Ăn Tết quê lạ

30/01/2006 15:14 GMT+7

Tôi không phải kiểu người xem xê dịch là một lẽ sống. Bây giờ chỉ dừng lại ở mức: năm nào mà không có chuyến đi ra khỏi tỉnh thì y như là Tết năm ấy bứt rứt lắm lắm. Kiếm chuyện đi để thăm thú bạn bè, nghe đâu đó có gì hay hay thì tận dụng vài ba cách để đến xem sao, đôi khi kết hợp công chuyện để “nhậu liên tỉnh” vài ngày,… thế cũng là quá đủ đầy lắm rồi, cũng như sông phải chảy từ nơi này đến nơi khác.

Nhưng ngồi chợt nghĩ, cái thú thích đi đó đi đây cũng vừa mới phát sinh lúc đi học xa nhà, nhất là cái hồi khăn gói về xứ mộng mơ Đà Lạt để học văn khoa. Thôi, khỏi kể, xứ sương mù mà cộng với máu văn chương, có khiếu làm thơ thì cái tính lãng đãng mây ngàn chỗ nào dung cho hết?! Hồi ấy thời bao cấp, nhà đứa nào ở dưới Trung cũng nghèo xơ, vậy nên cuộc sống sinh viên phải nói là vô cùng gian khó, ăn uống hầu như chả lúc nào thấy no. Thực sự, mỗi mùa sắp Tết là chúng tôi mong sao kiếm đủ “tư cách” mau mau lên xe về nhà để… ăn cho đã! Bởi gia đình đứa nào cũng lao lụng quanh năm, ngày thường mắm muối dưa cà nhưng dứt khoát đều phải dồn cho ba ngày Tết sao cho rôm rôm rả rả. Có nghĩa là bánh tét, bánh in, bánh thuẫn, thịt heo,… cho mấy đứa nhỏ ăn thỏa miệng.

Vậy mà có một mùa sinh viên, tôi đã không về quê ăn Tết. Cũng chẳng có chuyện gì giận hờn, cũng chẳng phải không còn cách để đưa thân về quê mẹ, chỉ vì cái máu ngông muốn ăn Tết… xa nhà xem sao. Giờ nghĩ lại cái Tết đó thật sự ấn tượng. Theo chân anh bạn H.T.D, tôi về vùng quê Bảo Lộc, nơi có những đồi chè mướt mát lúp xúp chạy tràn. Cái Tết ấy so với thời nay cũng còn thiếu thốn lắm nhưng không gian thật mới lạ đối với tôi. Nhất là tấm chân tình của những người xứ Bắc vào lập nghiệp; tôi ước chắc trên năm mươi phần trăm người ở đây từ các tỉnh miền Bắc vào. Hương vị Tết thì có rất nhiều cái khác ở quê tôi. Nhất là khi lần đầu tiên tôi biết thế nào là rượu làng Vân, thịt nấu đông, thịt cầy, bánh chưng (từ nhỏ, tôi chỉ biết bánh tét),… Người ngoài Bắc đến lập nghiệp đã xem Bảo Lộc là quê hương thứ hai, họ mang theo và chuẩn bị cho mình cả một miền văn hóa, thành ra quanh đi quẩn lại chỉ mỗi tôi là… tha hương. Thế mới thú(!). Suốt ngày tôi cùng anh bạn đi lang thang, dòm nơi này, hỏi chuyện kia,… mỗi thứ một tí, cái nào cũng lạ với tôi, chứ chẳng bị ai sai bảo dọn nhà, rửa lư hương hay là ngồi đóng cốm,… Chúng tôi lượn lờ theo những con dốc đất đỏ bám đế giày dép nằng nặng để đi uống chè xanh và rượu trắng, rồi ăn thứ gì cũng thấy ngon vì lạ miệng. La đà vài ly rượu rồi dốc mấy chén trà xanh, nhìn các cô gái hai má đỏ au, đường nét nở nang, tươi phới,… thằng trai tôi cứ muốn định cư luôn xứ này.

Vui lắm! Chộn rộn không thể nào tả được. Người Bảo Lộc có một nét sống vô cùng dân dã mà phóng khoáng riêng biệt. Đến giao thừa vẫn còn vui (vì say), thế nhưng gần sáng tôi không cách gì ngủ được. Chẳng phải vì tiết trời lạnh ngút (Bảo Lộc không thể lạnh bằng Đà Lạt), mà có lẽ vì một không gian lung thung, tiếng côn trùng, tiếng đêm, tiếng trời xuân,… cũng khác lắm ở quê mình? Tôi bắt đầu hiểu Tết không chỉ là dịp để thưởng thức các món ăn. À thì ra, ấy là vì cái lạnh tự trong lòng, cái lạnh của một người trẻ ham vui nhưng chợt chùng lại trong vóc dáng mơ hồ của một tình yêu quê cha đất tổ đất mẹ bắt đầu hiện diện tròn đầy,… Cái lạnh này cắt lòng nhất trong những độ xuân về. Có cái gì đó như là sự hối hận cứ rưng rưng trong mắt…

Thôi thì có đi xa mới biết cái ấn tượng không gian thưở thiếu thời, cái nét ăn, cách nói, cái sự ruột rà của nơi sinh ra,… sẽ lập trình cả một nếp nghĩ suy về sau, dẫu chắc ai rồi cũng đổi thay theo tuổi tác. Và một mùa Tết đến là thêm một dịp để kiểm chứng lại cái tình quê hương, cái nghĩa con người của riêng mỗi chúng ta.

Giáp xuân Bính Tuất 2006

Đào Đức Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.