Lời hứa vàng

28/04/2006 01:04 GMT+7

“Tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng và cá nhân tôi xin hứa với đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước sẽ phát huy dân chủ, trí tuệ, đoàn kết, thống nhất, nêu cao ý chí cách mạng, đạo đức và tinh thần trách nhiệm, làm hết sức mình để làm tròn nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, vì sự phát triển bền vững của đất nước”.

Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã trịnh trọng tuyên bố như vậy trong lễ hội chào mừng thành công Đại hội lần thứ X của Đảng tổ chức tại Hà Nội ngày 25.4.2006. Đây là một lời hứa có ý nghĩa trọng đại, khẳng định quyết tâm của tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng và của cá nhân Tổng bí thư.

Lời hứa này được đồng bào trong và ngoài nước trân trọng như một lời tuyên thệ. Còn nhớ trong lễ bế mạc Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào tháng 8.1945, Hồ Chủ tịch đã thay mặt Đại hội đọc lời thề trước trời đất thiêng liêng và linh hồn dân tộc bên cạnh một tảng đá lớn (ngày nay vẫn được nhân dân địa phương gọi là "Hòn đá thề"). Sau đó vào tháng 1.1946, Hồ Chủ tịch lại đọc lời tuyên thệ của Chính phủ mới trước quốc dân đồng bào. Những lời thề năm ấy đã được thực hiện bằng mồ hôi nước mắt và máu của cả dân tộc, từ vị Chủ tịch cho tới người dân thường, để đất nước ta có được ngày hôm nay, đàng hoàng to đẹp hơn.

Hy vọng rằng lời hứa (cũng như một lời tuyên thệ) lần này của tập thể lãnh đạo Đảng cũng trở thành hiện thực một cách vẻ vang để đất nước ta sẽ còn đàng hoàng, to đẹp hơn mười ngày nay.

Theo truyền thống văn hóa Việt Nam, thường cái gì là quan trọng nhất sẽ được đặt ở vị trí cao nhất, trước nhất. Phát huy dân chủ đã được Tổng bí thư đặt lên hàng đầu. Điều này thật là có ý nghĩa bởi vì: Ngày nay, hơn bao giờ hết, để phát triển và hội nhập, để thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu, chúng ta cần phải huy động sức mạnh của toàn dân tộc; muốn huy động được sức mạnh của toàn dân tộc thì phải đoàn kết, thống nhất; đoàn kết, thống nhất chỉ có thể đạt được nếu có đồng thuận dân tộc; muốn có đồng thuận dân tộc thì trước hết phải phát huy dân chủ. Thiếu yếu tố dân chủ thực sự thì trước sau cũng sẽ lụi tàn. Rõ ràng là chúng ta đã đạt được rất nhiều tiến bộ trong việc phát huy dân chủ trong chính trị, kinh tế và xã hội. Nhưng cũng rất rõ ràng như thế nào là chưa đủ, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tế cuộc sống đang vận động và phát triển hằng ngày hằng giờ. Chắc chắn vì lẽ đó mà Tổng bí thư đã đặt phát huy dân chủ lên hàng đầu.

Dân chủ là để cho dân có quyền được nói. Nhưng nói phải có người lắng nghe. Chúng ta vui mừng khi nghe Tổng bí thư chia sẻ với các nhà báo nhân dịp bế mạc Đại hội: "Trong chính trị, những đóng góp, thậm chí những ý kiến phê phán của nhân dân ngày càng được các cơ quan chức năng tiếp nhận để nghiên cứu xem xét. Tôi nghĩ ở đây không có sự tranh chấp quyền lực, có thể có ý kiến này kia khác nhau nhưng nhằm giữ vững đồng thuận để phát triển đất nước. Chúng tôi không chỉ muốn nghe những điều tốt, mà các cấp phải biết lắng nghe những ý kiến đóng góp thẳng thắn, thậm chí là gay gắt, từ đó tự rút kinh nghiệm cho mình, tạo sự đồng thuận xã hội. Đó là vấn đề quan trọng nhất".

Chúng ta tin tưởng rằng cuộc thảo luận chính trị sâu rộng trong thời gian vừa qua sẽ được Đảng khuyến khích tiếp tục mở rộng trên tinh thần khoa học và thực sự cầu thị cả sau kỳ Đại hội lần thứ X này. Tranh luận một cách dân chủ để đi đến đồng thuận là giải pháp khoa học và văn hóa nhất cho bất kỳ một xã hội văn minh nào. Muốn có đồng thuận dân tộc thì các cuộc thảo luận chính trị phải được mở rộng trên nguyên tắc tiên quyết là: "Đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết", lên trên tất cả mọi chủ thuyết và mọi lợi ích của các nhóm xã hội khác nhau. Dĩ cái bất biến là quyền lợi của dân tộc để ứng với cái vạn biến trong tranh luận là chìa khóa vàng dẫn đến đồng thuận.

Trong bối cảnh hiện nay của đất nước, phát huy dân chủ có ý nghĩa then chốt cho sự phát triển, vì vậy lời hứa trên đây của Tổng bí thư là một lời hứa vàng.

Chu Hảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.