"Câu lâu chí"

20/02/2006 21:32 GMT+7

Hằng năm, mỗi khi gió bấc lao xao thổi là lúc người Hoa gốc Tiều (Triều Châu, Quảng Đông, Trung Quốc) bắt đầu ăn Tết Nguyên đán. Gọn nhẹ là họ nấu nồi chè xôi nước (ảnh) nhân ngày Đông chí. Cúng xong, cả nhà xúm xít bên nhau, gọi là "ăn ỷ", mừng năm mới. Món chè ngọt này được bọn trẻ con ưa thích vì mấy viên nho nhỏ xinh xinh cỡ ngón tay cái, dù không có nhân. Vừa nhẩn nha nhai từng viên chè vừa nghe tinh bột tươm tràn mặt lưỡi cùng vị béo của nước cốt dừa ngon như bơ, là hương vị rất khó quên.

Đáng chú ý là có nhiều gia đình còn làm thêm "câu lâu chí" để cúng. Nếp đựng trong cái bồng đem về dằn cho ráo nước rồi đem đi xay, trộn bột cho đều rồi đem nấu chín. Cũng giống như người Bắc làm bánh dày, bột chín được cho vào cối quết cho thật nhuyễn. Sau đó thoa dầu, ngắt từng cục, viên từng viên bánh nhỏ cỡ ngón tay cái. Lăn viên bánh trong cái tô đựng mè trắng và dầu ăn trước khi sắp vào dĩa, rắc đậu phộng rang đâm nhỏ lên, sau cùng chan nước đường nấu sền sệt. Món “câu lâu chí" ấy đến nay không còn là món riêng của bà con người Hoa mà đã lan rộng trong cộng đồng bà con người Việt, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Miếng bánh dẻo quến chân răng, buộc phải cố nhai, càng nhai càng cảm thấy thích thú...

Phương Kiều

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.