“Gây khó cho doanh nghiệp là cản trở đất nước phát triển”

09/02/2006 23:21 GMT+7

Ngày 9/2, Thủ tướng Phan Văn Khải đã dành một ngày làm việc với đại diện hàng trăm doanh nghiệp (DN), hiệp hội DN do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp VN tổ chức tại Hà Nội. Lãnh đạo một số bộ cũng tham gia trả lời nhiều ý kiến, kiến nghị của DN về những bất cập của cơ chế, chính sách, của đội ngũ cán bộ, công chức.

Thiếu hụt nhân tài trở thành vấn đề nóng bỏng

Khác với 7 cuộc gặp mặt thường niên trước đây, tại hội nghị lần này, các DN ít nêu những vướng mắc riêng mà tập trung vào một số khó khăn chung. Đề cập nhiều nhất là vấn đề "nguồn nhân lực". Ông Đoàn Văn Kiển, Tổng giám đốc Tập đoàn than - khoáng sản VN nói: "Cái thiếu nhất của chúng ta hiện nay là thiếu nguồn nhân lực giỏi". Ông Kiển nói: "Việc đào tạo tại các trường đại học hiện rất yếu. Giáo trình đại học in mới nhưng nội dung cũ mấy chục năm, lạc hậu rất nhiều so với cuộc sống, không cập nhật được thông tin, công nghệ mới. Đây là vấn đề rất lớn cần quan tâm xử lý. Nếu DN chủ động đào tạo nhân lực với chi phí cao thì lại gặp khó khăn từ cơ quan quản lý Nhà nước". Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội cơ khí VN cũng nói: "Trong một thời gian dài, chúng ta rất thiếu các kỹ sư trưởng, tổng công trình sư, kỹ sư... Hiện nay đã có đi thuê người nước ngoài nhưng chỉ có thể thuê vài vị trí và cũng không thể kéo dài tình trạng đi thuê mãi. Nhà nước phải có sự đầu tư mạnh mẽ cho khâu đào tạo, một việc mà DN không hoàn toàn tự làm được".

"Quy trình khởi sự đến khởi động kinh doanh còn phải qua 5 bước, 49 ngày, tốn phí hơn 2 triệu đồng là vẫn hơi nhiều với khu vực nông thôn và miền núi. Nên rút còn 3 bước, 15 ngày bằng việc hợp nhất khâu đăng ký kinh doanh và nhận hồ sơ đăng ký dự án; hợp nhất khâu cấp phép khắc dấu và khắc dấu; hợp nhất khâu cấp mã số thuế, mã số hải quan, cấp sổ mua hóa đơn và bán hóa đơn vào một đầu mối". (Ông Vũ Duy Thái, Phó chủ tịch Hiệp hội công thương TP Hà Nội)

Thủ tướng Phan Văn Khải nhận xét: "Hiện nay, học sinh đi du học rất nhiều nhưng trong nhiều cơ quan, DN Nhà nước thì lại không thấy người giỏi nhiều mà ở các DN nhỏ và vừa thì nhiều người lại nổi bật lên". Ông nói: "Phải xem lại việc sử dụng người thế nào". Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, các DN Nhà nước chú ý tạo điều kiện cho người có tri thức, trẻ tuổi được làm việc theo khả năng và trình độ. Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Tài chính nghiên cứu để xây dựng một chế độ đãi ngộ xứng đáng cho người có trình độ, giỏi chuyên môn.

Cán bộ, công chức Nhà nước còn thiếu trách nhiệm

Nhiều DN cho rằng, trong mấy năm qua, thái độ phục vụ DN tại các cơ quan hành chính Nhà nước đã được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, tại cuộc họp này, tuy không phản ánh các trường hợp cụ thể nhưng một số DN vẫn lên tiếng phàn nàn tác phong cán bộ, công chức nhiều nơi chậm chạp, gây cản trở cho hoạt động kinh doanh của họ. Ông Đoàn Văn Kiển nói: "Tốc độ giải quyết công việc của cán bộ, công chức Nhà nước hiện vẫn rất chậm. Chúng tôi mong muốn họ làm được đúng thời hạn quy định chứ chưa yêu cầu nhanh hơn". Ông Lê Khắc Triết, Phó chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn phản ánh tình trạng cán bộ, công chức hải quan một số nơi vẫn gây khó dễ cho DN như Hải quan cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) bắt các DN khi mang hàng sang Lạng Sơn giới thiệu tại triển lãm về phải nộp thuế, một việc trái quy định.

"Việc cấp điện vào các khu công nghiệp cho các hộ sản xuất khi đưa nhà máy vào hoạt động chưa đảm bảo tiến độ và công suất sử dụng điện như DN đã đăng ký". (Ông Phan Công Toàn, Tổng thư ký Hội cơ khí thành phố Đà Nẵng)

Ý kiến (bằng văn bản) của nhiều DN cũng nêu lên tình trạng cán bộ thuế, hải quan nhiều nơi vẫn sách nhiễu, gây khó khăn cho DN. Thủ tướng Phan Văn Khải nói: "Chỗ này, chỗ kia vẫn thấy nói thuế, hải quan tiêu cực, công an thu tiền mãi lộ. Cái này phải tiếp tục chấn chỉnh".  Nhiều DN vỗ tay. Thủ tướng nói tiếp: "Tôi rất hoan nghênh ngành thuế là thu năm sau tăng nhiều so với năm trước nhưng thấy ở dưới, vẫn có chuyện người làm thuế thì lại giàu lên bất chính từ việc thu thuế. Ví như mức thuế là 30 triệu đồng thì có khi chỉ thu 20 rồi lại cưa đôi, mỗi anh 5 triệu!".

