Ngày Quốc tế lao động 1/5: Châu Á dậy sóng biểu tình

01/05/2006 23:18 GMT+7

Hôm qua, bầu không khí căng thẳng đã bao trùm một số quốc gia châu Á khi người lao động tổ chức các cuộc biểu tình nhân ngày Quốc tế lao động.

Hai điểm nóng nhất tại châu Á vào hôm qua là Indonesia và Philippines. Đối với những người lao động tại Indonesia, ngày lễ 1.5 là dịp để họ một lần nữa yêu cầu chính phủ xem xét lại kế hoạch sửa đổi luật lao động mà họ cho rằng sẽ làm tổn hại đến quyền lợi của người lao động. Theo dự luật mới sẽ sớm được trình lên Quốc hội, chủ doanh nghiệp có thể thuê lao động đến 5 năm mà không cần ký hợp đồng dài hạn cũng như cắt giảm các khoản tiền trợ cấp thôi việc mà doanh nghiệp phải trả cho người lao động. Quá bức xúc trước viễn cảnh quyền lợi của mình bị xâm phạm, có đến 100 ngàn người kéo đến dinh Tổng thống, Phó tổng thống, Hạ viện... tay giơ cao các băng-rôn buộc tội Tổng thống Yudhoyono là kẻ thù của người lao động. Khoảng 21 ngàn cảnh sát đã được điều động đến những khu vực nhạy cảm trên để ngăn chặn bạo động bùng phát. Trong khi đó, đại sứ quán các nước và các công ty yêu cầu những người nước ngoài hãy tránh xa khu vực biểu tình.

Tại các châu lục khác trên thế giới, hầu hết những cuộc biểu tình và tuần hành nhân ngày 1/5 diễn ra trong không khí bất bạo động, trong đó số người tham gia biểu tình tại Nga là 25 ngàn người, Belarus hơn 1 ngàn người, tại Đức hơn hàng chục ngàn người...

Bầu không khí tại quốc gia láng giềng Philippines cũng không kém phần ngột ngạt. Cảnh sát thủ đô Manila được đặt trong tình trạng báo động cao do quan chức chính phủ lo ngại sẽ lặp lại cảnh tượng hồi năm 2001. Khi đó, những người ủng hộ cựu Tổng thống J.Estrada ập vào dinh tổng thống yêu cầu bà G.Arroyo trao trả quyền lực cho ông này. Quân đội chính phủ và cảnh sát trang bị dùi cui và khiên đã ngăn chặn không cho đoàn biểu tình gồm hàng trăm người đến dinh tổng thống vì các lý do an ninh. Còn tại Sri Lanka, chính phủ ra lệnh hủy bỏ mọi hoạt động tuần hành trong ngày lễ lao động để tránh trường hợp quân nổi dậy Hổ Tamil có thể trà trộn vào các đám đông biểu tình để gây bạo loạn. Tại Campuchia, hàng ngàn cảnh sát đã đứng đầy trên các đường phố ở thủ đô Phnom Penh để ngăn chặn các cuộc biểu tình do phe đối lập khởi xướng. Trong khi đó, hàng ngàn công nhân ở các nhà máy dệt Bangladesh đổ ra đường, yêu cầu Mỹ và châu u giảm thuế suất đánh lên mặt hàng dệt may của nước này. Người lao động Hàn Quốc lại yêu cầu một sự đối xử bình đẳng và đảm bảo quyền lợi cho tất cả người lao động và tuyên bố sẽ cản trở một kế hoạch của chính phủ trong việc đàm phán để thành lập khu vực tự do thương mại với Mỹ. Tại Nhật Bản, các cuộc biểu tình cũng thu hút đến 300 ngàn người tham gia. Trong khi đó, người Thái Lan đề nghị chính phủ tăng mức lương tối thiểu lên 25%.

Thụy Miên
(Theo AP, JP, BBC)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.