Bi kịch cuộc đời của nguyên soái Liên Xô M.Tukhachevsky

01/04/2006 21:30 GMT+7

Bài 2: Nạn nhân của một kế hoạch gián điệp hoàn hảo? Cái chết bi thảm Từ năm 1920 - 1930, Liên Xô phải liên minh với Đức để phát triển quân sự. Tướng Tukhachevsky, với tư cách là một trong những nhà lãnh đạo của quân đội Xô-Viết cùng một số tướng lĩnh khác đã thường xuyên có những cuộc gặp gỡ với phía Đức để trao đổi về tiến trình hợp tác hai bên.

Đến năm 1933, J.Stalin đột ngột tuyên bố đơn phương cắt đứt quan hệ này với Đức vì cho rằng người Đức đã bí mật chia sẻ các thông tin về bí mật quân sự của Liên Xô - Đức với Pháp. Tuy nhiên, Tukhachevsky và một số tướng lĩnh cao cấp khác kiến nghị rằng cần tiếp tục duy trì mối quan hệ này với Đức vì Liên Xô nên học tập và  chuyển giao các công nghệ quân sự tiên tiến hơn từ Đức. Một số tướng lĩnh Đức cũng muốn duy trì quan hệ này vì họ không muốn phải đối phó quân sự với Liên Xô trong trường hợp xảy ra chiến tranh giữa Đức với Tiệp Khắc. Trong khi đó, Tiệp Khắc cũng không muốn Liên Xô và Đức duy trì hiệp ước quân sự trên vì điều này sẽ khiến Liên Xô không bảo vệ được Tiệp Khắc khi họ bị Đức tấn công.

Sau khi Đức và Liên Xô cắt đứt hiệp ước quân sự, đã có những dấu hiệu cho thấy Đức đang có ý định nhòm ngó, chuẩn bị tấn công Liên Xô.

Theo một số tài liệu công khai và đặc biệt là cuốn Một thời là điệp viên của Stalin xuất bản năm 1939 của Krivitsty, một nhân viên KGB phản bội đã chạy sang phương Tây thì Nguyên soái Tukhachevsky chẳng qua chỉ là kết cục của một mưu đồ nhằm tiêu diệt ông và một số tướng lĩnh cao cấp của quân đội Xô-Viết trước khi Đức mở cuộc tấn công Liên Xô và Stalin, do vội vàng "nuốt" phải tin giả này, nên đã "sập bẫy" và loại bỏ đi vị nguyên soái  lừng danh của quân đội Xô-Viết bấy giờ. Theo các tài liệu này nói rằng: Cơ quan Nazi Đức đã nhận được nguồn tin từ một sĩ quan Bạch vệ Nga lưu vong tại Pháp phản ánh rằng tại Liên Xô đang có một âm mưu của một số tướng lĩnh cấp cao trong quân đội Xô-Viết nhằm lật đổ Stalin và người đứng đầu âm mưu đó là Nguyên soái Tukhachevsky! Sau khi xác minh hết sức cẩn thận, cơ quan Nazi đã khẳng định rằng tin trên chỉ là tin "vịt" mà thôi. Tuy nhiên, mặc dù chưa biết được ý đồ của việc đưa tin này từ phía Liên Xô nhưng Nazi đã vạch ra một kế hoạch phản gián mà họ cho là "tương kế tựu kế" để loại Tukhachevsky - nhà quân sự Xô-Viết mà Đức đánh giá sẽ là trở ngại lớn khi Đức tấn công Liên Xô. Theo kế hoạch này, các nhân viên Nazi đã tạo dựng ra một bộ hồ sơ siêu giả với nội dung thể hiện rằng Nguyên soái Tukhachevsky đã lợi dụng những chuyến đi thăm Đức theo hiệp định quân sự hai bên trước đây để cộng tác với Nazi và đang cộng tác bí mật với Đức tạo phản để lật đổ Stalin một ngày gần đây. Tin này qua nhiều nguồn "tin cậy" đã được tung vào Đại sứ quán Tiệp Khắc tại Đức để tới Tổng thống Tiệp Khắc Eduard Benes. Sau đó, bộ hồ sơ giả mạo này được viên thư ký của Benes bán cho Trưởng đại điện cơ quan tình báo Liên Xô tại Berlin với giá chỉ có 3 triệu rúp!

