Tôi yêu Việt Nam

19/01/2006 14:48 GMT+7

Sẽ kể bạn nghe về mối tình kéo dài 21 năm của tôi với một người con gái ngoại quốc. Nàng xinh đẹp tựa như một công chúa và quyến rũ đến nỗi bạn không thể đợi chờ đến giây phút được gặp lại nàng sau mỗi lần hẹn hò. Đôi khi, tính tình nàng “sáng nắng chiều mưa” khiến tôi hao tổn bao tâm trí. Tên nàng là Việt Nam.

Hơn hai mươi năm qua, tôi đã ngắm nhìn nàng từng bước trưởng thành, đầy sức sống. Cô gái nghèo năm nào giờ phổng phao với nhiều tiềm năng, quyết tâm và rất mực chịu thương chịu khó.

Tôi còn nhớ cái thuở ban đầu gặp nhau, nàng đã phải chịu nhiều bất hạnh sau chiến tranh, đối mặt với đủ điều khó khăn. Đầu những năm 80, nàng thiếu kém trầm trọng. Mua gạo Ấn Độ đem về nhà, nàng ăn cũng không đủ no. Thời đó, chỉ cần có một chiếc xe đạp Phượng Hoàng thôi, chứ không phải xe tay ga Piaggio như bây giờ, cũng khiến nàng tự hào lắm rồi. Nàng mang dép cao su làm từ vỏ xe cũ chứ không phải giày hiệu Armani. Nàng không chễm chệ trên xe hơi sang trọng, và có khi phải đứng chờ đến hàng tiếng đồng hồ mới có thể gọi được một cú điện thoại quốc tế. Làm gì có chuyện nàng đi thẩm mỹ viện, hay chưng diện quần áo hợp mốt! Nàng thường xuyên không có đủ điện và nước máy để dùng và chẳng thể tưởng tượng nổi khách sạn 5 sao nó như thế nào. Vào thời chiến tranh lạnh diễn ra căng thẳng, nàng  có rất ít bạn bè từ phương Tây. Khách du lịch


Tác giả cùng cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch

cũng hiếm khi đến thăm viếng nhà nàng.

Thực ra, Việt Nam là một đất nước rất may mắn. Việt Nam có nguồn tài nguyên phong phú, có rừng vàng biển bạc và đất đai màu mỡ. Việt Nam có tình hình kinh tế - chính trị  ổn định. Người dân ở đây tươi cười suốt ngày.

20 năm chẵn từ công cuộc đổi mới. Có quá nhiều sự thay đổi đã xảy ra. Việt Nam lớn mạnh và giàu có hơn trước. Thử nhìn Việt Nam bây giờ xem. Là nền kinh tế xếp thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng, là thị trường viễn thông có tốc độ lớn mạnh xếp thứ hai thế giới, là nơi xuất khẩu cà phê vào hạng nhì thế giới sau Brazil. Là quốc gia có lượng dầu lửa và khí đốt sản xuất ra hằng năm đứng hàng top ở khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia và Malaysia. Là một trong những nhà sản xuất lớn nhất ở khu vực trong các ngành dệt may, sản xuất giày dép và làm đồ gỗ. Từ chỗ khan hiếm xe hơi, Việt Nam nay đã có 10 nhà máy lắp ráp ô tô, mang các thương hiệu Mercedes Benz, BMW và Ford...

Bruce Dover là cựu giám đốc của hãng CNN tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trước khi gia nhập đội ngũ lãnh đạo của CNN vào năm 2000, ông là Tổng giám đốc điều hành của News Interactive, Công ty Truyền thông trên mạng của Tập đoàn News Corporation của Australia. Trước đó, ông giữ chức phó chủ tịch của tập đoàn này tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Cùng lúc, ông kiêm nhiệm chức Giám đốc điều hành của PDN Xinren Pty Limited - đối tác liên doanh của tờ Nhân Dân Nhật Báo của Trung Quốc. Dover khởi đầu sự nghiệp trên cương vị một phóng viên chính trị cho tờ báo Brisbane Telegraph. Năm 1986, ông đoạt giải Graham Perkin Australian Journalist của năm do những loạt phóng sự sắc sảo về châu Á. Đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1983 - Dover thành lập Công ty DoCo Technology - chuyên cung cấp các giải pháp và thiết bị sử dụng trong các lĩnh vực công nghệ cao. Trong giới truyền thông, ông còn được biết đến như một nhà quản lý giỏi và là người có công lớn trong việc phát triển mạng lưới thông tin của CNN tại châu Á. Ông cũng từng là nhà quản lý cấp cao của các hãng AOL Time Warner, STAR TV và hãng phim 20th Century Fox. (Q.N)
Bên cạnh những mỏ vàng, phần lớn chưa được khai thác, Việt Nam còn sở hữu nguồn dự trữ lớn về quặng bô-xít, than đá, dầu mỏ và khí đốt. Nhưng trong vòng 20 năm tới, tình hình có thể sẽ thay đổi và gây nhiều khó khăn cho Việt Nam. Để đi lên theo cách riêng của mình, Việt Nam phải tận dụng mọi nguồn lực phát triển để đem lại cuộc sống sung túc cho toàn thể người dân chứ không thể làm tăng sự chênh lệch giàu nghèo.

