Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Phải làm bằng được việc bỏ phiếu tín nhiệm

04/05/2006 00:11 GMT+7

Ngày 3/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp, thảo luận về dự án Luật Tổ chức QH. Tại cuộc họp, Chủ tịch QH Nguyễn Văn An khẳng định phải cụ thể hóa quy định "bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu và phê chuẩn".

Theo ông, việc này "tuy có liên quan đến phương thức lãnh đạo của Đảng nhưng vẫn phải làm. Hiện nay, việc hướng dẫn phát phiếu, bỏ phiếu thế nào, hòm phiếu ra sao cũng chưa có thì làm sao mà thực  hiện được”. Cũng theo Chủ tịch QH Nguyễn Văn An, "chúng ta chưa làm cho các đại biểu QH có dũng khí, sự mạnh dạn để dám nói. Hơn nữa, thời gian qua cũng chưa có một ủy ban nào của Quốc hội đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm với anh A, anh B...".

Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Ngọc Thanh trong phần báo cáo cũng nêu: "Sau gần 5 năm có hiệu lực mà chế định bỏ phiếu tín nhiệm vẫn chưa được tiến hành lần nào", lý do là "điều luật này có phần thiếu tính khả thi do cơ chế xem xét bỏ phiếu tín nhiệm còn chưa rõ ràng và khó thực hiện". Theo ông Thanh, "việc này khiến nhiều đại biểu và dư luận bức xúc". Theo báo cáo của Văn phòng QH, hiện đang có nhiều ý kiến đề nghị nên coi việc bỏ phiếu như là một hoạt động bình thường, được tiến hành định kỳ (có thể thực hiện 2 lần trong một nhiệm kỳ QH). Ngoài ra, cũng có một loại ý kiến đề nghị vẫn giữ cách thức xem xét bỏ phiếu tín nhiệm như quy định hiện hành nhưng có thể giảm tỷ lệ đại biểu đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm với ai đó từ 20% hiện nay xuống còn 5 hoặc 10% và cần phải có hướng dẫn chi tiết về cách thức tiến hành để có thể hội đủ số lượng tỷ lệ đại biểu đề nghị bỏ phiếu.

Dự án Luật Tổ chức QH cũng dự kiến thành lập thêm 4 ủy ban là Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tư pháp (trên cơ sở Ủy ban Pháp luật của QH hiện nay); Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách (trên cơ sở Ủy ban Kinh tế - Ngân sách hiện nay). Theo Phó chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu, Ủy ban Pháp luật hiện nay phải đảm nhận quá nhiều công việc nên rất cần tách hẳn một ủy ban để tập trung cao độ cho công tác lập pháp là Ủy ban Pháp luật. Còn Ủy ban Tư pháp sẽ tập trung chủ yếu cho công tác giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp và giám sát việc phát hiện, xử lý tham nhũng. Về lý do tách Ủy ban Kinh tế - Ngân sách, theo ông Yểu, "quyết định ngân sách là chức năng, nhiệm vụ rất lớn và hệ trọng của QH bởi ngân sách suy cho cùng là tiền bạc của nhân dân, QH là người thay mặt dân để quyết định ngân sách. Luật Ngân sách đã quy định QH phải quyết định chi tiết và cụ thể về ngân sách chứ không phải quyết định nguyên tắc chung. Do đó, rất cần phải có một ủy ban chuyên lo về ngân sách để giúp cho UBTVQH và QH từ khâu chuẩn bị dự toán ngân sách cho đến khi chuẩn bị để UBTVQH cho ý kiến, trình QH và đặc biệt là tại kỳ họp toàn thể để QH có thể bàn, quyết định một cách chính xác, minh bạch, chi tiết về ngân sách"...

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.