Khi ca sĩ nước ngoài hát nhạc Việt

21/04/2006 02:12 GMT+7

* Các ca sĩ Philippines nói gì về ca khúc Việt Nam? * Khán giả nghĩ gì ? * Ý kiến những người làm việc trực tiếp với ca sĩ nước ngoài Đối với các ca sĩ và nhóm nhạc nước ngoài, nói tiếng Việt đã khó mà hát tiếng Việt lại càng khó hơn. Ấy vậy mà không ít người trong số họ đã dám lựa chọn những ca khúc VN để đưa vào danh mục biểu diễn chuyên nghiệp của mình. Và họ đã chinh phục được khán giả trong và ngoài nước.

Tìm được nét duyên trong ca khúc Việt

Cho đến nay, nhắc đến ca sĩ nước ngoài thành công khi thể hiện ca khúc VN, không ai không nhớ đến Dalena. Cô gái tóc vàng, mắt xanh này đã bao lần làm say đắm lòng khán giả trong và ngoài nước khi thể hiện ngọt ngào những ca khúc như: Mưa trên phố Huế, Biển nhớ, Qua cầu gió bay, Thương về miền Trung, Đêm tàn Bến Ngự... đặc biệt là các ca khúc mang âm hưởng dân ca như Bông điên điển. Giọng hát ngọt ngào của Dalena có thể nói đã đạt đến trình độ... siêu đẳng mà nếu chỉ nghe thôi (không nhìn hình dáng) thật khó mà nhận ra cô là một người nước ngoài hát nhạc VN.


Các ca sĩ Amore, Cris, Jovi trong ca khúc Trống cơm - Ảnh: C.T.V

Không ít người thắc mắc, có lẽ Dalena có cha, có mẹ hoặc bà con họ hàng gì đó "dính dáng" đến VN. Tuy nhiên, sự thật thì cả gia đình cô hoàn toàn là người nước ngoài. Dalena sinh ra trong một gia đình có 2 gái, 5 trai. Năm lên 3 tuổi, cô theo gia đình đến Orlando-Florida (Mỹ) và được tiếp xúc với âm nhạc khi còn rất bé. Với sự giúp đỡ của người mẹ, từ nhỏ Dalena đã có dịp thể hiện mình trước khán giả của rất nhiều nhà thờ nơi cô sinh sống và cả những lớp học do mẹ cô phụ trách. 16 tuổi, Dalena bắt đầu bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp tại một sân khấu nhỏ của nhà hàng The Garden Spot Cafe-Mỹ.

Đã có rất nhiều nhà báo phỏng vấn Dalena là tại sao cô lại chọn nhạc VN. Dalena tâm sự, ban đầu mình chỉ thích hát thánh ca vì cô tin vào Chúa. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau khi tình cờ nghe được một số ca khúc VN trong các băng đĩa hải ngoại, cô như bị mê hoặc và đi đến quyết định tự học tiếng Việt. Một mình Dalena đi sưu tầm các băng đĩa và bỏ thời gian tập hát theo các ca sĩ Việt từ cách phát âm đến cách luyến láy. Có một điều khá lạ là cô thích chinh phục những ca khúc có giai điệu và tiết tấu thật phức tạp. Dalena nói: "Tôi đến với ca khúc Việt rất tình cờ. Hình như tôi có duyên với đất nước và văn hóa của các bạn. Tôi rất yêu mến ca khúc Việt và tôi cảm nhận được nét duyên từ trong các ca khúc mà tôi chọn thể hiện". Dự định cuối tháng 5 - đầu tháng 6 này, Dalena sẽ có mặt tại Việt Nam lần thứ 3 để phục vụ khán giả tại Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng và Nha Trang, nhưng do lịch diễn ở Mỹ nên Dalena phải dời lại vào cuối năm nay.