Cô gái Việt Nam của tôi đã vượt qua một chặng đường dài. Trước mắt nàng còn bao thử thách. Rõ ràng nàng có nét riêng độc đáo và nàng phải tự tìm ra con đường của mình để vươn cao và vươn xa. 

Rồi, nàng nghiền ngẫm. Làm giàu thì ai chẳng thích nhưng nàng tự hỏi không biết cái giá như thế nào. Có nên đánh đổi sự phát triển bằng nguồn nước và không khí bị ô nhiễm? Có nên để các công nhân làm việc trong những điều kiện thiếu an toàn chỉ vì lợi nhuận của một nhóm thiểu số? Có nên chấp nhận việc các thắng cảnh bị tàn phá, nhà nông và ngư dân bị di chuyển ra khỏi nơi định cư của mình chỉ vì những lợi ích kinh tế trước mắt? Nếu làm như vậy, chẳng khác gì một cô gái đẹp đã tự gây ra bao nhiêu vết trầy xước trên cơ thể mình.

Làm như phương Tây chăng? Phương Tây giàu của cải, vật chất đấy nhưng Việt Nam không thể bắt chước. Không thể hy sinh những giá trị về văn hóa và tinh thần để đổi lấy lối sống thực dụng. Đem lên bàn cân, bên này là xe Mercedes, điện thoại Nokia, đồng hồ Rolex, bên kia chỉ có mỗi 2 chữ "đạo đức" trong suốt. Bên nào "nặng" hơn?

Đôi khi, tôi nghĩ một bộ phận giới trẻ Việt Nam đã phần nào không ghi tạc công lao của những thế hệ đi trước. Họ quên tâm niệm rằng ông bà, cha mẹ và tổ tiên mình đã hy sinh chính mạng sống của mình để giành lấy nền độc lập và tự do cho con cháu đời sau. Họ thờ ơ trước những lời răn dạy mà họ cho là “cũ rích” về các đức tính kỷ luật, trung thành, kiên nhẫn, công bằng và trung thực. Trên thực tế, việc thấm nhuần những lời khuyên đó vẫn hữu ích cho những người trẻ muốn xây dựng cho mình một cuộc sống lành mạnh và thành công. 


Với một sĩ quan QĐNDVN

Có điều này tôi muốn nói với người yêu Việt Nam. Như một cô gái mới lớn lần đầu tiên được đi dự vũ hội, nàng sẽ mắt thấy tai nghe nhiều điều mới lạ và cả những lời đường mật. Nhớ giữ tinh thần kiên định, kẻo sa ngã trước cám dỗ và khéo léo từ chối lời mời của những kẻ lừa lọc. Trước nhiều lời đề nghị khi bước ra thế giới, Việt Nam cân nhắc lựa chọn. Nạn tham nhũng -  vốn gây trở ngại cho sự phát triển - cũng cần phải được loại bỏ ngay. Tuy không phải là quốc gia duy nhất đối mặt với vấn nạn này  nhưng Việt Nam có lợi thế so với các nước khác để diệt trừ nó bởi nhân dân Việt Nam có một nền văn hóa trọng chữ tín, danh dự và sự công bằng.

Tham nhũng làm xói mòn lòng tin. Tiền mất còn có thể kiếm lại, khôi phục lòng tin trong nhân dân thì không dễ. Luật pháp có thể được soạn thảo và ban hành nhưng lòng tin không thể bị áp đặt.

