Công nghệ đẻ mướn ở Ấn Độ

20/04/2006 23:00 GMT+7

Với chi phí thấp, đội ngũ y bác sĩ giỏi và hệ thống pháp lý tương đối dễ dàng, Ấn Độ đã trở thành thị trường lý tưởng cho các cặp vợ chồng vô sinh ngoại quốc tìm đến nhờ người mang thai hộ.

Vợ chồng Bobby và Nikki Bains (người Anh) không từ chối bất cứ phương pháp sinh sản mới nào để giúp họ có con. Đông y, Tây y họ đã thử hết và cả xem bói, cầu nguyện. Hai vợ chồng cũng đã dán trên kính xe hơi của mình mẩu tin tìm người mang thai hộ với giá 18.000 USD. Xong, tất cả đều như muối bỏ biển. Sau 5 lần dùng biện pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thất bại và 24 tháng vô vọng tìm kiếm người "đẻ mướn" tại xứ sở sương mù, vợ chồng Bains cuối cùng đã tìm ra giải pháp hợp lý: thuê một phụ nữ Ấn Độ mang thai hộ. Sau khi đăng quảng cáo trên nhiều tờ báo Ấn Độ, họ đã tìm gặp được một phụ nữ Ấn sẵn lòng giúp đỡ.

Trường hợp của vợ chồng Bains là một phần trong ngành du lịch sinh sản đang nở rộ ở quốc gia đông dân thứ nhì hành tinh. Chi phí thấp, dịch vụ y tế chất lượng cao, luôn sẵn có những người hiến trứng và mang thai hộ, những điều này giúp Ấn Độ thu hút ngày càng đông các cặp vợ chồng đến từ Thái Lan, Đông u, Nga, Trung Quốc... Một thuận lợi lớn khác của Ấn Độ là luôn có sẵn đội ngũ bác sĩ thông thạo tiếng Anh. Theo thống kê của các bệnh viện sinh sản tư, số ca mang thai hộ ở quốc gia Nam Á này đã tăng hơn gấp đôi trong 3 năm qua. Và các bệnh viện tư ở đây cũng đang thực hiện ngày càng nhiều ca IVF cho người nước ngoài, vốn đã quá mệt mỏi với các kết quả thất bại và chi phí tăng cao tại quê nhà. Do đó, ngành công nghiệp "xuất khẩu trẻ sơ sinh" đã mang lại hơn 450 triệu USD/năm cho Ấn Độ. Đặc biệt, các cặp vợ chồng người Anh và Mỹ chiếm phần lớn trong dòng chảy người ngoại quốc vào nước này trong thời gian gần đây.

Các cặp vợ chồng vô sinh đến Ấn Độ phần lớn là vì chi phí chữa trị thấp và hệ thống pháp lý tương đối thoáng. Ở Anh, Cơ quan phôi thai sinh sản (HFEA) cấm việc chi trả tiền cho những người đẻ mướn. Trong khi đó, Hội đồng nghiên cứu y tế Ấn Độ cho phép những chị em mang thai hộ được đề ra mức "bồi dưỡng" (thường là bằng tiền) và các chi phí khác, nhưng gộp lại cũng chưa đến 5.400 USD. Chi phí cho việc mang thai bằng phương pháp IVF ở Anh rất đắt đỏ và quá phức tạp. Tại các bệnh viện tư, nơi thực hiện 70% ca IVF, chi phí có thể lên tới 18.000 USD. Các bệnh viện tư ở Ấn Độ cũng cung cấp dịch vụ tương tự nhưng giá chỉ vào khoảng 7.200 USD, đã bao gồm cả tiền vé máy bay và khách sạn. Trong khi các bệnh viện ở Anh chỉ cho phép bác sĩ cấy hai phôi vào tử cung thì Ấn Độ cho phép cấy 6 phôi cùng một lúc, vì thế, tỷ lệ có con ở Ấn sẽ cao hơn. Ngoài ra, việc hẹn gặp bác sĩ để chữa trị tại Ấn Độ không phải tốn nhiều thời gian như ở Anh hay các nước khác.

Tuy nhiên, thủ tục nhận con từ những trường hợp mang thai hộ có hơi phức tạp một chút. Do Hội đồng nghiên cứu y tế Ấn Độ chưa đưa ra bất cứ chỉ dẫn nào về các trường hợp trên nên các cặp vợ chồng liên quan đến vấn đề này phải xin nhận con theo luật pháp Ấn Độ. Và vì Ấn Độ không có tên trong Hiệp định xin nhận con nuôi quốc tế nên việc xin con nuôi ở đây không được công nhận theo luật pháp của Anh. Điều này có nghĩa là các cặp vợ chồng phải làm thủ tục xin nhận nuôi đứa trẻ thêm một lần nữa khi họ trở về Anh. Quá trình này có thể mất đến 2 năm. (MSNBC)

Châu Yên

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.