Lê Quang Đỉnh và góc nhìn về chiến tranh Việt Nam

19/04/2006 22:20 GMT+7

Họa sĩ người Mỹ gốc Việt Lê Quang Đỉnh có cuộc sống khá thầm lặng ở TP.HCM. Rất ít người biết anh đang được chú ý trong làng mỹ thuật quốc tế. Nhưng điều thú vị hơn, chính cảm hứng bền bỉ lạ lùng với quê hương xa xôi lại đem đến cho anh danh tiếng trên đất Mỹ.

Trong giới nghệ thuật Mỹ, Lê Quang Đỉnh chính thức ra mắt bằng một sáng tác... lạ đời, một thể loại tranh ghép chẳng giống ai: Đỉnh - Chân dung tự họa, miên man giữa những bức tranh  nổi tiếng thời Phục Hưng; lồng ngực phập phồng và đôi mắt Á Đông mở to đầy phấn khích, hào hứng đón nhận, hào hứng giao thoa trong mình cả hai dòng chảy nghệ thuật Á - u.

Họa sĩ Lê Quang Đỉnh

Đó là chuyện của hơn mười năm trước, khi Lê Quang Đỉnh đang là sinh viên khoa Mỹ thuật Đại học California niên khóa 1984-1989,  bắt đầu có chút tiếng vang, sẵn sàng nắm gọn bằng Master về nhiếp ảnh-mỹ thuật của School of Visual Art (New York) và đôi lúc giật mình bởi một cảm giác "lưu vong" rất mơ hồ. Chàng thanh niên tự trấn an bằng cách tham dự những buổi nói chuyện về chiến tranh Việt Nam, nhưng chưa thỏa mãn với những giọng điệu một chiều, những ký ức của các cựu binh Mỹ và hoàn toàn không có một tiếng nói Việt Nam nào. Đến thư viện, anh tìm được những thông tin phong phú hơn. Tác phẩm đầu tiên về chiến tranh Việt Nam ra đời:  Poster với một bên là con số 60.000 lính Mỹ thiệt mạng, một bên là 2 triệu người Việt ngã xuống trong cuộc chiến tranh mà Mỹ phát động tại Việt Nam. Sự chênh lệch khủng khiếp ấy hằn sâu một câu hỏi lớn của anh - đại diện cho những ai còn thao thức về cái gọi là "sự thực chiến tranh Việt Nam" do Mỹ công bố. Tiếp tục "cắm rễ" tại thư viện, tiếp tục sáng tác. Lê Quang Đỉnh hăm hở giãi bày những khám phá mới. Và cứ thế, chiến tranh Việt Nam dần trở thành tông chủ đạo trong "bảng màu" của anh, cũng gần như choán hết cuộc sống của anh.

Gặp Lê Quang Đỉnh ở Sài Gòn. Hơi bất ngờ vì anh khác so với hình dung. Chân chất, giản dị từ cách nói năng đến ăn mặc. Và ngay cả khi anh "thú nhận",  tiếng Anh thường xuất hiện trong đầu trước tiếng Việt thì đấy vẫn cứ là một anh chàng "rặt" Việt. Không ngạc nhiên khi anh kể, trở về Việt Nam năm 1993 với vốn tiếng Việt đã rơi rớt đôi chỗ, đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, thật kỳ lạ, những chống chếnh mơ hồ khi sống trên đất Mỹ lập tức tan biến. Mọi thứ xung quanh vẫn thân thuộc với chàng trai đã qua gần 20 năm xa quê. "Đây mới là đất nước của mình!". Anh sung sướng lặp đi lặp lại trong đầu điệp khúc ấy. Rồi, bỏ qua lời mời hấp dẫn từ một trường đại học mỹ thuật, từ đó đến năm 1996, Đỉnh sống thế này: hễ hầu bao rủng rỉnh là về Việt Nam; rỗng túi thì quay lại Mỹ kiếm tiền để... đi tiếp. Tới năm 1997, sau khi được một số gallery ở Mỹ tài trợ sáng tác hoàn toàn, anh mới ung dung sống dài dài tại Việt Nam. Suốt thời gian ấy, những tác phẩm về chiến tranh Việt Nam vẫn ra đều đều, không chỉ được các gallery ở Mỹ ưu ái mà ngày càng được giới mỹ thuật quốc tế chú ý. Năm 2003, lần đầu tiên Lê Quang Đỉnh xuất hiện tại Venice Bienale. Còn năm nay là 3 chương trình lớn:  Gwangju Biennale tại Hàn Quốc, Singapore Bienale và Asia Pacific Triannual (Australia).