Theo đánh giá, tính toán của các nhân viên Nazi: Joseph Stalin là một nhân vật vĩ đại nhưng vô cùng cực đoan, mà càng vĩ đại và cực đoan thì càng nghi ngờ khi chiếc ghế quyền lực có dấu hiệu bị lung lay. Trên thực tế, Stalin có nghi ngờ Tukhachevsky có âm mưu "tạo phản" hay không, người ta vẫn chưa có kết luận chính thức được, nhưng có một kết cục đã đến đúng theo mong đợi của người Đức: ngày 22.5.1937, Nguyên soái Tukhachevsky cùng một số tướng lĩnh khác của quân đội Liên Xô đã bị bắt và bị đưa ngay ra tòa án binh quân sự Liên Xô. Ngày 11.6.1937, Tukhachevsky bị tước quân hàm nguyên soái và bị đưa ra trường bắn cùng một số tướng lĩnh "phản bội" sau đó một ngày.


Cuộc tuần hành tháng 11.1937.

Joseph Stalin đã rơi vào bẫy của Nazi Đức?

Ngày 31.1.1957, Chính phủ Liên Xô chính thức tuyên bố Tukhachevsky và một số đồng đội của ông đã bị xử bắn oan bởi kế hoạch làm suy yếu Hồng quân Liên Xô của cơ quan gián điệp Nazi Đức. Sau đó, cho dù muộn màng nhưng Nhà nước Liên Xô cũng đã khôi phục lại mọi quyền lợi của Tukhachevsky và những sĩ quan khác đã bị sát hại trong vụ Tukhachevsky. 

Vụ án Tukhachevsky đã được một số cơ quan tình báo, phản gián nước ngoài nhìn nhận như là một thành công của cơ quan Nazi Đức và là một thất bại lịch sử của Ủy ban an ninh quốc gia Liên Xô (KGB) lúc bấy giờ. Tuy nhiên, trong cuốn hồi ký mới nhất gần đây của tướng tình báo Liên Xô Pavel Xudoplatov có tên Những chiến dịch đặc biệt khi nói về vụ Tukhachevsky, ông chỉ đồng ý rằng cơ quan Nazi Đức đã góp phần trong việc đưa đến cái chết của Tukhachevsky và hàng nghìn sĩ quân Hồng quân khác nhưng không cho rằng Stalin đã "ăn" phải "quả lừa" từ phía người Đức. Tướng Xudoplatov cho rằng những điều mà tên phản bội Krivitsty đưa ra trong cuốn Một thời là điệp viên của Stalin là một sự bịa đặt và vụ án Tukhachevsky chẳng qua chỉ là sự bố trí của Stalin và Vorosilov để loại trừ những đối thủ đang đe dọa đến quyền lực của họ lúc đó.

Nhận định của nhà tình báo kỳ cựu này đã khiến người ta nhớ đến quan hệ giữa Stalin, Vorosilov với Tukhachevsky: Từ năm 1920, họ đã có mâu thuẫn từ cuộc chiến tranh Nga-Ba Lan. Khi đó, Tukhachevsky được giao trách nhiệm chỉ huy lực lượng Hồng quân tấn công Warsaw, tuy nhiên, lực lượng Hồng quân đã bị đánh bại ngay tại cửa ngõ Warsaw. Sau trận này, Tukhachevsky đã bị Stalin chỉ trích là một vị chỉ huy bất tài, ngược lại, Tukhachevsky cho rằng nguyên nhân thất bại của Hồng quân trong trận này là do Stalin và Vorosilov vì họ đã không đưa kỵ binh đến hỗ trợ lực lượng tấn công theo yêu cầu của ông. Mâu thuẫn này đã không bao giờ được giải quyết trong khi quan hệ Stalin - Vorosilov lại càng ngày càng gắn bó hơn. Đến những năm 30, Tukhachevsky còn dám đề nghị với Stalin là nên thay thế Bộ trưởng Quốc phòng Vorosilov vì không có đủ năng lực cần thiết để đảm đương công việc. Tukhachevsky và một số tướng lĩnh cao cấp đã đưa ra các đề án về việc phát triển ngành công nghiệp chế tạo xe tăng, hàng không dân dụng nhằm đáp ứng được các yêu cầu của đất nước khi có chiến tranh và phát triển kinh tế Liên Xô. Tuy nhiên, Stalin và Vorosilov tỏ ra không mặn mà với những kế hoạch thiết thực này. Điều khiến người ta ngạc nhiên là trong thời gian sau đó, Stalin lại có vẻ quan tâm đến các kế hoạch cải cách quân đội của Tukhachevsky: ông được trình bày trực tiếp và thẳng thắn với Stalin quan điểm của mình về việc thay đổi nhân sự trong quân đội, được Stalin khuyến khích và cho rằng đó là những đóng góp tích cực với tinh thần xây dựng. Do vậy, Tukhachevsky đã công khai đưa vấn đề này ra bên ngoài những cuộc trao đổi giữa ông với Stalin về việc thay đổi vị trí của một số tướng lĩnh quân đội, trong đó có cả việc ông tin rằng Stalin sẽ loại Vorosilov khỏi chức Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô (!!!). Tại thời điểm đó, vấn đề này đã tạo ra một tin đồn về khả năng thay đổi nhân sự trong Bộ Quốc phòng. Điều này đã dẫn đến cảnh "tình ngay lý gian" khi các công tố viên quân sự cáo buộc rằng có một "âm mưu lật đổ" do  Tukhachevsky chủ mưu đang được gấp rút chuẩn bị ở Moscow, trong đó có việc ông đang chuẩn bị cho lực lượng nhân sự mới sau khi lật đổ Stalin. 

