Những cựu binh Mỹ hướng về Khe Sanh

15/01/2006 22:28 GMT+7

Ngày 13/1, trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đến Hà Nội để chuẩn bị chuyến sang thăm Việt Nam của Tổng thống George W.Bush và Ngoại trưởng Rice. Nhân dịp này, cựu chiến binh Mỹ đề xuất ông Bush nên đến Khe Sanh "nghiêng mình trước địa danh lịch sử đó để khẳng định với Chính phủ và nhân dân Việt Nam rằng giai đoạn hợp tác mới đã thực sự bắt đầu". Trong ý nghĩa đó, bài viết dưới đây của Lê Thành Giai vừa gửi về từ California nhằm đề xuất một tour du lịch về miền tâm tưởng của hàng triệu cựu binh Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt Nam.

Dấu chân những cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam vẫn còn phảng phất trên hàng trăm căn cứ hỏa lực từ rừng U Minh đến vĩ tuyến 17. Ở đâu cũng có kỷ niệm. Và chỉ cần một nhúm lửa nhỏ đủ sức thổi bùng kỷ niệm trong lòng những người cựu chiến binh. Về địa danh, chỉ riêng Khe Sanh, quá nhiều giấy mực đổ ra chỉ để đề cập đến trận Điện Biên Phủ thứ hai trong lịch sử của quân đội viễn chinh. Năm nay, Tổng thống George W.Bush sẽ sang thăm chính thức Việt Nam. Ở buổi lễ tổ chức kỷ niệm ngày Veteran Day tại Bắc California vừa qua, nhiều cựu chiến binh Mỹ đã đề nghị Tổng thống Bush nên ra thăm Khe Sanh. Trên cương vị lãnh đạo, ông ấy hãy đến nghiêng mình trước địa danh lịch sử đó để khẳng định với Chính phủ và nhân dân Việt Nam rằng giai đoạn hợp tác mới đã thực sự bắt đầu.

"Tôi rất muốn trở lại thăm nơi tôi đã được may mắn sống sót", Thomas nói. Người khinh binh của tiểu đội 1, trung đội 2, đại đội B, tiểu đoàn 3/5, sư đoàn 3 Mỹ, kể lại cho tôi nghe những chi tiết về sức chịu đựng của quân trú phòng trước các đợt công kích dữ dội của quân chính quy Bắc Việt. Trên chiếc vòng đeo tay lấy ra từ khẩu hỏa tiễn chống tăng M.72,


Những du học sinh Mỹ trong học kỳ giao lưu văn hóa tại TP Đà Nẵng
có khắc dòng chữ in: "Khe Sanh" và dòng chữ nhỏ chạy quanh: "When I die I will go to heaven because I have spent my time in hell Khe Sanh". Thomas nhắc lại ước muốn rằng với thân hình còn lành lặn và kỷ vật mà được về lại Khe Sanh thật tuyệt vời.

Tôi cũng gặp D.Charles, cựu trung tá của MAG 36 (Marines Aircraf Group 36), tại VA Hospital Paolo Alto, Bắc California. Charles cho hay ông đã hoãn chuyến đi Hawaii - ở đó có tổ chức kỷ niệm trận Trân Châu cảng hằng năm. Tôi gợi ý về một chuyến du lịch Việt Nam. Người cựu hoa tiêu của đơn vị trực thăng H.34 nhắc liền đến tên Khe Sanh. "Tôi đã về lại nơi ấy năm 2001", ông nói một cách hãnh diện. Ông cho rằng nơi đó chính là địa điểm hành hương tốt nhất của cựu chiến binh thuộc Đệ tam Lực lượng Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ (III Marines Amphibious Forces) tại Việt Nam gồm sư đoàn 1 và sư đoàn 3. Theo ông, chẳng có nơi nào có ý nghĩa hơn. Hãy trở lại nơi đã từng bị phá hủy để thấy rằng lòng những người buộc phải cầm súng vì nghĩa vụ không hề muốn như vậy. Trở lại để tưởng nhớ những người bạn đã vĩnh viễn nằm xuống và để lấy lại sự thanh thản chính thực trong lòng.

Rõ ràng Việt Nam đang có một số lượng rất lớn khách du lịch lớn tuổi. Thật vậy, người cựu binh trẻ nhất cũng xấp xỉ 55 - 56 tuổi. Sau vụ bùng nổ của nhật ký bác sĩ Đặng Thùy Trâm, kim nam châm du lịch dường như đang chuyển hướng sang Việt Nam. Tôi đã nghe một số bạn bè trao đổi về chuyến du lịch trở lại chiến trường xưa, trong đó, thanhniennews.com đang là diễn đàn thông tin. Jerry Schuster (Texas) nói tuổi chúng ta là của những câu chuyện cũ còn bỏ dở. Tuổi của những nỗ lực cuối cùng trong đời người, và phải làm một điều gì có ý nghĩa. Danny Jacks (Arkansas) đề nghị hay là chúng ta về bên đó xây một trường học. Xây gần căn cứ cũ cũng tốt. Hoặc là chúng ta xin được bảo trợ một chương trình giáo dục, y tế mang tính thường xuyên. Người Mỹ đã mang đến sự tàn phá, nay người Mỹ cũng phải mang lại sự xây dựng. D.Wells (Texas) nói rằng người ta không thể đổ trút mọi trách nhiệm cho những tay lãnh đạo đã chết. Chúng ta đã góp tay phá hủy khiến cho lớp trẻ Việt Nam phải tự xây dựng lại từ đầu! Những câu nói có tình xuất phát từ tấm lòng của những người bạn Mỹ trong buổi họp mặt kỷ niệm ngày thành lập đơn vị thật đáng ghi nhận.