Không nổi tiếng như Dalena nhưng Tricia - cô ca sĩ đến từ Philippines, cũng đã chinh phục rất nhiều khán giả Sài Gòn trong thời gian gần 8 năm sinh sống và làm việc tại đây. Cho đến nay, khi nghe Tricia biểu diễn tại các quán bar, vũ trường Sài Gòn ít ai nhận ra cô là người Philippines. Tricia hát và phát âm tiếng Việt rất chuẩn do có cơ hội tiếp xúc với nhiều ca sĩ cũng như ca khúc VN. Hiện nay, do hợp đồng tại TP.HCM kết thúc, Tricia đã chuyển hướng ra hát ở các sân khấu Hà Nội. Và có lẽ cô sẽ chọn VN làm quê hương thứ hai của mình. Thành công trong các ca khúc Việt còn có thể kể đến Jennifer đến từ Mỹ. Cô là gương mặt rất quen thuộc của Sân khấu ca nhạc Bình Quới TP.HCM và sở thích của Jennifer là thể hiện các ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nghe cô thể hiện nhạc Trịnh, dù cách phát âm chưa thật hoàn chỉnh, song có thể cảm nhận được tận đáy lòng cô rất yêu mến các ca khúc VN.

Chọn nhạc VN để chinh phục khán giả


Dalena trong một lần biểu diễn tại sân khấu Lan Anh, TP.HCM - Ảh: C.T.V

So với cả nước, TP.HCM hiện nay là nơi có một lực lượng ca sĩ nước ngoài sinh sống và làm việc khá lớn. Họ có thể là ca sĩ solo và cũng có thể là các ban, nhóm nhạc đến từ các nước châu Á, đặc biệt là Philippines. Để chinh phục được khán giả Sài Gòn (nơi ca sĩ có những hợp đồng biểu diễn dài hạn) họ đang chọn thêm các ca khúc VN để đưa vào danh mục biểu diễn chuyên nghiệp. Với họ, dù đây là việc làm không dễ dàng chút nào nhưng xem ra họ rất thích thú vì có như vậy thì mới tạo nên những điều mới mẻ cho khán giả. Ngoài những ca khúc có tiết tấu trẻ trung vui nhộn, phần lớn ca sĩ nước ngoài thích thể hiện những ca khúc dân ca, đặc biệt là bài Trống cơm. Ca sĩ Melody (tại bar Seventeen) nói: "Ca khúc của các bạn có làn điệu rất đẹp, rất mượt mà. Mặc dù không dễ luyện tập nhưng chúng tôi vẫn cố gắng hết sức. Mong mọi người đón nhận".

 Nếu như bạn là người thích thưởng thức "món lạ" từ các ca sĩ nước ngoài mang lại tại Sài Gòn hãy thử tìm đến bar Seventeen (17 Tôn Đức Thắng, Q.1) để nghe nhóm Zarra (gồm 8 thành viên) và các ca sĩ Amore, Cris, Jovi, Ana, Melody đến từ Philippines biểu diễn Trống cơm, Sài Gòn đẹp lắm, Ly rượu mừng, Đoản ca xuân, Tết đến rồi... Bạn cũng có thể đến lầu 10 (bar Saigon-Saigon) khách sạn Caravelle từ 20 giờ 30 thứ ba đến chủ nhật hằng tuần để thưởng thức giọng hát của nhóm Sapphire (gồm 5 thành viên) qua các ca khúc Ước gì, Lời tỏ tình dễ thương, Mắt nai cha cha cha...; hay ghé qua lầu 5 An Đông Plaza để nghe 3 cô gái xinh xắn của nhóm A Stardust với nhiều ca khúc trẻ trung sôi động được cover lại từ các ca sĩ trong nước.

Các ca sĩ Philippines nói gì về ca khúc Việt Nam?

 


5 thành viên của nhóm Sapphire - ảnh: C.T.V

6 ca sĩ: Melody, Ana, Adeline, Amore, Cris, Jovi đến từ Philippines cứ mỗi tối là có show diễn tại bar Seventeen (Q.1, TP.HCM). Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ngắn với họ...

* Các bạn cảm nhận như thế nào khi hát nhạc VN?

  - Melody: Chúng tôi thật sự rất thú vị mặc dù ngôn ngữ của các bạn hơi khó với chúng tôi vì tất cả đều có dấu. Nếu chỉ cần hát sai một từ, hay hát không có dấu là có thể bị hiểu sai nghĩa.

* Thời gian tập một ca khúc VN của các bạn mất bao lâu?