Trong phiên tòa đặc biệt xét xử Tukhachevsky, người ta thấy xuất hiện một nhân vật trong số các thành viên đặc biệt của phiên tòa đã bỏ phiếu tử hình Tukhachevsky - đó là Saposnikov - người không "đội trời chung" với Tukhachevsky vì ông đã chiếm mất ghế Tổng tham mưu trưởng trước kia của Saposnikov. Sau này, khi Stalin kết thúc các cuộc thanh trừng, tại Bộ Tổng tham mưu chỉ có 3 nhân vật thoát chết, đó là Saposnikov, Budyonny và Ulric, vị chánh án phiên tòa này.

Tuy còn có rất nhiều vấn đề cần làm rõ hơn để có kết luận xác đáng về cái chết oan uổng của nhà chỉ huy quân sự tài ba một thời này của quân đội Xô-Viết, nhưng có một điều thuộc về lịch sử và sẽ không bao giờ có thể thay đổi được là việc xử bắn Tukhachevsky và một số sĩ quan Hồng quân khác đã chính thức mở màn cho một cuộc thanh trừng đẫm máu nhất trong lịch sử quân đội Xô-Viết: Ngay sau khi bắn Tukhachevsky, Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô  K.Vorosilov đã phát động một chiến dịch thanh trừng nội bộ và đưa đến một tổn thất vô cùng khủng khiếp cho Hồng quân Liên Xô: đã có 5 nghìn tướng lĩnh, sĩ quan quân đội Xô-Viết bị xử bắn vì bị buộc tội liên quan đến Tukhachevsky; khoảng 30 nghìn sĩ quan trong Bộ Tổng tham mưu bị tử hình qua các vụ thanh trừng, chiếm khoảng 80% tổng số sĩ quan của quân đội Xô-Viết lúc đó. Các cuộc thanh trừng này đã sát hại hầu hết các tinh tú của quân đội Xô-Viết, đó là: 3 trong số 5 nguyên soái, 13 trong số 15 tư lệnh tập đoàn quân, 57 trong số 85 tư lệnh phương diện quân, 110 trong số 195 sư đoàn trưởng, 220 trong số 406 lữ đoàn trưởng và tư lệnh tất cả các quân khu. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu đưa đến thất bại của quân đội Xô-Viết trong những ngày đầu chiến tranh thế giới thứ II khi quân đội Đức tấn công Liên Xô, mặc dù phía Liên Xô không hề bất ngờ, bị động trước cuộc tấn công này.

Kể từ khi Tukhachevsky được minh oan đến nay, Liên Xô cũng như Nga không hề đưa ra thêm một tuyên bố nào về vụ án Nguyên soái Tukhachevsky và lịch sử coi như đã chính thức khép lại với số phận đầy bi kịch của một thiên tài quân sự.

H.L

>> Bài 1: Thiên tài quân sự

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.