Tượng trẻ em 2 đầu

Lê Quang Đỉnh có hai tác phẩm đặc biệt về chiến tranh Việt Nam: Tác phẩm thứ nhất là một sắp đặt gồm những bức tượng trẻ em Việt Nam với tấm thân dị dạng vì chất độc da cam, những chiếc áo dành cho những đứa trẻ có hai cái đầu hoặc chỉ có một tay hay không có chân, áo thun in số lượng chất độc màu da cam Mỹ rải xuống Việt Nam, số hec-ta đất đai Việt Nam bị nhiễm dioxin cùng những kết luận của một số tờ báo quốc tế có uy tín - bằng hai thứ tiếng Việt và Anh: "Nửa triệu trẻ em Việt Nam đã chào đời với di chứng của chất độc màu da cam!", "Sau chiến tranh, số trẻ song sinh dính liền nhau ở Việt Nam tăng 1.000% so với chỉ số bình thường!"...

Tác phẩm được trưng bày tại một trung tâm thương mại lớn của TP.HCM, dưới dạng... một gian hàng kinh doanh. Người chủ hàng, từ chỗ ngạc nhiên rốt cuộc cũng chấp nhận cho anh chàng kỳ cục thuê tạm mặt bằng trong vòng một tháng và được "bồi dưỡng" thêm một chuyến du lịch dài ngày. Gian hàng lạ lùng ấy thu hút rất đông khách nước ngoài. Không ít người Việt Nam cũng đến trò chuyện với "ông chủ" về chiến tranh và được tặng luôn một cái áo. Sau này, một số bảo tàng quốc tế ngỏ ý mua tất cả những sản phẩm còn lại để trưng bày trước công chúng, với giá cao hơn gấp nhiều lần giá khởi điểm nhưng họa sĩ vẫn chưa muốn chia tay đứa con tinh thần của mình.

Chiếc áo được thiết kế dành cho những đứa trẻ có 2 đầu

Tác phẩm thứ hai là một sắp đặt điêu khắc lớn với 9 đóa sen khổng lồ có bán kính 1m, chất liệu polyme. Trên đài sen là những em bé với kích cỡ như người thật, có hai đầu, hoặc 6 tay, 4 chân.... đứng, nằm, ngồi mô phỏng tư thế của nhà Phật. "Khi ngắm những đóa sen, tôi bỗng có một liên tưởng: hoa sen sống ngay giữa bùn nhơ mà đẹp đẽ, thanh khiết lạ kỳ. Những đứa trẻ sinh ra với dòng máu ngấm chất độc màu da cam cũng vậy, vẫn trong trắng và đáng yêu biết bao". Nụ cười của Đỉnh thật thanh thản. Và vẫn thế khi anh tâm sự, những tác phẩm gần đây của mình đã có thêm thông điệp về một đất nước Việt Nam mới với những vận động từ quá khứ đến hiện đại, những "tư duy" Việt Nam mới... Chợt nhận ra, sau những năm về sống tại Việt Nam, cái cách mà Đỉnh "trở lại" chiến tranh đã khác nhiều so với những góc nhìn phẫn nộ, dữ dội của giai đoạn trước. Đó chẳng phải là một ứng xử rất "Việt" hay sao!

Hương Lan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.