Chuyện người thợ rèn trên núi Hoàng Liên

18/03/2006 22:34 GMT+7

Chỉ bằng đôi bàn tay và những dụng cụ thô sơ, người Mông đã chế tạo ra những cây súng kíp nổi tiếng một thời. Suốt một tuần, chúng tôi lang thang trên dãy Hoàng Liên Sơn (Lào Cai) để tìm kiếm dấu vết của một nghề thủ công cổ truyền trên vùng biên cương hùng vĩ…

Gần một tuần lang thang khắp các làng bản vùng sâu của huyện Sa Pa, Bắc Hà, Simacai, Mường Khương, hỏi ai chúng tôi cũng chỉ nhận được câu trả lời đúng kiểu... người Mông: "Cái bụng tao có nghe nói nhưng chỉ là người già kể lại thôi, còn tận mắt thì chưa thấy ai làm súng kíp cả". Nghe vậy, "cái bụng" chúng tôi cũng thấy tiêng tiếc, cho dù vẫn biết việc sử dụng súng kíp là vi phạm pháp luật, và hơn nữa người dân cũng không còn nhu cầu bởi thú rừng ngày càng trở nên khan hiếm. Chúng tôi định quay về để lên vùng miền tây xứ Nghệ với hy vọng sẽ tìm được lò chế súng nào đó còn đỏ lửa thì thật tình cờ, khi bắt xe tới Thác Bạc (huyện Sa Pa) anh xe ôm người Mông tên Lồ A Túng bật mí: "Mình là thợ chế súng kíp à. Nhà mình có một lò chế súng đấy. Nếu thích, mai ra cổng chợ Sa Pa, mình đưa về nhà cho xem. Nhưng đường khó đi lắm, toàn dốc thôi".

Đúng hẹn, chúng tôi tới cổng chợ. Lồ A Túng đã chờ sẵn ở đó. Hai chiếc Minsk nổ máy chạy về phía xã Lao Chải. Con đường khúc khuỷu, uốn lượn quanh những quả đồi với vô số khúc cua tay áo. Một bên là vực thẳm, một bên là vách núi. Chúng tôi tỏ vẻ lo sợ: "Vực sâu quá". Lồ A Túng úp mở: "Đường này chưa ăn thua à. Lát nữa leo núi mới biết". Thấy chúng tôi ngồi nép vào lưng chiếc áo chàm, anh lái xe lại trấn an ngay: "Đừng lo! Ngày nào mình cũng chạy xe qua đây nên quen rồi".

Đến dãy núi dựng đứng trước mặt, chúng tôi ái ngại nhìn xuống con đường đất vắt vẻo lưng chừng đồi, nhiều đoạn dốc dựng đứng. Cứ tưởng cả nhóm sẽ gửi xe lại rồi đi bộ tới lò chế súng nhưng giọng Lồ A Túng đã oang oang: "Ôm chặt nha. Mình xuống dốc!", rồi bóp côn, nhấn cả phanh trước, phanh sau. Chiếc xe lao xuống, sống lưng chúng tôi lạnh toát, tưởng như sắp bị hất văng xuống mặt đường lổn nhổn sống trâu, ổ gà và vô số hòn đá nằm lăn lóc. Xe đổ dốc được một đoạn, Lồ A Túng ngả người sang một bên, đánh tay lái qua khúc cua tay áo. Người và xe chênh vênh trên mép vực sâu. Một hòn đá bị bánh xe làm bật tung, văng mất hút xuống vực, tay lái áo chàm của người Mông loạng choạng nhưng rồi lại nghiêng người cúi rạp lưng ôm cua vào lề cỏ!

Hết đổ dốc lại phải vượt dốc. Tiếng động cơ gầm vang một góc núi, khói đen tuôn qua ống xả khét lẹt mùi dầu. Xe nhảy tưng tưng do vấp phải đá. Hết đèo dốc lại đến những con suối nhỏ, đường trơn trượt, bánh xe xé nát mặt đường, đất đá bắn tung. Lồ A Túng đạp cả hai chân xuống đất giữ thăng bằng. Chiếc xe nghiêng bên phải, nghiêng bên trái, chậm chạp bò từng mét...