Hải quân Mỹ dạo phố Đà Nẵng
(ảnh: Đ.N.K)
G.Orwell (Washington D.C), cựu trung tá sư đoàn Americal cho rằng trong thời kỳ internet chắp cánh, chỉ cần lòng nhiệt tình để nối kết ước muốn đang nằm hai bên bờ Thái Bình Dương. Ở Mỹ, từng đơn vị cựu chiến binh đều tổ chức hiệp hội. Mỗi đơn vị đều có một website và một tờ báo. Một số cựu binh tổ chức các tuần san, bán nguyệt san với chủ đề bất tận: Việt Nam. Việt Nam, chiến trường kỷ niệm từng được một tay cựu binh của Sư đoàn 25, cựu trung sĩ Oliver Stone, đưa lên màn ảnh lớn. Nhắc đến tên người đạo diễn nổi danh này, tôi sực nhớ rằng Oliver Stone cũng đang được những người Mỹ đã đọc nhật ký bác sĩ Đặng Thùy Trâm dự kiến chọn làm đạo diễn bộ phim Chân dung bất tử của chiến tranh Việt Nam. Schuster e-mail cho tôi rằng nhiều người nói Hollywood rất khó xâm nhập, nhưng không phải là không thể. Chúng ta đang tiếp tục gõ những cánh cửa nhằm tìm giải pháp. Riêng P.Finch (Seattle) nói, thật là khôi hài, hai tay làm phim bậc thầy là Oliver Stone và Steven Spielberg lại thực hiện phim chiến tranh Việt Nam ở Thái Lan và Philippines. Nay cửa Việt Nam mở rộng, chỉ cần gợi hứng là một trong hai sẽ nhảy vào. Hoàn toàn người thật cảnh thật. Anh em cựu binh sẽ có cơ hội xắn tay tham gia lần cuối. Chỉ cần một cuốn phim đúng nghĩa là chúng ta và Việt Nam sẽ cùng nhau chắp cánh.

Charles nói trước lúc chia tay với tôi: "Hồi chiến tranh, thế giới từng theo dõi Việt Nam và bây giờ, họ vẫn còn quan tâm. Tôi đã từng đi tour thăm Phuket, Chiangmai (Thái Lan) nhưng hoàn toàn không thể so sánh với những gì Khe Sanh đã và đang có. Người Việt Nam từng vào cuộc chiến giữ nước bằng một nghệ thuật đa dạng, bây giờ hãy áp dụng nghệ thuật đó vào công cuộc kinh doanh du lịch. Hãy cho chúng tôi biết những gì một người khách du lịch cần biết. Đối với chúng tôi, điều kiện đi đến ăn ở có lẽ dễ hơn những người khách thế hệ sau. Chúng tôi đã từng có nhiều kỷ niệm trong lòng ở những nơi chúng tôi sắp đến thăm. Chúng tôi về lại ngôi nhà cũ thời trai trẻ. Nhiều năm trôi qua, người Mỹ vẫn đi du lịch theo truyền thống. Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Ý, Nhật, Hồng Kông... đi để vui chơi theo mùa, đi cho biết. Trong khi đó, Việt Nam vẫn cứ nằm sâu trong ký ức, trôi vật vờ, và người thân của chúng tôi cũng không hề muốn nhắc lại. Nhưng mỗi lần họp mặt truyền thống hằng năm, ai cũng nhớ Việt Nam. Chiến trường xưa như đang mời gọi. Ai cũng muốn đi".

Dĩ nhiên phải tốn nhiều thời gian mới có thể gom được số lượng website tương đối đủ để bắc một nhịp cầu thông tin. Anh bạn Đặng Ngọc Khoa nói với tôi qua e-mail rằng, hải quân Mỹ từng đến thăm Đà Nẵng, nhiều du học sinh Mỹ đến miền Trung thăm viếng, chăm sóc các em nhỏ nạn nhân chất độc dioxin, chẳng lý do gì du khách cựu chiến binh Mỹ không đặt vé bay đến Đà Nẵng, lên xe đi một mạch ra Làng Vây, Lao Bảo để tự chữa lành vết thương cho mình ngay miền tâm tưởng, Khe Sanh!

Lê Thành Giai (California, Mỹ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.