Tình công sở

10/01/2006 15:39 GMT+7

Chiếm 1/3 thời gian một ngày nên công sở gần như là mái nhà thứ hai của mỗi người, vì thế, việc phát sinh tình cảm giữa những người làm chung với nhau là điều khó tránh khỏi.

Công sở - nơi bắt đầu tình yêu

Tại công ty may mặc thời trang cao cấp T., Tuyên vào làm trước Thúy 4 năm nhưng khi Thúy xuất hiện, cả hai như cùng bị tiếng sét ái tình dù công ty có gần 4.000 công nhân viên nữ và hai người làm ở hai bộ phận khác nhau, hơn nữa, Thúy lại lớn hơn Tuyên đến 2 tuổi.

Việc hai người yêu nhau đến ông sếp người Malaysia của Tuyên cũng biết. Vốn thích đùa, lại là trưởng phòng tài chính kế toán nên ông thường chọc hai người "tính kỹ" vì công ty có khoản tiền mừng cho nhân viên đám cưới, hai người làm cùng công ty sẽ được cả hai.

Sau một thời gian, Tuyên sáng sáng đến nhà đưa Thúy ra bãi đậu xe, chiều đưa về. Giữa thời buổi xăng dầu đắt đỏ, việc hai người đi chung xe hóa ra lại tiện và lợi. Bù lại, Thúy chăm sóc cho Tuyên từ bữa sáng đến bữa tối. Khi thì bịch trái cây để Tuyên bù đắp vào phần ăn "suy dinh dưỡng" của căn-tin công ty, khi thì gói thức ăn nấu sẵn ở nhà để Tuyên ăn chiều.

Đùng một cái, mọi người nhận được thiệp cưới của Thúy nhưng chú rể không phải là Tuyên!

Khi tình công sở bị… cấm

Ở công ty nước giải khát C. có vốn 100% nước ngoài, trái với việc tự do quan hệ như Thúy và Tuyên, công ty của Hoàn và Liêm lại có một quy định bất thành văn là đồng nghiệp không được lấy nhau. Dù công ty chưa hề xử lý hay phạt, thỉnh thoảng cũng có vài đôi yêu nhau rồi làm đám cưới nhưng họ không dám làm rình rang hoặc công khai đi lại với nhau vì sợ ảnh hưởng đến công việc.

Mọi việc có chăng cũng chỉ các sếp người Việt biết chứ ít khi đến tai các sếp người ngoại quốc. Với chức danh trưởng phòng như Liêm, anh càng thận trọng vì không muốn dây vào những điều cấm kỵ của công ty.

Mối tình của anh và Hoàn - cô nhân viên của anh mọi người đều biết và ủng hộ (chỉ trừ các sếp lớn). Sau hai năm yêu nhau, đồng thời với quyết định đi đến hôn nhân, Hoàn cũng quyết định xin chuyển sang công ty khác làm để khỏi ảnh hưởng đến bước đường thăng tiến đang rộng mở của Liêm.

… và bị "tám"!

Tại một bệnh viện chuyên khoa trong thành phố, mọi người vẫn chưa quên câu chuyện buồn của Dũng và Linh. Dũng là nhân viên kỹ thuật có năng lực, vóc dáng phong độ, hào hoa cộng thêm giọng nói êm như hát. Linh chỉ là một cô y tá bình thường, dân tỉnh lẻ, hiền lại nhút nhát, không có gì nổi bật.

Sự chân chất, mộc mạc của cô lại khiến một người từng trải, đào hoa như Dũng để ý. Việc Linh được anh chiếu cố khiến nhiều cô trong bệnh viện ngầm để ý Dũng ghen tỵ. Họ cố tình tạo cơ hội tiếp xúc, trò chuyện, nhờ vả Dũng trong công việc nhằm đưa đẩy, chọc tức Linh. Việc Dũng đi hội họp, công tác với các đồng nghiệp nữ cũng là chuyện thường nhưng qua miệng lưỡi châm chọc của những kẻ đưa chuyện lại thành ghê gớm. 

Yêu người công tác cùng đơn vị là một thuận lợi khi mọi chuyện xuôi chèo mát mái nhưng lại vô cùng khó chịu khi tình cảm của hai bên gặp vấn đề, trục trặc. Không cần biết lý do, chỉ cần thấy Linh thiếu tập trung hay tỏ ra lơ đễnh trong công việc hoặc xin nghỉ phép là cô lập tức bị gán ngay cái tội "giận nhau với người yêu gây ảnh hưởng đến công việc".

Dù thực chất nguyên nhân không phải vậy và việc yêu Dũng chưa gây ảnh hưởng gì đến công việc nhưng không ít lần trong các cuộc họp giữa tập thể, không ít người xách mé, nói xa gần, bóng gió về việc một số người để tình cảm cá nhân làm giảm hiệu quả công việc làm Linh nản đến mức muốn xin nghỉ.

Đa phần trong các chuyện tình nơi công sở, khi có sự rẽ ngang, thường người trong cuộc chọn quyết định chuyển nơi làm việc, có lẽ để khỏi "đụng độ" với người cũ hoặc đỡ "đau" hơn nếu người cũ lại quen người mới cũng cùng cơ quan.

Việc không thể kết hôn hoặc yêu người cùng công ty chỉ xảy ra ở một số ít công ty, trái lại, nhiều cơ quan (nhất là các đơn vị nhà nước) còn tác hợp cho các đôi là đồng nghiệp với nhau. Thậm chí có nơi Công đoàn còn đứng ra tổ chức lễ cưới cho nhân viên. Tuy nhiên, nếu thực sự yêu nhau thì "mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua" huống gì việc cơ quan ngăn cấm hay một trong hai (thậm chí cả hai người) phải quyết định chuyển nơi làm việc thì cũng đâu có nghĩa lý gì.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.