Vốn, đất đai... tiếp cận ngày càng khó

Nhiều ý kiến DN phát biểu tại hội trường cũng như các ý kiến bằng văn bản đều cho rằng, việc tiếp cận vốn, đất đai... ngày càng khó khăn. Ông Trần Bắc Hà, Tổng giám đốc Ngân hàng đầu tư và phát triển VN nhận xét: "Đất đai ngày càng trở thành vấn đề bức bối, nhất là với khu vực kinh tế tư nhân". Ông Hà đề nghị: "Bộ Tài nguyên và Môi trường cần công khai trình tự, thủ tục thuê đất có thời hạn. Hiện nay,  nhiều DN rất vất vả. Theo quy định thường là giao đất cho DN trong thời hạn 90 ngày nhưng có nhiều dự án 8 tháng rồi, cấp phép rồi nhưng nay vẫn còn phải làm thủ tục". Ông Lê Khắc Triết cho rằng: "Giá cho thuê đất hiện nay quá cao. DN Nhà nước khó khăn, DN nhỏ và vừa lại càng không đủ sức mua, thuê. Thủ tục về đất đai cũng rất phiền hà. Thỏa thuận, mua đất của dân đã khó khăn, đến khi xong thì chính quyền địa phương lại không giải quyết, cứ đưa lên đưa xuống. Rất khó động viên phát triển sản xuất". Ông Triết và một số đại biểu DN khác cũng nêu khó khăn về việc thế chấp vay vốn ngân hàng do hiện nay ngân hàng thường chỉ cho vay 1/2 giá trị tài sản thế chấp. DN vừa và nhỏ thường phải vay ở "chợ đen", lãi suất cao... Tình trạng này khuyến khích cho nạn vay nặng lãi phát triển.

Tuy nhiên, cả Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực lẫn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy đều không cho rằng các DN hoàn toàn đúng. Theo ông Trực, đối với đất dành cho sản xuất, kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp... Nhà nước vẫn thu hồi và giao cho DN chứ không phải thỏa thuận với dân. Ông đề nghị các DN nên đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch. Thống đốc Lê Đức Thúy cho rằng, các DN nên coi ngân hàng như các DN, sở dĩ việc cho vay còn khó khăn là do nhu cầu vốn lớn nhưng khả năng cho vay của các ngân hàng còn hạn chế, chưa nói đến năng lực đánh giá hiệu quả dự án của cán bộ ngân hàng còn yếu, nguồn lực của  các ngân hàng chưa mạnh.

"Không để lọt một quy định nào gây khó khăn cho DN"

"Trong lĩnh vực bảo hiểm, DN tư nhân như chúng tôi mới ra đời rất khó khăn do tình trạng độc quyền ngành của các DN bảo hiểm Nhà nước..." (Bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần bảo hiểm AAA)

Kết luận cuộc gặp, Thủ tướng Phan Văn Khải đánh giá cao vai trò của cộng đồng DN, nhất là khối DN dân doanh đã có sự phát triển mạnh mẽ khi chỉ trong 5 năm qua đã đóng góp tới trên 39% vào GDP, 32% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Để phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng DN, phải khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí kinh doanh, chủ động hội nhập, vươn ra thị trường thế giới... Để hỗ trợ các DN, theo Thủ tướng Phan Văn Khải, Chính phủ coi cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho các DN phát triển sản xuất, kinh doanh là một nhiệm vụ trọng tâm. Thủ tướng cho biết, trong năm 2006, Chính phủ sẽ xây dựng, trình Quốc hội 60 luật, pháp lệnh và ban hành khoảng 300 nghị định... Ông yêu cầu các bộ, ngành, các cơ quan liên quan khi xây dựng các văn bản này bên cạnh việc thể hiện được "tư duy mới" thì không để lọt vào những quy định gây khó khăn cho DN. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương không được ban hành các quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay không có điều kiện vì đây là thẩm quyền của Quốc hội và Chính phủ. Thủ tướng cũng chỉ đạo tăng cường hoạt động của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư để các quy định tại 2 luật mới này đi vào cuộc sống. Các DN, nếu có vướng mắc, có thể phản ánh trực tiếp tới tổ công tác này để Thủ tướng có sự chỉ đạo. Thủ tướng nhấn mạnh việc tiếp tục bãi bỏ các quy định, thủ tục hành chính gây cản trở sản xuất, kinh doanh. "Nếu bộ, ngành nào, địa phương nơi nào gây khó khăn, cản trở DN chính là cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước", ông nói.

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.