Cascadeur phá án - Bài cuối: Mưu sinh

17/01/2006 21:42 GMT+7

Không ít lần xuất ngoại "mang chuông đi đánh xứ người"; cũng không ít lần gây kinh ngạc cho những đoàn làm phim nước ngoài, trong đó có Mỹ, Pháp, Úc, Hàn Quốc, Hồng Kông... đến Việt Nam tìm cảnh quay và vai thế, nhưng cascadeur Việt Nam đến giờ này vẫn chưa thể sống được bằng tiền thù lao của mình, thậm chí đến một sân bãi tập luyện cũng không đủ tiền thuê.

Một pha khói lửa với hai người cháy giá 7 triệu đồng, "ba-rem" giá của cascadeur hiện nay là như vậy vì để thực hiện được pha đó thì phải tốn thêm 6 - 7 người nữa theo phục vụ, nhưng có hãng phim còn chê mắc, ép xuống thấp hơn. Nghe Phó chủ nhiệm Lữ Đắc Long kể một chuyện "cò kè" hợp đồng với một đạo diễn mà chúng tôi thấy xót xa. "Nó nói sao mắc quá vậy? Tôi bảo đốt hai người mà! Nó bảo mày đốt ít ít thôi, chừng một triệu thôi. Tôi bực quá nói thôi cũng được, cái này coi như giúp anh chơi thôi. Sau đó, tôi hỏi chị Thu Vân (võ sư, Nhà giáo ưu tú, Phó chủ nhiệm - PV), chị Thu Vân nhận. Lúc ra quay, tụi tôi đốt một chút ngay đít bà ấy, camera nó lia vô xong thì nói đạt. Đạt thì cho dập lửa liền. Nhưng cái bà Thu Vân này bả la lên, bảo tao chưa nóng, đóng vai người bị chết cháy mà chưa nóng, mặt mày còn tươi tỉnh thế này mà đã dập lửa cái gì! Rồi bà ấy bắt đốt lại, theo kiểu giá 3 triệu rưỡi mới chịu, thành ra coi như tặng không nó một pha đốt nữa", Phó chủ nhiệm Long kể.

“Thầy pháp” Lữ Đắc Long trong một pha phun lửa

Lần khác, một đạo diễn mới ra trường làm phim hành động có cảnh đánh nhau tập thể nhưng than thở là ít tiền, Phó chủ nhiệm Long nói thôi cứ làm trước rồi tính tiền sau. Đến khi nhận được mỗi người có 50 ngàn đồng, anh em cascadeur thắc mắc thì Phó chủ nhiệm Long cũng tỉnh rụi: "Ủa, nó có trả tiền hả?". Rồi như sợ chúng tôi chưa hiểu, anh giải thích thêm: "Mười thằng đánh nhau suốt cả buổi trên cầu, té xuống sông sình thúi ơi là thúi, mà nói bao nhiêu nó cũng kêu không có tiền thì thôi tặng luôn, ai dè nó đưa 500 ngàn".

Tiền thù lao rẻ, những phim hành động cũng thưa dần, giới cascadeur bắt đầu đối mặt với những thực tế khó khăn của chuyện cơm áo gạo tiền thường nhật. Phó chủ nhiệm Long kể, tiền quỹ ở câu lạc bộ cứ luôn bị âm, không còn khả năng trả tiền thuê sân tập trong khi chủ thì cứ bám riết để đòi nên Phó chủ nhiệm Thu Vân đã móc hết tiền túi ra đóng để cho các học trò và đồng nghiệp có chỗ sinh hoạt. "12 giờ trưa, anh em cascadeur tập luyện quần quật, mệt thở muốn không ra hơi vậy mà chỉ cần thấy vài ông tây bà đầm đứng bên ngoài nhìn vào là cô mời họ vào sân ngay, rồi bắt anh em biểu diễn cho xem với lý do biết đâu họ sẽ tài trợ cho mình", Phó chủ nhiệm Long kể.

