiểu thực tế, thấy hết những khó khăn cũng như bất cập để bổ


Chuyển từ dạy học lấy thầy làm trung tâm sang lấy trò làm trung tâm là xu hướng chung của giáo dục thế giới

sung cho chương trình giảng dạy của mình?".

Cần phối hợp với trường phổ thông

Quyết định về "Chương trình rèn luyện NVSP thường xuyên" do Bộ Giáo dục ban hành năm 1985 được xem là hành lang pháp lý để thiết lập một mô hình đào tạo NVSP có hệ thống. Tuy vậy, qua hơn 20 năm, định hướng về đào tạo NVSP có những điều không còn phù hợp và cần có một quan niệm mới, hiện đại thích ứng với điều kiện và hoàn cảnh mới. TS Trần Đức Tuấn (Trường ĐHSP Hà Nội) cho rằng nền giáo dục thế giới đang chuyển biến mạnh mẽ theo các xu hướng cơ bản: chuyển từ dạy học lấy thầy làm trung tâm sang lấy trò làm trung tâm; chuyển từ nhiệm vụ truyền thụ kiến thức là chủ yếu sang coi trọng hình thành kỹ năng, phương pháp học tập và tự học cho người học; tăng cường hợp tác trong giáo dục và đào tạo.  

Nhiều giảng viên đề nghị cần có một cơ chế thống nhất trong sự phối hợp đánh giá năng lực nghề nghiệp của SV trong các đợt kiến tập và thực tập SP. TS Nguyễn Mạnh Hùng (Trường ĐH Đà Lạt) nêu lên tình trạng nhiều trường phổ thông cho điểm SV thực tập SP quá cao (toàn điểm 9 và 10) và đặt vấn đề Bộ GD-ĐT cần có những chỉ thị để các trường phổ thông đánh giá thật sát năng lực của SV. Nhiều ý kiến đề nghị cần có sự phối hợp nhiều hơn nữa giữa nhà trường phổ thông (nhất là các trường THPT) với trường ĐHSP trong việc xây dựng tiêu chí đánh giá các hoạt động kiến tập, thực tập của SVSP. Việc các giảng viên ĐHSP dạy mẫu cho sinh viên SP cũng được nêu lên như một yêu cầu bắt buộc trong quy trình đào tạo NVSP. Sau khi học lý thuyết, SV cần được "xem mẫu", được nhận diện và phân tích qua mẫu, làm thuần thục qua mẫu để hình thành những kỹ năng cơ bản của nghề, sau đó mới sáng tạo. Đối với việc phối hợp giữa trường SP và trường phổ thông, PGS-TS Nguyễn Văn Lộc đề nghị mời giáo viên giỏi ở các trường phổ thông tham gia vào tiến trình đào tạo, tăng cường thời gian SV đến làm việc tại trường phổ thông (từ 6 tháng đến 1 năm) để được học nghề và giáo viên phổ thông dạy nghề cho SV.

Nhựt Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.