Bi kịch cuộc đời của Nguyên soái Liên Xô M.Tukhachevsky

31/03/2006 22:41 GMT+7

Bài 1: Thiên tài quân sự Ngày 12/6/1937, Nguyên soái Liên xô Mikhail Tukhachevsky, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng Bộ tổng tham mưu cùng 7 tướng lĩnh cao cấp khác của Hồng quân Liên Xô đã bị xử bắn sau cáo buộc tội phản quốc. Hai mươi năm sau, Tukhachevsky cùng những đồng đội của ông đã được Liên Xô tuyên bố vô tội và công bố rằng đó là kết quả của một âm mưu hòng làm suy yếu Hồng quân Liên Xô trước Thế chiến thứ II của cơ quan gián điệp Nazi (Đức). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều bí ẩn về cái chết của nhà chỉ huy quân sự tài ba một thời của quân đội Xô-viết trước đây.

Tukhachevsky sinh năm 1893 trong một gia đình quý tộc gốc Ba Lan tại Smolensk (phía tây Moscow). Ông đã tốt nghiệp Học viện quân sự Aleksandrovskye (1914) và tham gia chiến tranh thế giới thứ I với tư cách là trung úy cận vệ của lực lượng Semyenovsky. Trong khi tham chiến, Tukhachevsky đã bị quân Đức bắt sống và phải trải qua 4 lần vượt ngục mới trốn thoát khỏi ngục tù của quân đội Đức. Trong khi ở nhà tù Ingolstadt, Tukhachevsky đã gặp một nhân vật sau này đã trở  thành người có tên tuổi đi vào lịch sử nước Pháp, đó là Charles de Gaulle.

Sau cách mạng tháng Mười Nga, Tukhachevsky gia nhập đảng Cộng sản  Bôn-sê-vích, tham gia Hồng quân và nhanh chóng trở thành một vị chỉ huy quân sự đầy tài năng lúc bấy giờ. Trong cuộc nội chiến Nga, ông được giao nhiệm vụ chỉ huy lực lượng bảo vệ Moscow. Năm 1919, lực lượng Hồng quân dưới sự chỉ huy tài tình của ông đã chiếm lại


Vận dụng học thuyết quân sự của Tukhachevsky, Hồng quân Liên Xô đã lập nhiều chiến công vang dội

toàn bộ vùng Sibera từ quân Bạch vệ, góp phần đánh bại tướng Anton Denikin ở Crimea và dẹp tan các cuộc nổi  loạn do Kronstadt và Tambov cầm đầu.

Trong giai đoạn 1925-1928, Mikhail Tukhachevsky được giao giữ chức Tổng tham mưu trưởng kiêm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô. Trong những năm tháng này, ông đã đề xuất tiến hành một cuộc cách mạng về quân sự trong lực lượng Hồng quân, đưa lực lượng quân đội Xô-viết trở thành một lực lượng có kỹ năng chiến đấu hoàn thiện lúc bấy giờ. Tukhachevsky đã viết nhiều tài liệu tham khảo về chiến tranh hiện đại và trở thành nhà cải cách quân sự hàng đầu của quân đội Xô-viết. Trong thời gian này, Tukhachevsky đã đưa ra học thuyết quân sự "Chiến thuật chọc sâu" nêu rõ vai trò của lực lượng không quân đối với việc phá hủy các cơ sở hậu cần của đối phương. Khi đó, học thuyết này đã không được Stalin, Vorshilov và Budyonny hoan nghênh. Tuy nhiên, học thuyết này đã là nền tảng cho việc ra đời của bản Quy tắc chiến trường (1929) và được phát triển thành bản Cẩm nang về chiến dịch chọc sâu (1935). Học thuyết này của Tukhachevsky, dưới nhiều tên gọi khác nhau, đã được Hồng quân Liên Xô vận dụng một cách rất hiệu quả và đem đến những thành công vang dội trên một số chiến trường trong cuộc chiến tranh vệ quốc như trận KhalhinGol, nơi Nguyên soái G.Zuhkop đã vận dụng để đánh bại quân Nhật hoặc góp phần đưa đến những chiến thắng vang dội của Hồng quân tại chiến trường Kursk và Bagration. Có điều, những chiến thắng này của Hồng quân Liên Xô chỉ đến sau khi người đề xuất ra học thuyết quân sự nổi tiếng này đã bị tử hình vì bị buộc tội phản cách mạng trước đó nhiều năm.

Với nước Đức, kẻ thù truyền kiếp của Nga thì lại không hẳn là có cùng quan điểm với các nhà lãnh đạo Xô-viết lúc bấy giờ. các nhà chỉ huy quân sự Đức đều chung một quan điểm rằng Tukhachevsky chính là một "Napoleone" của nước Nga. Đây cũng chính là điều đã khiến cho Đức quyết tâm loại trừ Tukhachevsky bằng được trước khi xâm lược Liên Xô.

Năm 1935, do những công lao đóng góp với chế độ Xô-viết, Tukhachevsky đã được phong hàm Nguyên soái. Khi đó, ông mới 42 tuổi! (còn tiếp)

Hiếu Lê

(Bài 2: Nạn nhân của một kế hoạch gián điệp hoàn hảo?)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.