Cuối cùng cả nhóm dừng lại tại chân một quả đồi. Lò A Túng chỉ tay lên lưng gần đỉnh: "Nhà mình đấy. Để xe đây, leo lên đó chơi à?". Nhìn thì gần nhưng phải mất 20 phút leo đồi bằng cả "bốn chân" chúng tôi mới tới nơi.

Khoan lỗ kíp

Lò chế súng kíp của Lồ A Túng nằm nép mình trong rừng nứa sát nhà. Nói là lò chế cho oai chứ thực ra đó chỉ có một chiếc "pu" (ống bễ - PV), một bệ đe đặt trong một vuông đất nhỏ, không lều bạt, không người trông coi. Chúng tôi để ý tới những tàn than còn sót lại, chứng tỏ lò chế súng mới hoạt động cách đây không lâu. Lồ A Túng phân bua: "Cả khu này chỉ nhà mình là có bễ, có đe à. Thi thoảng dân làng vẫn cho tiền nhờ mình sửa cái cày, cái cuốc đó mà. Cán bộ hay đến vận động người Mông không chế súng kíp nữa. Dân làng ưng cái bụng nên nghe theo. Mình cũng đã tự nguyện nộp lại cây súng kíp cho cán bộ rồi đấy. Hôm nay các anh ở Hà Nội lên muốn xem lại cách làm súng kíp thì mình làm thử cho xem thôi à".

Lồ A Túng trở vào trong nhà, lát sau cùng vợ là Lý Thị Mảu gùi ra một thanh sắt tròn, dài gần 2m, chiếc kan pu (cần bễ - PV), đe, búa, kìm sắt và ít than củi. Lạ mắt nhất có lẽ là chiếc cần bễ. Đó là một thanh sắt dài trên 1m, một đầu gắn chặt vào chiếc tay cầm làm bằng sừng trâu lên nước bóng loáng, một đầu bằng miếng gỗ tròn bên ngoài phủ lông gà cho khít với ống bễ để tạo gió thổi bùng lò than. Lý Thị Mảu địu đứa con 8 tháng tuổi sau lưng, dùng 2 tay kéo cần bễ. Tiếng "bụp, phù", "bụp, phù" đều đều phát ra từ chiếc "máy tạo gió", than bén lửa đỏ rực. Lồ A Túng nhanh tay đưa thanh sắt đặc ruột dùng để chế nòng súng vào lò than. Đặt thanh sắt đỏ rực lên đe, dùng búa tán đều tay, Túng cho biết: "Ngày trước nòng súng thường được làm bằng cần lái hoặc nhíp xe ô tô nên rất vất vả. Bây giờ sẵn có thép cây, nó vốn đã thẳng sẵn nên việc luyện thép đã nhàn hơn, nhưng cũng phải mất nửa ngày mới xong. Mình cứ nung đỏ một đầu lên rồi lại đập bẹt đi để tạo phần đuôi nòng súng. Đó cũng là phần để gắn cái báng súng làm bằng gỗ cây xương cá vào".

