Y đức từ góc nhìn thực tế

25/02/2006 23:49 GMT+7

Ngành y đang phát động phong trào học tập tấm gương sáng của nữ bác sĩ anh hùng - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Trong quá khứ, chúng ta đã có bao lần "phát động" những phong trào học tập những tấm gương sáng trên nhiều lĩnh vực, nhưng thường kết quả chỉ là những báo cáo tổng kết mang tính hình thức. Đơn giản, vì cái gì đã khởi đi từ hình thức thì cũng kết thúc ở hình thức.

Tháng trước, tôi nhận được một bức thư của một số giáo sư, bác sĩ thuộc ngành y đã về hưu ở Hà Nội. Họ muốn làm một cái gì thực tế để có thể giúp đỡ cho vùng quê Phổ Cường nói riêng và huyện Đức Phổ nói chung phù hợp với chuyên môn của họ. Nên họ đã lập một dự án cụ thể về những gì họ có thể làm được và giúp được cho vùng đất anh hùng mà người học trò giỏi của họ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đã từng sống, từng phục vụ và đã hy sinh.

Xem dự án, tôi thấy những vị giáo sư, bác sĩ này rất thực lòng khi họ không muốn tỉnh Quảng Ngãi hay huyện Đức Phổ phải bận tâm về chuyện "kinh phí" cho những hoạt động của họ tại địa phương này. Họ tự tạo nguồn, xin tài trợ từ những nơi khác, xin cả VN Airlines miễn giảm vé máy bay cho họ khi từ Hà Nội vào Quảng Ngãi. Họ chỉ chờ những người lãnh đạo ngành y Quảng Ngãi gật đầu đồng ý là bắt tay thực hiện dự án. Nhưng như bức thư họ gửi cho tôi, dự án đã đưa hơn hai tháng, lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ngãi đã hứa sẽ gặp họ để bàn cụ thể cũng đúng hai tháng rồi, mà một cuộc gặp như thế vẫn chưa có. Chẳng lẽ lo sự nghiệp phục vụ y tế cho nhân dân, những người trong ngành y đã về hưu lại hăng hái hơn những người đương chức?

Đặt ngược tình huống, nếu đó là một dự án của nước ngoài viện trợ cho ngành y của tỉnh vài chục triệu USD, hay dự án của Nhà nước cấp cho ngành y vài trăm tỉ đồng, thì "tốc độ hưởng ứng" sẽ nhanh thế nào? Và y đức bắt đầu từ đâu? Tôi đã hỏi một bác sĩ trong ban lãnh đạo một bệnh viện tỉnh thì được biết, mỗi ca trực đêm của cán bộ bệnh viện được bồi dưỡng 35 nghìn đồng. Bệnh viện có 600 giường, và theo tiêu chuẩn chỉ có 70 suất bồi dưỡng/đêm. Nhưng trong thực tế, số bệnh nhân thường xuyên nhập viện là 900 người, vào thời gian cao điểm lên tới hơn 1.000 người, nghĩa là gần gấp đôi số giường bệnh viện có. Bây giờ, chuyện bệnh nhân phải nằm 2 người/giường, 3 người/giường là "chuyện thường ngày ở… bệnh viện". Và số bác sĩ, y tá, hộ lý phải ứng trực hằng đêm ở bệnh viện ấy là 100 người, và hơn nữa. Nhưng số tiền bồi dưỡng thì "vũ như cẩn". Vậy là phải san sớt, chỉ còn ngót 25 nghìn đồng cho một ca trực đêm. Đây chỉ nói về tiền bồi dưỡng trực đêm. Còn tiền bồi dưỡng một ca mổ, dù là đại phẫu, nghe ra cũng "hẻo lánh" vô cùng. Không phải tất cả những người phục vụ trong ngành y đều đặt chữ "tiền" trước chữ "đức". Nhưng với mức lương như hiện nay, mức bồi dưỡng (theo ba-rem nhà nước) như hiện nay, chúng ta thật khó để tính được kết quả tích cực cụ thể từ những cuộc "phát động phong trào" này nọ.

Ai cũng kêu chuyện "phong bì" trong các bệnh viện bây giờ, nhưng với số tiền thu nhập theo đúng ba-rem nhà nước hiện tại, thì những người phục vụ trong các bệnh viện làm sao đủ sức để "tái sản xuất" tiếp tục phục vụ? Nhân ngày Thầy thuốc VN, có lẽ nên đặt một cái nhìn thực tế hơn về y đức. Với đông đảo những bác sĩ, y tá hay hộ lý bình thường đang phục vụ trong các bệnh viện, nếu không có biện pháp tăng thu nhập chính đáng cho họ, thì tức là đã đặt họ vào một thế kẹt để những tệ nạn "phong bì" có cơ phát triển. Tại sao không "xã hội hóa" ngành y, bắt đầu từ các bệnh viện? Sao không tạo điều kiện cho các bệnh viện được nhận những khoản tài trợ công khai, minh bạch, lương thiện để tăng nguồn kinh phí bồi dưỡng cho các bác sĩ, y sĩ, y tá, hộ lý trực tiếp phục vụ bệnh nhân? Và kêu gọi một ý thức xã hội trong các công việc tài trợ này, để những doanh nghiệp đang ăn nên làm ra, những người giàu có, những nhà hảo tâm coi việc tài trợ cho các bệnh viện, các cơ sở y tế phục vụ người bệnh là việc làm cao đẹp mà mình đáng phải làm.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.