Dù gì đi nữa, Việt Nam vẫn là điểm đến đầy thu hút. Tài sản quý nhất mà đất nước này có vẫn là con người. Người Việt Nam tốt bụng, hiếu khách, có óc khôi hài sâu sắc. Họ thích trêu người khác nhưng cũng thích đôi khi tự giễu mình. Dân tộc Việt Nam sáng dạ, cần cù và ham học hỏi. Ngay cả người Nhật - khó tính và chuyên cần đến thế - cũng đánh giá cao khả năng làm việc và học tập của người Việt khi so sánh một cách tương đối với những người bạn đến từ Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan hoặc Indonesia. 

Trong thời điểm hiện tại, điều thu hút các nhà đầu tư vào Việt Nam nhất vẫn là giá nhân công rẻ. Nhưng nếu chỉ dựa vào điều đó thôi thì không đủ để đảm bảo Việt Nam trở thành một quốc gia thịnh vượng trong thế kỷ 21. Việt Nam cần tiếp tục quá trình hiện đại hóa, áp dụng công nghệ tiên tiến và nhanh chóng cải thiện các kỹ năng quản lý nếu không muốn bị tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh khác. 


Bruce Dover tác nghiệp trên đường phố Hà Nội
Công bằng mà nói, có lẽ nên ghi nhận những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được. Nhưng Việt Nam cũng cần phải thấy rõ những điểm yếu của mình. Nay đã có nhiều bạn bè, Việt Nam không nên e ngại khi nhờ cậy họ giúp đỡ và nên mở rộng hơn cánh cửa bước ra thế giới. Hiện nay, với trình độ phát triển công nghiệp ở mức thấp, Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong cuộc cạnh tranh toàn cầu. Có vẻ như khả năng ứng biến của Việt Nam chậm hơn so với nhịp độ thay đổi nhanh chóng của  nền kinh tế thế giới. Việt Nam cần phải tiếp tục cải cách nhiều hơn. Một vài sự thay đổi có thể khó khăn nhưng vẫn phải làm vì mục đích hội nhập. 

Để tranh thủ mọi sự giúp đỡ, Việt Nam cần phải huy động sức mạnh của 3 triệu Việt kiều từ Mỹ, Pháp, Úc, Đức, Canada...  Họ đã và đang cư ngụ trong "ngôi nhà toàn cầu" và nắm rõ những công nghệ, kỹ năng quản lý tiên tiến. Dĩ nhiên trong số những Việt kiều hồi hương vẫn có những người dường như chỉ thích phô trương và muốn gây ấn tượng theo kiểu "trọc phú". Nhưng vẫn còn đó rất nhiều trái tim luôn hướng về quê mẹ - bất kể hộ chiếu của họ có màu sắc ra sao.

Họ và con cháu, chắt, chít của họ là những người cần được chào đón nồng nhiệt để quay về kề vai sát cánh với đồng bào trong nước vì mục đích chung: giúp Việt Nam có đủ tư cách và tư thế hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới.

Tôi đến với Việt Nam đã lâu nhưng tình yêu dành cho nàng vẫn mặn nồng như thuở ban đầu. Chuyện yêu đương của chúng tôi đã trải qua bao phen thăng trầm. Lắm khi, tôi phát điên lên vì tính khí thất thường của nàng. Nàng thỉnh thoảng đưa ra những quyết định mâu thuẫn và luôn luôn thay đổi chúng. Có thời điểm sự kiên nhẫn trong tôi tan biến, tôi lên máy bay bỏ đi nơi khác. Nhưng rồi, ngay từ khi máy bay cất cánh, lòng tôi lại không muốn xa nàng. Và trong 21 năm qua, năm nào tôi cũng trở lại Việt Nam dù có hết  hờn rồi lại dỗi.

Bấy nhiêu thôi cũng cho thấy Việt Nam có sức lôi cuốn mạnh mẽ với tôi đến dường nào. Có lẽ năm nay - 2006 - tôi không đến thăm Việt Nam rồi ra đi như mọi năm nữa. Tôi quyết định đến ở lại và chung sống với nàng. Nguyện không bao giờ rời xa. 


Tác giả đi chợ miệt vườn

và thăm địa đạo Củ Chi

Bruce Dover (Bài viết cho Thanh Niên)

Người dịch: Quỳnh Như

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.