Người Việt ở Đức: Nhọc nhằn mưu sinh

07/03/2006 11:32 GMT+7

2 năm qua, nền kinh tế nước Đức tăng trưởng không đáng kế… Kinh tế xuống dốc kéo theo những khủng hoảng về tiền tệ, việc làm và nhất là vấn đề tiêu dùng… Tình hình trên không chỉ ảnh hưởng đến những người dân bản xứ mà cả bà con Việt kiều.

Từ khi chuyển đổi đồng D-makt sang đồng euro, mọi cái đã gần như đắt hơn lên nhiều, nếu không nói là có những cái đắt gấp đôi. Theo thống kê và so sánh về mặt giá cả thì không có chênh lệch nhiều, hoặc thậm chí có nhiều mặt hàng còn rẻ hơn trước đây. Tuy nhiên, cảm nhận chung trong người dân Đức vẫn là sự quá đắt đỏ. Phải chăng vì số lượng người thất nghiệp tăng cộng với việc thu nhập kém tạo nên sự mất ổn định trong mức tiêu thụ của người dân?

Nền kinh tế chung của một đất nước quyết định tất yếu đến vấn đề nhu cầu tiêu dùng của toàn dân. Thu nhập thấp, nạn thất nghiệp làm cho nhu cầu tiêu thụ của người dân giảm hẳn, nhất là đối với người dân Đức vốn dĩ rất nổi tiếng trong vấn đề tiết kiệm. Sự ảnh hưởng chung đó sẽ là một nguyên nhân không nhỏ dẫn đến sự ảnh hưởng cơ bản đối với cộng đồng buôn bánh nhỏ người Việt. Đó là vì người Việt chúng ta nếu không tự hành nghề kinh doanh thì không còn con đường nào khác để tự ổn định thu nhập cho bản thân và gia đình.

Người Việt chúng ta về mặt tay nghề và tuổi đời hầu như phần lớn là không phù hợp với những tiêu chuẩn để được xét vào làm công nhân cho những công sở hay những hãng sản xuất tư nhân hay nhà nước trên nước Đức…(Ở Đức số tuổi đề được nhận vào các Cty hay hãng sản xuất là từ 18 - 35 tuổi). Đấy là một yếu điểm của người Việt trên nước Đức. Chính vì thế mà hầu như 90% người Việt Nam có giấy tờ cư trú hợp pháp tại Đức đều hành nghề kinh doanh. Người Việt kinh doanh đa phần những mặt hàng như: Hoa quả, bán hoa tươi, đồ ăn uống, quần áo may sẵn...

Năm ngoái và đặc biệt trong năm nay những hộ kinh doanh quần áo may sẵn gặp rất nhiều những khó khăn trong vấn đề tiêu thụ. Lượng tiêu thụ giảm hẳn trong năm nay vì những lý do rất đơn giản như: Thu nhập thấp, thất nghiệp, những hãng bán quần áo của các doanh nghiệp tư nhân lớn cạnh tranh một cách khốc liệt, hàng hóa sản phẩm của họ bán hạ giá, rẻ, lại đẹp.

Người dân Đức cũng không còn mặn mà với việc mua những áo quần hay tặng phẩm rẻ tiền tại các quầy bán hàng tặng phẩm và quần áo may sẵn của người Việt nữa, bởi họ tiết kiệm số tiền đó để lo cho bữa ăn hằng ngày, hoặc những công việc khác quan trọng hơn.

Hằng năm khi mùa Giáng Sinh đến là dịp mà các cửa hàng có cơ hội bán được rất nhiều hàng hóa. Người dân mua hàng hóa và đồ tặng phẩm để làm quà tặng cho nhau… Và vào dịp đó thường được nghỉ dài ngày nên mọi người thường mua nhiều hoa quả để  dành trong dịp này đề ăn dần, vì trong những ngày lễ đó các siêu thị cũng như những cửa hàng kinh doanh lẻ đều đóng cửa… Thế nhưng năm nay dân Đức cũng chỉ mua cầm chừng. Họ không còn có nhiều tiền hoặc không còn mặn mà với việc mua thức ăn dự trữ trong những ngày nghỉ lễ. Những hộ kinh doanh hoa quả, hay hoa tươi năm nay đa số đều thất thu so với năm ngoái và đặc biệt là những năm trước đây… Khó khăn chồng chất khó khăn, mưu sinh quả là gánh nặng của con người, nhất là người Việt xa xứ.

Người Việt xa xứ ngoài vấn đề kiếm tiền sinh sống cho bản thân và gia đình họ còn có một hậu phương cần giúp đỡ là bố mẹ, hay họ hàng tại Việt Nam… Họ vẫn còn đau đáu ngày trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, cuối đời mình phải có một cái gì đó để còn trở về. Đứng trước thực trạng khó khăn đó lại nảy sinh một vấn đề mới. Đó là áp lực cho tầng lớp cha mẹ và tầng lớp con cái, thế hệ thứ hai của người Việt trên nước Đức.

Áp lực đối với cha mẹ là làm sao nuôi dạy con cái mình nên người, học giỏi, sau này phải có nghề nghiệp vững chắc trên nước Đức, không phải lao đao như thế hệ cha anh. Thế hệ cha anh đã phải cực nhọc vì miếng cơm manh áo, nhất thiết thế hệ con em phải hơn hẳn thế hệ đi trước. Các cháu bây giờ tự nhiên phải chịu một áp lực to lớn từ phía cha mẹ trong việc học tập, phải cố gắng vượt bậc hơn để không phụ lòng cha mẹ mong muốn.

Trước diễn tiến xấu về việc làm ăn kinh tế nói chung, trong tương lai, trong vòng từ 3 - 5 năm vẫn cứ diễn tiến xấu như trên, tôi không biết rồi cộng đồng buôn bán nhỏ của người Việt Nam tại Đức sẽ đi về đâu?

Theo báo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.