- Adeline: Một bài chúng tôi tập khoảng một tuần và phải tập thật kỹ. Các bạn VN trong ban nhạc tại bar Seventeen đã giúp chúng tôi rất nhiều từ việc tìm CD đến cách phát âm và cả cách diễn tả bài hát trên sân khấu.

* Các bạn thấy khán giả cảm nhận về mình thế nào khi hát tiếng Việt?

-  Ana: Khách tại sân khấu Seventeen rất ngạc nhiên khi thấy chúng tôi bước lên trong trang phục áo dài, áo tứ thân và biểu diễn ca khúc VN. Chúng tôi sẽ cố gắng nhiều hơn để thể hiện ca khúc của các bạn một cách tốt nhất.

* Nói như vậy hẳn các bạn sẽ chọn nhiều ca khúc VN biểu diễn trong thời gian tới?

 - Amore: Có thể lắm. Ca khúc chúng tôi chọn chủ yếu là dân ca VN, vì nếu hát nhạc mới thì chắc chắn chúng tôi sẽ không thể hát hay bằng Mỹ Tâm rồi (cười). Đất nước các bạn có những làn điệu dân ca rất đẹp khiến chúng tôi thật khâm phục.

Trí Nam (thực hiện)

Khán giả nghĩ gì ?

Võ Anh Trúc (sinh viên khoa Đông phương Trường đại học KHXH-NV TP.HCM): "Với tôi, được nghe ca sĩ nước ngoài hát trên đất nước mình là đã vui lắm rồi, đằng này được nghe họ hát tiếng Việt nữa thì còn gì bằng! Tôi từng chứng kiến nhóm Sapphire của Philippines thể hiện ca khúc Mắt nai cha cha cha tại Saigon-Saigon bar khách sạn Caravelle, TP.HCM. Nói thật là cảm giác của tôi lúc đó thật lạ và cảm thấy hãnh diện lắm. Tôi mong được nghe nhiều ca sĩ nước ngoài chọn ca khúc nước mình vào danh mục biểu diễn của họ".

Nguyễn Hồng Hải (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.21, Q.Bình Thạnh, TP.HCM): "Thực tình ca sĩ nước ngoài hát tiếng Việt của mình nghe không hay bằng ca sĩ mình hát tiếng của họ. Song, cũng phải thừa nhận rằng hát tiếng Việt khó gấp 10 lần hát tiếng các nước khác. Chỉ tập nói thôi mà một số du khách nước ngoài khi đến nước ta đã phải "la làng" rồi huống hồ chi lại đi tập hát. Tôi được biết, các nhóm nhạc hay một số ca sĩ nước ngoài khi đến VN thường "xin" ban tổ chức cho hát một bài tiếng Việt để thay đổi không khí. Tuy nhiên, khi bắt tay vào tập bài hát thì họ... bó tay. Không ít người bỏ cuộc hay chỉ xin được hát nửa bài, hoặc hát một đoạn điệp khúc, như vẫn thường thấy trong các chương trình Giai điệu bạn bè”.

Trịnh Minh Hòa (khu Bàu Cát, P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM): "Khi một ca sĩ hoặc một nhóm nhạc chọn ca khúc tiếng Việt biểu diễn thì cũng có nghĩa là họ đã một phần thành công trong việc "lấy lòng" khán giả Việt Nam. Nhìn họ ngồi chăm chú tập luyện từng câu, từng chữ, từng cách phát âm của những bài hát VN mới thấy hết sự can đảm và sức kiên trì của ca sĩ nước ngoài dành cho ca khúc của chúng ta. Các ca sĩ dù đến từ một quốc gia xa xôi nào đó thì ngoài ca khúc mang đặc trưng của nước họ, các ca sĩ ngoại có vẻ thích được chọn một hai ca khúc của chúng ta. Tôi thật sự cảm phục trước những gì mà ca sĩ ngoại đã dành cho ca khúc Việt".

