Thuốc lá và sức khỏe con người

04/03/2006 12:13 GMT+7

Trong thuốc lá có 3.900 chất độc gây hại cho con người mà đứng hàng đầu là Nicotin (chiếm tỷ lệ 1-8% trong lá cây) với đặc tính kiềm nhẹ, dễ tan trong nước và trong mỡ, dễ vận chuyển trong máu và dễ hấp thu qua màng tế bào. Trung bình mỗi điếu thuốc lá cung cấp cho người hút chừng 1-3mg Nicotin cùng rất nhiều những chất độc khác như benzen, benzopyren, CO (chiếm 2-4% trong khói thuốc), NH3, dimethylnitrosamin, formaldehyt, hydrogen cyanid, crolein...

Nicotin làm mỏng niêm mạc dạ dày và giảm chế tiết dịch vị nên làm giảm sự ngon miệng và khả năng tiêu hóa. Khi hút thuốc - một số sản phẩm phụ gia bị cháy như acrolein, các amin, goudron, 3-4 benzopyren (tiền chất ung thư) và nhất là oxit carbon được hít vào gây nguy hại cho sức khỏe và gây nên nhiều loại bệnh tật (nguy cơ ung thư phổi tăng lên 10 - 20 lần và nguy cơ giảm thọ trung bình 5 - 10 năm), đặc biệt là các loại thuốc lá sợi đen. Khói thuốc lá phá hủy phế nang, làm giảm tính đàn hồi của phổi, giảm khả năng trao đổi oxy, trực tiếp kích thích gây co thắt đường thở, viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản, viêm phổi, gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và suy hô hấp mạn tính. Nicotin có tác dụng làm tim đập nhanh, làm giảm HDL cholesterol (loại có lợi cho mạch máu), gây co thắt mạch máu nhỏ và làm viêm lớp nội mạc mạch máu khiến sự lưu thông của máu càng bị cản trở hơn và gây ra chứng thiếu máu hoặc tắc nghẽn mạch máu ở tất cả mọi nơi, đặc biệt rõ hơn ở mạch máu não và mạch vành tim, làm tăng hoạt động của hệ thần kinh tự động ở tim và các mạch máu, làm giảm khả năng tình dục của đàn ông... Khói thuốc lá giúp tiền chất ung thư xâm nhập các nơi gây ra bệnh lý ác tính ở phổi (95%), tụy (91%), vòm miệng (56%), lưỡi, họng (50%), thanh quản (65%), bàng quang (70%), tuyến tiền liệt... Hút thuốc lá trong khi uống rượu giúp các hoạt chất gây ung thư xâm nhập vào cơ thể người dễ dàng hơn. Trên toàn thế giới, việc nghiện thuốc lá gây ra cái chết cho 4 triệu người mỗi năm và dự báo rằng vào năm 2025 con số này sẽ là 25 triệu ca tử vong/năm.

Để cai thuốc lá có hiệu quả, bạn nên:

1/ Dùng thuốc thay thế Nicotin (chứa một lượng nicotin rất thấp trộn lẫn nhiều chất dễ chịu khác) dưới dạng băng dán, kẹo, bình xịt, lọ thuốc ngửi... và có thể dùng thêm thuốc chống suy nhược Zyban. Các loại thuốc thay thế nicotin này chỉ dùng trong thời gian ngắn để cai thuốc, không dùng thường xuyên và lâu dài thay cho hút thuốc lá vì chúng cũng có những độc tính nhất định.

2/ Cần có sự giám sát và giúp đỡ của người xung quanh để vượt qua cơn thèm thuốc và không có nguy cơ tái nghiện.

3/ Hút thuốc giảm dần cả về số lượng lẫn thời gian theo một lịch trình đã định sẵn từ đầu ở những người có đủ quyết tâm và ý chí cai thuốc.

Các theo dõi về y học ở những người cai thuốc lá đã thấy:

+ Sau 20 phút từ khi hút điếu cuối cùng: huyết áp và nhịp tim trở lại ở mức bình thường.

+ Sau 8 giờ: hàm lượng oxy và CO trở lại trạng thái bình thường.

+ Sau 24 giờ: giảm các nguy cơ đau tim.

+ Sau 48 giờ: khứu giác và vị giác trở về gần như bình thường.

+ Sau 72 giờ: phế quản được nghỉ ngơi và bớt co thắt.

+ 2 tuần đến 3 tháng: hệ tuần hoàn và hô hấp được cải thiện tới 30%.

+ 1 đến 9 tháng: giảm khả năng bị lây nhiễm các bệnh ở đường hô hấp và vùng răng miệng - mũi họng.

TS Bùi Mạnh Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.