Sắt luyện xong được chuyển đến công đoạn không kém phần phức tạp là khoan nòng. Lồ A Túng lại gùi hết đồ nghề vào trong nhà rồi lôi ra từ gầm giường một chiếc thang làm bằng tre gồm 5 bậc, cao chừng 2 thước dựng lên một cây xà ngang giữa nhà. Các bậc thang đều có đục những lỗ nhỏ thẳng hàng tăm tắp để cố định thanh sắt theo chiều thẳng đứng. Chàng trai người Mông trèo lên nấc thang cao nhất, cố định thanh sắt, 2 tay đặt lên giá khoan xoay đi xoay lại bằng một mũi khoan thô sơ. Mũi khoan ấy vốn chỉ là chiếc dũa nhọn bằng sắt tán dẹp và có cạnh sắc ở phần thân. Lý Thị Mảu đứng dưới vừa giữ chắc thang cho chồng vừa giảng giải: "Thông thường những người thợ phải thay phiên nhau làm việc cật lực liên tục trong 2 ngày trời mới xong một nòng súng đấy cán bộ à. Ngày trước bố tao với chồng tao khoan xong nòng súng lần nào cũng bị phỏng rát hoặc bị tróc, đau nhức mất mấy ngày, tao phải đi kiếm cái lá trên rừng đắp mới đỡ". Khoan được một lúc, A Tống lại cầm cây sắt nheo nheo mắt ngắm cho thẳng: "Cái khó nhất là phải khoan cho nòng súng thẳng tắp và tròn đều từ đầu này sang đầu kia. Súng kíp đơn giản lắm, chỉ có mỗi nòng và bộ phận đuôi súng để nhồi kíp. Nếu nòng không thẳng bắn sẽ không chuẩn, nếu khoan không đều chỗ dày chỗ mỏng có khi còn bị vỡ nòng, gây mù mắt".

Sau gần nửa ngày khoan nòng súng, Lồ A Túng xuống thang, tiến tới góc bếp cầm ra một chiếc khoan khác và nói: "Cái này là khoan tay, dùng để khoan lỗ kíp. Mày biết lỗ kíp để làm gì không? Để đặt kíp nổ vào đó". Lồ A Túng ngồi xổm, một chân kẹp chặt báng súng, đặt mũi khoan xuống, dùng tay kéo cần khoan... Nếu khoan nòng cần phải thẳng và đều thì khoan lỗ kíp đòi hỏi tỉ mỉ và chính xác đến từng milimét. Bởi lẽ phải làm sao lỗ chứa vừa kíp nổ, để chiếc cò đập vào thật chuẩn, tiếng nổ đanh, tạo áp lực đẩy đạn từ nòng bay ra. Chị Lý Thị Mảu tiếp tục giới thiệu "công nghệ" chế súng: những chi tiết còn lại như báng, quai... của súng kíp không khó lắm và đều được người Mông làm bằng tay, với những dụng cụ đơn giản như cưa, đe, búa, kìm sắt...

Khác với súng hiện đại là đạn đưa vào băng từ cuối nòng súng, thợ săn bằng súng kíp nhồi đạn từ đầu nòng đẩy lại và đặt kíp vào cuối nòng. Đạn bắn ra từ súng kíp có khả năng sát thương mục tiêu trong khoảng cách vài chục mét. Tùy vào thú rừng mà thợ săn dùng đạn ghém, đạn chế bằng bồ hóng, diêm sinh và tro than với hàng chục viên bi sắt hay dùng đạn bằng đoạn sắt to gần bằng ngón tay út để bắn thú lớn...

Ngồi bên những đồ nghề chế tạo súng kíp, Lồ A Túng cười hiền: "Tao làm cho mày xem thôi, chứ giờ người Mông hầu như không còn ai làm đâu, lò bễ chỉ để làm cuốc, xẻng thôi à". Trong bữa cơm chiều, uống cạn chén rượu cay đến cháy cổ, ông bố của Lồ A Túng trầm ngâm như cây lim già nơi góc rừng: "Cán bộ ở dưới Hà Nội lên xem thằng Túng chế súng kíp tao ưng cái bụng lắm. Bây giờ người Mông không làm súng nữa, mai này tao chết đi, thằng Túng cũng sẽ chết đi, sẽ chẳng còn ai biết làm súng. Tao mong cán bộ kiến nghị với các bác ở dưới cái bảo tàng gì gì ấy, hôm tao thấy trên ti vi, có cách nào đó để lưu giữ cách chế súng của người Mông. Phải lưu giữ nó để con cháu sau này biết, và người Kinh, người Tày, người Dao còn biết...".

Phóng sự của Quang Duẩn - Káp Thành Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.