Phó chủ nhiệm Thu Vân

Phó chủ nhiệm Thu Vân là một người giống như... từ trong truyện cổ tích bước ra vậy. Khi tiền túi của một nhà giáo nghèo cạn kiệt, bà lột luôn hết dây chuyền, bông tai, kể cả nhẫn cưới thời thanh xuân của mình để mang đi cầm lấy tiền nuôi câu lạc bộ. Nhưng rồi sức cầm cự yếu ớt ấy cũng không duy trì được lâu. Sân bãi tập bị thu hồi sau nhiều tháng không có tiền thanh toán, anh em cascadeur mất hẳn sân chơi nên lâm cảnh tan đàn. Bà một mình chống chọi với hai căn bệnh ung thư đêm ngày tàn phá cơ thể nhảy sang làm giám đốc trung tâm võ thuật cho Đại học dân lập Hồng Bàng để truyền nghề cho sinh viên. Phó chủ nhiệm Long thì tận dụng những mối quan hệ cá nhân thiết kế những "sô" đưa anh em cascadeur ra nước ngoài đóng thế, nhưng rồi cũng... chẳng được mấy "sô". Trong bối cảnh đó, Chủ nhiệm Dũng cũng quyết định mang lơ-gô cascadeur về cố vấn cho em gái xây dựng Công ty dịch vụ bảo vệ Dũng Cảm để tạo việc làm cho học trò và tìm cơ hội tiếp tục đào tạo lứa kế tục. Nhóm Nguyễn Quốc Thịnh thì sáp nhập với Phương "khói lửa" cho ra đời công ty Tháp Đôi và hãng phim cùng tên như chúng tôi đã nêu ở các bài trước, rồi cùng với Trần Như Thục dìu dắt câu lạc bộ cascadeur sinh viên của Đại học dân lập Hồng Bàng "dưới trướng" Phó chủ nhiệm Thu Vân. Hải "Long An" thì đứng ra điều hành Công ty bảo vệ B.A - Bảo An; Hoàng "mô tô" thì trở về khu Gia Long chăm lo cho cửa hàng mua bán xe gắn máy; Huỳnh Phú cũng lao vào kinh doanh...

Chủ nhiệm Dũng và các vệ sĩ cascadeur của Công ty Dũng Cảm

Lật lại sổ vàng của câu lạc bộ, chúng tôi ghi nhận những năm đầu mới thành lập thỉnh thoảng cũng có một vài nhà hảo tâm đóng góp từ vài ba trăm ngàn đến vài triệu đồng cho hoạt động của anh em cascadeur. Nhưng càng về sau thì càng thưa dần và đến thời điểm này thì hoàn toàn... tắc tị. Phó chủ nhiệm Thế mơ ước một sân tập chung để quy tụ anh em trở lại và thực hiện những kế hoạch đào tạo lớp kế tục mà anh và Chủ nhiệm Dũng ấp ủ nhưng xem ra cũng rất khó.

Trong một bài đăng trên số xuân Bính Tuất của tờ Tiếp thị Việt Nam vừa được phát hành, Phó chủ nhiệm Long đã viết về giới cascadeur của anh bằng một giọng văn buồn man mác. Biết là không có hậu, nhưng chúng tôi cũng xin trích một đoạn trong bài viết của anh, với tư cách là "người trong cuộc" để kết thúc loạt bài này: "...Để có thể theo đuổi nghiệp trót đam mê, nhiều cascadeur phải hy sinh đường học vấn, dở dang việc làm nên hầu hết đều khó có một tương lai vững chắc sau khi giải nghệ. Những diễn viên đóng thế thiện nghệ nhất hiện nay như Thanh Tuấn, Thiện Hiếu, Đăng Khương, Phù Lợi, Văn Long... hầu hết đều thất nghiệp vì không có chuyên môn hay bằng cấp gì để có thể hòa nhập vào đời sống bình thường...".

Võ Khối

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.