Quách Tấn Minh (đường Nguyễn Kiệm, P.3, Q.Phú Nhuận, TP.HCM): "Những lúc rảnh rỗi tôi vẫn thích đi "truy lùng" các quán bar, vũ trường có các nhóm nhạc, ca sĩ nước ngoài biểu diễn. Ở TP.HCM, có thể thấy đang có một lực lượng ca sĩ, nhóm nhạc nước ngoài rất hùng hậu sinh sống và làm việc. Họ được các khách sạn lớn "bao sân" từ A đến Z. Việc ca sĩ ở lại Sài Gòn biểu diễn lâu dài đòi hỏi họ phải tìm tòi những điều mới mẻ nhằm làm cho khán giả không nhàm chán mỗi khi tìm đến nơi họ biểu diễn. Chọn ca khúc tiếng Việt là yếu tố đầu tiên mà các ca sĩ nước ngoài đặt ra để đáp ứng sự mới mẻ nơi sân khấu họ biểu diễn hằng đêm. Thực tế, nghe ca sĩ ngoại hát tiếng Việt đôi lúc vẫn còn rất "phô" nhưng tôi vẫn rất thích. Họ đã lao động cật lực để cover lại một số ca khúc nổi tiếng của Việt Nam nên chúng ta cần ủng hộ dù  họ hát chưa hay...

 T.N (ghi)

Ý kiến những người làm việc trực tiếp với ca sĩ nước ngoài

Bà Thu Dung (Trung tâm băng nhạc Rạng Đông, TP.HCM)

"Tôi từng đưa Dalena về Việt Nam biểu diễn hai lần. Qua chương trình có Dalena hát, tôi thấy khán giả không chỉ thích thú mà còn ngưỡng mộ ca sĩ nước ngoài hát nhạc Việt. Nghe họ hát đôi lúc cách phát âm vẫn còn ngọng nghịu, chưa rõ ràng nhưng khán giả rất dễ châm chước bỏ qua. Qua một số lần làm việc, tôi thấy các ca sĩ nước ngoài khi chọn ca khúc tiếng Việt đều cố gắng thể hiện làm sao cho thành công nhất. Dù biết rằng họ diễn không hay bằng ca sĩ nước mình nhưng khán giả vẫn rất thích nghe. Phần lớn khán giả ủng hộ ca sĩ nước ngoài biểu diễn bài hát tiếng Việt từ dễ đến khó. Riêng bản thân tôi cũng cảm thấy rất vui và đang cố gắng tạo điều kiện cũng như xin giấy phép để một số ca sĩ nước ngoài (biết hát tiếng Việt) về Việt Nam biểu diễn thường xuyên hơn".

Anh Bảo Thạch (Bar Seventeen - 17 Tôn Đức Thắng, TP.HCM)

"Nghe ca sĩ ngoại hát tiếng Việt cũng gần giống như ca sĩ Việt hát tiếng Anh. Tuy nhiên, cảm giác của mình vui hơn nhiều một khi nghe họ hát tiếng Việt quá sành điệu. Có điều kiện làm việc với nhiều ca sĩ nước ngoài, tôi thấy họ đang muốn được trau dồi tốt hơn khi chọn ca khúc của chúng ta để biểu diễn. Họ tập luyện "khủng khiếp" khiến mình cảm thấy cần tạo điều kiện nhiều hơn để họ được làm việc một cách tốt nhất tại VN. Sự cố gắng cật lực cũng như tìm tòi những cái mới là muốn chứng tỏ cho chúng ta thấy sự nghiêm túc của họ trong nghề khi ký hợp đồng làm việc lâu dài tại VN".

Chị Ý Nhi (Saigon-Saigon bar khách sạn Caravelle, TP.HCM)

"Chọn ca khúc tiếng Việt trước tiên ca sĩ nước ngoài muốn được gần gũi với người dân chúng ta. Khán giả nghe họ hát phần lớn rất thích thú. Tôi biết một khi chọn ca khúc tiếng Việt họ phải tập dượt rất kỹ và rất khó khăn, nhất là vào những buổi trưa. Trong số những ca sĩ biểu diễn tại Saigon-Saigon bar, có người mới đến và cũng có người đến từ rất lâu. Cũng có người dẫn cả vợ, cả con sang Việt Nam để an tâm làm việc. Chọn ca khúc VN biểu diễn, ca sĩ nước ngoài sẽ dễ dàng chiếm được cảm tình của khán giả VN. Chúng ta cần ủng hộ họ!".

D.L (ghi)

Dạ Ly

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.