Trầm mặc với Mỹ Sơn

09/02/2006 22:58 GMT+7

Cách trung tâm TP Đà Nẵng 70 km về hướng tây nam, thánh địa Mỹ Sơn (Duy Xuyên, Quảng Nam) nằm ẩn mình giữa một thung lũng kín đáo. Đó là một quần thể gồm hơn 70 đền tháp được xây dựng để thờ phụng những vị thần bảo hộ cho các vị vua Chămpa nên từng được gọi là thánh đô.

Trong nhiều thế kỷ, người Chăm đã dựng nên một quần thể kiến trúc độc đáo, toàn bộ quần thể đền tháp này được xây dựng bằng chất liệu gạch nung và đá sa thạch. Từ tháng 12.1999, UNESCO đã công nhận phế tích này là một trong những di sản thế giới. Tại đây có thể bắt gặp hầu hết phong cách kiến trúc qua các thời kỳ của người Chăm. Mỹ Sơn là nơi phục dựng lại phần nào hình ảnh của một vương triều Chămpa từng rất hưng thịnh trên dải đất miền Trung. Những phù điêu, tượng đá tại đây thể hiện phần nào tín ngưỡng và khát vọng của người Chăm. Đó là chưa kể đến hàng trăm tấm bia đá khắc đầy ký tự cổ là những tư liệu khảo cổ vô cùng quý giá. Không quá hùng vĩ như các đền Ankor (Campuchia), cũng không bị ảnh hưởng nhiều bởi làn sóng du lịch như đô thị cổ Hội An, nhưng Mỹ Sơn vẫn cuốn hút được nhiều du khách bởi nét trầm mặc rất riêng của mình. Trong từng viên gạch, từng tấm phù điêu vũ nữ đang say múa, từng ngôi tháp cổ đổ nát... tất cả như đang kể cho khách phương xa những câu chuyện về một thời kỳ rực rỡ đã qua.

Có đến thung lũng này vào buổi hoàng hôn mới thấy được hết vẻ đẹp của phế tích Mỹ Sơn. Những ngôi tháp cổ bỗng chốc trở nên lung linh, huyền ảo trong nắng chiều và dường như các nàng vũ nữ Apsara lại tiếp tục vũ điệu ngàn năm của mình. Tiếng gió rì rào qua núi như bỗng trở thành nhịp trống baranưng bập bùng càng làm vũ điệu Chămpa thêm say lòng người. Tất cả những ảo tượng đó chính là món quà mà thung lũng huyền ảo này đãi khách phương xa.

Hàng ngàn năm trôi qua mà vẫn không làm phai được sắc đỏ thắm của viên gạch nơi tháp cổ. Ẩn đằng sau những ngôi tháp trầm mặc trong ánh chiều tà kia là một kỹ thuật xây dựng bí ẩn, nhuốm màu huyễn hoặc. Có nhiều giả thiết về chất kết dính giữa các viên gạch trên tháp Chăm nhưng vẫn chưa có được câu trả lời. Có người còn cho rằng những nghệ nhân Chăm xưa kia đã chất đất sét thành hình những tòa tháp rồi mới nổi lửa nung. Thậm chí, người dân vùng này còn nói rằng dưới chân những tòa tháp có những "bộ rễ" bằng gạch để hút tinh khí trong lòng đất mẹ nuôi thân tháp. Nếu chặt đứt "bộ rễ", tháp sẽ "chết khô" như một loài cây... Có phải vì những màu sắc huyễn hoặc này mà những ngôi tháp Chăm kia mãi mãi có một sức hút thật khó cưỡng lại với những ai đã từng một lần đến Mỹ Sơn. Thật và ảo, vàng son và đổ nát..., tất cả đã làm nên một tình yêu đắm say với Mỹ Sơn trong lòng du khách phương xa lạc bước vào thung lũng này.

Trung Bảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.